Tấm vé dự World Cup 2023 của HLV Mai Đức Chung và câu hỏi ai thay HLV Park Hang-seo?
Kỳ tích của HLV Mai Đức Chung
Chiều tối 6/2 vừa qua, người hâm mộ Việt Nam đã có dịp ăn mừng trong những ngày đầu năm mới Nhâm Dần khi ĐT nữ Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Mai Đức Chung giành vé dự FIFA World Cup nữ 2023.
Đây thực sự là một kỳ tích nếu biết rằng trước trận ra quân VCK giải vô địch bóng đá nữ châu Á 2022 có ý nghĩa như vòng loại World Cup gặp ĐT nữ Hàn Quốc, ĐT nữ Việt Nam tưởng như sẽ không đủ quân để thi đấu do nhiều cầu thủ nhiễm Covid-19 trong chuyến tập huấn tại Tây Ban Nha.
Phải đến sau khi giải khép lại, khi cùng các học trò mà mình coi như "con cháu" trong nhà, HLV Mai Đức Chung mới tiết lộ: "Có những cầu thủ vừa khỏi Covid-19, ra sân không thở nổi, chuẩn bị chạy thì ngã..." nhưng ông vẫn phải đưa họ vào sân. Lý do là nếu không thi đấu, các cầu thủ còn mệt hơn và không sẵn sàng cho chặng đua đường dài đầy gian nan để hướng tới mục tiêu giành vé dự ngày hội bóng đá nữ thế giới lịch sử tổ chức tại Australia và New Zealand vào năm sau.
Các nữ cầu thủ trong đó có những cái tên trực tiếp cảm nhận việc "rơi vàng" cách đây 8 năm như Chương Thị Kiều chắc hẳn biết rõ đây là cơ hội "có 1 không 2" của mình. Họ cố gắng nắm giữ thời cơ dù là nhỏ nhất để "trả nợ" Thái Lan bằng trận thắng 2-0 (Năm 2014, ĐT nữ Việt Nam đã thua Thái Lan 1-2 trong trận play-off giành quyền dự World Cup 2015 trên sân Thống Nhất). Tiếp theo là đá bại Đài Bắc Trung Hoa 2-1 trong 90 phút mà nếu không có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa bản lĩnh, kinh nghiệm của thủ môn Kim Thanh, đội trưởng Huỳnh Như, Tuyết Dung, tiền vệ Thùy Trang, tiền đạo Hải Yến với sự lì lợm của tiền vệ Thái Thị Thảo cộng bầu nhiệt huyết, khát khao của các cầu thủ trẻ là Ngân Thị Vạn Sự, Tuyết Ngân, Thanh Nhã… thì ĐT nữ Việt Nam không thể thành công.
Sau tất cả, HLV Mai Đức Chung vẫn hết lời ca ngợi tinh thần, ý chí thi đấu kiên cường của những cô gái Việt Nam, sự đoàn kết, sức mạnh tập thể cũng như sự tạo mọi điều kiện từ phía lãnh đạo ngành thể thao, VFF.
Nhưng thực tế, sau kỳ tích của ĐT nữ Việt Nam chính là tài cầm quân của HLV Mai Đức Chung. Ông biết lúc cương (trận quyết đấu hòa Myanmar 2-2 ở vòng bảng khi ĐT nữ Việt Nam vẫn chưa hồi phục thể lực), lúc nhu (chấp nhận tung đội hình với nhiều cầu thủ dự bị thua ĐT Trung Quốc 1-3 ở tứ kết, giữ sức cho các trụ cột tập trung đá play-off).
Và nếu không phải là ông Chung "Xe ca" thì thật khó có ai "nâng bước" các cầu thủ nữ trong điều kiện ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, thi đấu trong điều kiện thời tiết nắng nóng khắc nghiệt vào quãng thời gian 13 giờ trưa tại Ấn Độ.
