Header Ads

V.League - Thai-League: Sự khác biệt về chất lượng tạo nên vị thế ĐTQG

Thai-League đã bỏ xa V.League

"ĐT Việt Nam dù đang là một đội bóng mạnh tại Đông Nam Á, nhưng giải V.League cần cải thiện rất nhiều để kích cầu nền bóng đá tổng thể. Hãy so sánh với Thai-League, hiện đang là giải tốt nhất tại Đông Nam Á. Đừng hiểu lầm, Thái Lan có cơ sở hạ tầng tốt hơn, ngoại binh tốt hơn, tuy vẫn cần cải thiện nhưng là tốt nhất khu vực. Chanathip trưởng thành tại đây và đã có bước tiến vượt bậc khi trở thành ngôi sao hạng A tại J.League.

Tôi muốn nhắc lại một lần nữa là các giải VĐQG ở Việt Nam, Indonesia, Singapore cần cải thiện. Quang Hải là sản phẩm ưu tú của V.League nhưng cậu ấy chưa xuất ngoại. Tôi nghĩ Hải không nên lãng phí thời gian, nếu giải đấu không cải thiện thì nên đi đến J.League, châu Âu. Tôi không muốn nói xấu, nhưng các giải Đông Nam Á cần cải thiện rất nhiều về mọi mặt".

V.League - Thai.League: Cái nhìn tổng thể để so sánh sức mạnh Việt Nam - Thái Lan - Ảnh 1.

HLV Polking cho rằng V.League đang thua xa Thai.League về chất lượng (Ảnh SPORT).

Đây là những câu nói rất thực tế của HLV trưởng ĐT Thái Lan - Alexsander Polking. Ông đã lấy Thai-League làm tiêu chuẩn để bóng đá Đông Nam Á phát triển và đưa ra quan điểm rõ ràng về việc hãy sẵn sàng đưa những ngôi sao của bóng đá Đông Nam Á trình làng những giải đấu tầm cỡ ở Nhật Bản, Hàn Quốc hay xa hơn là tại châu Âu.

Từ những lời phát biểu của HLV Alexsander Polking, thầy trò HLV Park Hang-seo cũng phải nhìn lại chính mình. Sau thất bại ở AFF Cup 2020, ĐT Việt Nam có thể đổ lỗi cho nhiều nguyên nhân, nhưng chúng ta cần nhìn vào thực tế rằng, bóng đá Thái Lan đang có những bước đi bỏ xa Việt Nam từ nền móng đến thành tựu.

Nói thế không phải là phủ nhận thành tích 3 năm qua của "Những chiến binh sao vàng" đã đạt được. Nhưng chúng ta cần phải có một cuộc cách mạng cải tổ nền bóng đá theo lộ trình, sẵn sàng mất vài năm để có được thành công lâu dài, thay vì dựa vào một lứa cầu thủ tài năng rồi sau đó mơ hồ về những lớp kế cận.

V.League - Thai.League: Cái nhìn tổng thể để so sánh sức mạnh Việt Nam - Thái Lan - Ảnh 2.

ĐT Việt Nam đang có phần chững lại trong năm 2021 (Ảnh SPORT).

Đầu tiên như những gì HLV Polking bày tỏ, nếu muốn có một ĐTQG mạnh trước hết phải có một giải đấu VĐQG tầm cỡ. Hãy nhìn sang Thai-League để thấy V.League nhỏ bé thế nào?

Ở Thái Lan bóng đá được xem là món ăn tinh thần vào những dịp cuối tuần của người dân nơi đây. Chính vì vậy chiếc vé cả mùa của đa số những CLB tại giải Thai-League đã được bán hết 80% trong ngày đầu mở bán. Điều này cho thấy tình yêu và sự quan tâm cực lớn của người hâm mộ với bóng đá.

Về tính cạnh tranh, Thai-League có đến 18 đội (ngang số đội ở giải Bundesliga - Đức) và cuối mùa có 3 đội xuống hạng. Còn ở giải Hạng Nhất có 22 đội tham dự, một con số rất bất ngờ khi tính khốc liệt ở giải đấu này cũng không kém cạnh Thai-League.

Một điều cũng đáng nói, giải Hạng Nhất - Thái Lan là cái nôi phát triển những tài năng trẻ, họ ưu tiên trình làng những viên ngọc của lò đào tạo, sau đó sẵn sàng bán kiếm lời để lấy chi phí duy trì đội bóng (nước đi này khá giống những đội bóng tại châu Âu như: Ajax, Porto, Benfica hay Borussia Dormund...)

Trong khi đó nhìn sang V.League, chỉ có 14 đội và giải Hạng Nhất cũng chỉ có 12 đội, suất lên hạng là 1,5 nhưng giải Hạng Nhất rất ít được quan tâm, thậm chí những cầu thủ Hạng Nhất còn không có tiếng bằng nhiều cầu thủ bóng đá Phủi (sân chơi 7 người).

V.League - Thai.League: Cái nhìn tổng thể để so sánh sức mạnh Việt Nam - Thái Lan - Ảnh 4.

