Chuyến xuất ngoại của Đoàn Văn Hậu hay Công Phượng là những sự thất bại?
Giá trị duy nhất vẫn chỉ là về mặt hình ảnh
Mới đây, ông David Segun Blessing, Giám đốc điều hành của Công ty thể thao liên lục địa Omni (có trụ sở tại Nigeria) đã có những chia sẻ về vấn đề chuyển nhượng cầu thủ châu Á sang thị trường châu Âu. Ông cho rằng:
"Các CLB tời từ châu Âu khi tới châu Á để săn tìm những cái tên tiềm năng thì không coi đây là thị trường cầu thủ châu Á. Đối với họ những cầu thủ châu Á tiềm năng về mặt chuyên môn là chưa đủ và cũng không phải là ưu tiên hàng đầu của họ. Những cái tên mà các CLB này nhắm tới phải là những người có một sự ảnh hưởng nhất định về mặt truyền thông, những người sẽ giúp họ khai thác được thị trường khán giả châu Á".
Việc thu hút được sự chú ý của khán giả về phía CLB và các giải đấu ở châu Âu rõ ràng là có ý nghĩa nhất lớn về mặt thương mại trong thời kì khó khăn mà dịch Covid-19 đang gây ra.
Trên thực tế đã có nhiều trường hợp các CLB đạt được những thành tựu đáng kể nhờ chiến lược này. Những SC Heerenveen của Hà Lan hay Sint-Truidense của Bỉ đã tạo ra được những cơn sốt thực sự trên mạng xã hội và thu về được một sự chú ý đáng kinh ngạc sau khi công bố bản hợp đồng của Văn Hậu và Công Phượng. Số lượng theo dõi trên fanpage của các CLB này đã tăng lên vài triệu chỉ trong một thời gian ngắn.
BLV Ngô Quang Tùng chia sẻ:" Được chuyển sang các CLB châu Âu cũng là một cơ hội để các cầu thủ quảng bá hình ảnh nước nhà với bạn bè thế giới. Tuy nhiên, sân khấu chính của các cầu thủ phải là ở trên sân cỏ, chắc chắn NHM sẽ không thể thỏa mãn với việc các vụ chuyển nhượng cầu thủ của ta chỉ mang tính chất thương mại mà tính chuyên môn lại chưa cao".
Còn nhiều điều phải làm để hiện thực hóa tham vọng xuất khẩu cầu thủ
Rõ ràng cái ngày mà một cầu thủ Việt Nam tới một CLB ở châu Âu với lí do chính là đóng góp về mặt chuyên môn là còn rất xa. Ông Segun Blessing chia sẻ thêm: "Nếu các bạn nghĩ Văn Toàn, Quang Hải, Văn Hậu sang châu Âu vì vấn đề chuyên môn thì sẽ là sai lầm. Chất lượng cầu thủ Việt Nam còn rất xa so với các nền bóng đá khác, thậm chí là ở Indonesia".
Cầu thủ Việt Nam khi ra nước ngoài thi đấu đã có những sự tiến bộ về mặt thể lực, trình độ ngoại ngữ đáng ghi nhận, nhưng dù vậy nhiều lí do khác nhau đã khiến dấu ấn mà các cầu thủ của chúng ta để lại là còn khá mờ nhạt đặc biệt là về mặt chuyên môn.
Điều mà bóng đá Việt Nam đang thực sự cần và mong muốn là có nhiều cầu thủ giỏi ra nước ngoài và được thi đấu một cách sòng phẳng trong môi trường cạnh tranh khốc liệt.
Cựu Giám đốc kỹ thuật Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Jurgen Gede đã từng phát biểu: “Xuất khẩu cầu thủ Việt Nam, cũng như giấc mơ World Cup, là một quá trình tốn thời gian, tiền của và công sức”. Thật vậy, quá trình xuất khẩu cầu thủ Việt Nam cần phải có một chiến lược bài bản, rõ ràng và chuyên nghiệp. Cần có một đội ngũ hỗ trợ thiện chiến, nhằm trang bị cho cầu thủ Việt Nam những thứ mà bóng đá thế giới cần.
"Các cầu thủ Việt Nam chưa buông bỏ giấc mơ được bơi ra biển lớn, nhưng họ cần thêm thời gian. Giá trị của bóng đá Việt Nam càng được nâng lên khi giá trị của cầu thủ Việt Nam được thừa nhận một cách thật sự trong màu áo CLB nước ngoài", BLV Quang Tùng khẳng định thêm về khát vọng của bóng đá Việt Nam.
Post a Comment