Bí quyết của ông Chung là gì? Đơn giản, ông khơi dậy tinh thần "chiến đấu", "không bao giờ bỏ cuộc" và niềm tin "Chúng ta có thể làm nên kỳ tích" từ trong sâu thẳm mỗi cầu thủ. Và quan trọng nhất, khi ra sân, ông chỉ nói ngắn gọn: "Các con cứ thoải mái mà chơi, có gì bác chịu hết cho!"
HLV Hoàng Anh Tuấn đang ở đâu?
Trước HLV Mai Đức Chung, bóng đá Việt Nam từng ghi nhận tấm gương thầy nội đi vào lịch sử đó là HLV Hoàng Anh Tuấn khi dẫn dắt U19 Việt Nam giành vé dự FIFA U20 World Cup 2017.
Lứa học trò do tay ông Tuấn "mài giũa" sau này đã góp phần rất quan trọng vào thành công của đội U22, đội Olympic và ĐT Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo trong khoảng 4 năm qua.
Đó là thủ môn Bùi Tiến Dũng, hậu vệ Đỗ Thanh Thịnh, Đoàn Văn Hậu, Hồ Tấn Tài, Trần Đình Trọng, Huỳnh Tấn Sinh, Nguyễn Hoàng Đức, Tiến Linh, Đức Chinh… và đặc biệt là ngôi sao Nguyễn Quang Hải.
Đã đành thời gian qua HLV Park Hang-seo gặt hái được rất nhiều thành công cùng bóng đá Việt Nam và người hâm mộ luôn khắc ghi công lao của nhà cầm quân người Hàn Quốc. Nhưng câu hỏi đặt ra là HLV Hoàng Anh Tuấn – một người tài năng như vậy đang ở đâu? Chúng ta vẫn luôn nói tới bài toán đào tạo trẻ, tạo lực lượng kế cận cho các đội tuyển quốc gia. Nhưng ai là người đào tạo ra những cầu thủ giỏi thì ít ai đề cập tới.
Đến đây, người viết lại nhớ tới nỗi niềm trăn trở của HLV Mai Đức Chung trong một lần tâm sự. Ông Chung nói: "Chế độ HLV cơ sở, đào tạo trẻ cần được nâng cao hơn. Khi có đồng lương đảm bảo họ mới tập trung vào công việc".
Rõ ràng, đội ngũ HLV cũng cần có sự kế cận, không chỉ ở cấp CLB mà còn ở cấp ĐTQG. Trong xu thế đó, người viết thấy hơi lạ là trong suốt thời gian qua, vì lý do nào đó từ phía HLV Hoàng Anh Tuấn, VFF hay HLV Park Hang-seo mà HLV Hoàng Anh Tuấn lại không lên làm trợ lý cho thầy Park (?!).
Có một minh chứng có thể liên tưởng tới có ý nghĩa như một gợi ý đi tìm đáp án cho câu chuyện kể trên là vai trò của ông Trần Anh Tú (bầu Tú) trên hành trình đưa ĐT futsal Việt Nam 2 lần dự World Cup 2022.
Lần thứ 1, ĐT futsal Việt Nam vượt qua "đại gia" Nhật Bản để giành quyền dự FIFA Futsal World Cup Colombia 2016. Khi đó, ĐT futsal Việt Nam được dẫn dắt bởi HLV người Tây Ban Nha Bruno Formoso.
Kết thúc World Cup 2016, khi HLV Bruno nói lời chia tay, ông Tú có ngay phương án "đóng thế" là cựu tuyển thủ Nguyễn Bảo Quân, trước khi ký hợp đồng với HLV người Tây Ban Nha khác là ông Miguel Rodrigo.
Trong suốt hành trình kéo dài 5 năm đó, bầu Tú đã âm thầm bồi dưỡng cho HLV Phạm Minh Giang - người luôn tích cực ghi chép, "học hết bài" của các HLV ngoại để đi vào lịch sử với tư cách HLV nội đầu tiên dẫn dắt ĐT futsal Việt Nam giành quyền dự World Cup 2021 và thi đấu ấn tượng tại Lithuania hồi tháng 9 năm ngoái.