Đặng Văn Lâm cho rằng Thai-League là điểm đến trong mơ của bất kỳ cầu thủ nào tại Đông Nam Á (Ảnh SPORT)

Cái nhìn từ thủ thành Đặng Văn Lâm

Chúng ta hãy nhìn từ chia sẻ thực tế của thủ thành Đặng Văn Lâm, người đã có những trải nghiệm ở cả Thai-League và V.League để thấy sự khác biệt giữa hai nền bóng đá thế nào: "Thời tiết ở Việt Nam và Thái Lan khá giống nhau. Tuy nhiên, các trận đấu ở Thai-League thường diễn ra vào khung giờ 18h-19h khi trời đã tối và dịu mát. Trong khi các trận đấu ở V.League thường diễn ra sớm hơn, khi mặt trời vẫn chưa lặn.

Về lối chơi, các đội bóng ở Thái Lan cũng có xu hướng chơi bóng ngắn và kỹ thuật so với bóng dài và thể lực tại V.League. Ngoài ra, số lượng ngoại binh là sự khác biệt lớn giữa 2 giải đấu. Các đội bóng Thai-League được phép đăng ký 3 ngoại binh ngoài châu Á, 1 ngoại binh châu Á và 3 ngoại binh Đông Nam Á. Trong khi đó, V.League chỉ cho phép sử dụng 3 ngoại binh và 1 cầu thủ nhập tịch.

Việc có nhiều ngoại binh với trình độ chuyên môn cao đã giúp Thai-League có được sức hút mạnh mẽ về mặt truyền thông, song song là việc nâng tầm giải đấu có chất lượng tốt hơn, tạo ra nhiều sự cạnh tranh hơn. Với cá nhân tôi, việc chơi bóng tại Thai-League mang đến rất nhiều trải nghiệm thú vị".

V.League - Thai.League: Cái nhìn tổng thể để so sánh sức mạnh Việt Nam - Thái Lan - Ảnh 5.

V.League cần rất nhiều sự cải tổ để vươn tầm như Thai.League (Ảnh SPORT)

Quả thực sau góc nhìn tổng quan về Thai-League, chúng ta mới thấy V.League vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Năm 2021 chứng kiến việc CLB Than Quảng Ninh giải thể mang đến nhiều nỗi buồn cho bóng đá Việt Nam. Tiếp đến là việc dù vinh dự có 3 đội được thi đấu tại Cup châu Á, nhưng ngoài HAGL và Viettel, các đội bóng còn lại đều từ chối vì lý do "muôn thủa" là không đủ kinh phí. Đây được xem là một điểm trừ khó nói nên lời của Liên đoàn bóng đá Việt Nam.

Tuy nhiên, để nói về mặt tích cực thì vẫn còn đó những điểm sáng mang đến nhiều hy vọng như sự đầu tư mạnh mẽ của 2 CLB là Toppeland Bình Định và TP.HCM, khi liên tiếp đưa về những ngôi sao để phát triển thương hiệu và nâng tầm đội bóng.

Cùng với đó là sự trở lại mạnh mẽ của CLB HAGL để có thể cạnh tranh sòng phẳng với Hà Nội FC trên con đường chinh phục chức vô địch V.League. Hay CLB SLNA, cái nôi của bóng đá Việt Nam, đã có được mạnh thường quân "rót tiền" để hướng đến mục tiêu lấy lại bản sắc và vị thế của một ông lớn tại V.League.

Song song với việc các CLB đã có những bước phát triển mạnh mẽ, các cầu thủ Việt Nam cũng đã tạo dựng được tên tuổi khiến nhiều đội bóng tại nước ngoài quan tâm như Quang Hải, Hoàng Đức hay Đặng Văn Lâm..

Hy vọng với những điểm sáng tích cực đang có, V.League sẽ sớm đuổi kịp Thai-League để trở thành giải đấu hàng đầu tại Đông Nam Á.

Năm 2009, V.League từng ở vị trí 41 trong tốp 100 giải VĐQG hấp dẫn nhất thế giới do Liên đoàn Thống kê lịch sử bóng đá thế giới (IFFHS) xếp hạng. Đó là thời kỳ nhiều ngôi sao của bóng đá Thái Lan, tầm cỡ như Kiatisak cũng phải đến Việt Nam đá bóng và kiếm tiền. Tuy nhiên, sau đó vài năm, V.League đi xuống rất nhanh. Cuối mùa giải 2012, V.League rơi vào khủng hoảng, nhiều ông bầu bỏ bóng đá nhưng V.League vẫn nằm trong tốp 100 với vị trí 87. Sau đó, V.League đã xuống dốc thê thảm về thứ hạng do IFFHS bình chọn. Năm 2017 V.League tụt xuống hạng 102 thế giới, trong khi Thai-League hạng 63. V.League thua cả các giải VĐQG Indonesia, Singapore, Malaysia, chỉ hơn mỗi Myanmar. Đây có thể xem là bảng xếp hạng khiến V.League "mất mặt" nhất trong gần 1 thập kỷ qua.

Thực tế, ở cấp độ ĐTQG có thể bóng đá Việt Nam xếp trên Thái Lan ở BXH FIFA, nhưng ở giải VĐQG thì mọi thứ lại là câu chuyên khác.

No comments

Powered by Blogger.