Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức trận cầu lịch sử trên sân Phố Ga
Chứng kiến nhân dân cả nước mừng vui với những điềm lành đầu xuân đến từ môn bóng đá khi cả ĐT nam và nữ Việt Nam đều giành chiến thắng ấn tượng, mới thấy có những điều lớn lao vượt ra khỏi khuôn khổ những trận đấu thông thường trên sân cỏ.
Bóng đá không chỉ là môn thể thao được nhiều người ưa thích, nó còn là môn thể thao cao thượng, kết dính tâm tư, tình cảm mọi người trong xã hội. Những kết quả tích cực đến từ bóng đá còn là nhân tố tạo động lực để xã hội phát triển.
Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ những ngày đầu lập nước đã hết sức chú trọng phát triển môn thể thao Vua. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lúc là người tổ chức chuyên nghiệp cho một trận đấu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi sang Pháp ký Tạm ước Việt - Pháp ngày 14/9/1946, Người được Đô đốc D'Argenllieu, chỉ huy Hải quân Pháp tại Việt Nam thay mặt Chính phủ Pháp, hộ tống trở về Việt Nam bằng đường biển, cập cảng Hải Phòng.
Nhìn cảnh các chiến hạm Pháp vây kín cảng Hải Phòng và vịnh Bắc Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gợi ý Đô đốc D'Argenllieu tổ chức một trận bóng đá giao hữu giữa đội bóng của Hải quân Pháp tại Việt Nam với đội bóng đá Cảng Hải Phòng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn "hạ nhiệt" không khí căng thẳng quân Pháp đang bủa vây Hải Phòng và muốn quân đội Pháp chứng kiến khí thế cách mạng, lòng yêu nước của nhân dân Hải Phòng nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung.
Đây cũng là biện pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm thăm dò thái độ của quân đội Pháp và phần nào giải tỏa không khí căng thẳng giữa hai bên ở vùng biển Hải Phòng và vịnh Bắc Bộ.
Ngày 20/10/1946, tàu cập cảng Hải Phòng. Trong cuộc đón tiếp của nhân dân Hải Phòng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã báo cáo với đồng bào cả nước về kết quả chuyến đi và về bản Tạm ước 14/9 được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Pháp. Kết thúc buổi lễ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo và kính mời nhân dân Hải Phòng đón xem và ủng hộ trận đấu bóng đá giữa Đội thành phố Hải Phòng và Đội Hải quân Pháp tại sân Phố Ga vào chiều hôm sau (21/10/1946).
Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc ấy vừa là người kiến tạo, vừa là người tổ chức trận đấu, đồng thời lại là người chỉ đạo thành lập Đội thành phố Hải Phòng.
Giúp việc cho Hồ Chủ tịch có 2 danh thủ Hải Phòng hồi bấy giờ là cụ Nguyễn Lan và Nguyễn Nhân. Cụ Nguyễn Lan khi ấy là thành viên đội Hành động của Công an Hải Phòng.
Người Hải Phòng thời điểm đó, hầu như ai cũng biết cụ Nguyễn Lan và cụ Nguyễn Nhân, hai cầu thủ nổi tiếng của bóng đá đất Cảng.
Ngày 20/10, hai cụ nhận lệnh. Chỉ sau mấy giờ đồng hồ, hai cụ đã thành lập xong đội bóng để chiều hôm sau (21/10), trận đấu quốc tế đầu tiên của bóng đá Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được tổ chức thành công trên sân Jeunot mà dân Hải Phòng quen gọi là sân Phố Ga.
Hải Phòng lắm anh tài nên dù đội tuyển thành lập vội vã, nhưng đá với đội Hải quân Pháp cứ như đá tập. Cuối trận, để giữ thể diện cho Đô đốc Pháp D'Argenllieu đang có mặt trên khán đài, cụ Lan đành bảo đồng đội mở toang khung thành cho đội Pháp gỡ hòa. Những người làm rạng danh bóng đá Hải Phòng hôm ấy, ngoài cụ Lan và cụ Nhân, còn các cụ Giống, Hoàng Kính Châu, Viễn, Mùi Pố, Chi "móm" (bố danh thủ Hùng xồm)…
Nhìn rừng cờ đỏ dân Hải Phòng mang tới vây kín sân vận động Phố Ga, Đô đốc D'Argenllieu và các sỹ quan tùy tùng đã được chứng kiến khí thế cách mạng và tình yêu với trái bóng tròn của người dân đất Cảng.
Post a Comment