Ngay tại Lithuania, ông Tú thậm chí còn có luôn phương án dự phòng khi trợ lý Nguyễn Tuấn Anh thế chỗ HLV Phạm Minh Giang bị nhiễm Covid-19 chỉ đạo các học trò thi đấu vòng 1/8 với ĐT futsal Nga (hạng 4 thế giới) và chỉ chịu thua sát nút 2-3.
Sau giải đấu, trả lời Dân Việt, bầu Tú cho biết: "Có lẽ đây là câu chuyện mọi người không thể ngờ tới được nhưng trong suy nghĩ của mình, chúng tôi đã có những tính toán từ trước.
Nhiều người đã thắc mắc với tôi tại sao lại đưa HLV Phạm Minh Giang (Thái Sơn Nam), Nguyễn Tuấn Anh (CLB Sahako) vào chung ban huấn luyện ĐT futsal Việt Nam? Đây là 2 HLV giỏi của 2 CLB mạnh cạnh tranh nhau chức vô địch quốc gia, nhốt "2 hổ chung 1 chuồng" có ổn không?
Về phần mình, tôi làm như vậy vì 3 lý do. Thứ 1, tôi tin là mình kiểm soát được tình hình. Thứ 2, tôi muôn đào tạo thêm HLV cho futsal Việt Nam. Và thứ 3, điều quan trọng nhất là dự phòng trong trường hợp HLV Phạm Minh Giang bị nhiễm Covid-19 sẽ phải có người sẵn sàng thay thế.
Chính sự chuẩn bị như vậy, khi HLV Phạm Minh Giang bị cách ly trong phòng, trợ lý Nguyễn Tuấn Anh vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ".
Ông Tú là vậy, tính "hết nước" và đã thành công cùng ĐT Futsal Việt Nam. Ông Chung "Xe ca" cũng đã lập nên kỳ tích cùng ĐT nữ Việt Nam ở độ tuổi "thất thập cổ lai hy".
Và giờ trở lại với câu chuyện HLV Park Hang-seo và mục tiêu cùng ĐT bóng đá nam Việt Nam giành quyền dự World Cup 2026 (giải đấu lần đầu tiên được FIFA nâng số đội từ 32 lên 48 và châu Á có 8 xuất – PV).
Lúc này, hợp đồng của HLV Park Hang-seo với VFF còn đến ngày 31/1/2023. Nếu mọi thứ diễn ra thuận lợi trong thời gian tới, cụ thể là bóng đá Việt Nam có thành tích tốt, tiếp tục đi lên dưới thời HLV Park Hang-seo thì không có gì để nói. Nhưng nếu mọi thứ không thành công (HLV Park Hang-seo đã nhiều lần nhắc tới ngày chia tay bóng đá Việt Nam bởi không có gì là mãi mãi) thì VFF sẽ lấy ai thay HLV Park Hang-seo?
Không lẽ bất đắc dĩ, HLV Mai Đức Chung lại vào vai "đóng thế" như ông đã 3 lần làm trong quá khứ (năm 2007, 2 lần đóng thế cố HLV A.Riedl; năm 2017 đóng thế HLV Nguyễn Hữu Thắng trước khi HLV Park Hang-seo tới)?
Và có ai hỏi, HLV Hoàng Anh Tuấn – người thầy của rất nhiều tài năng bóng đá Việt Nam lúc này đang ở đâu? Câu trả lời, ông Tuấn đang làm Giám đốc Học viện bóng đá Phù Đổng, Phó Chủ tịch CLB hạng Nhất Phù Đổng.
Như vậy khi Tổ quốc cần, ông Hoàng Anh Tuấn có sẵn sàng "xuất tướng" để thành công?
Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn: "Chúng tôi đã đặt ra vấn đề tin dùng HLV nội dẫn dắt các đội tuyển thể thao quốc gia từ lâu và về lâu dài, chúng ta tin thầy nội sẽ làm tốt. Nhưng bây giờ, nhiều môn thể thao vẫn cần đến chuyên gia ngoại".
Post a Comment