"ĐT Việt Nam chững lại chứ không thất bại tại AFF Cup 2020"
"ĐT Việt Nam đã có sự thay đổi trong lối chơi"
Dưới thời HLV Park Hang-seo, trong khoảng 4 năm qua, bóng đá Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành tích trên đấu trường quốc tế, từ cấp độ U22, Olympic đến ĐTQG: HCB U23 châu Á, vào bán kết ASIAD, vô địch AFF Cup 2018; lọt tới tứ kết ASIAN Cup, HCV SEA Games 2019 và gần nhất là lần đầu tiên giành quyền đi tới vòng loại cuối cùng World Cup 2022.
Nhưng có thể thấy rõ trên hành trình đó, ĐT Việt Nam gần như chỉ tập trung đá phòng ngự - phản công. Trong 6 trận đã qua tại vòng loại cuối cùng World Cup 2022, trước những đội bóng hàng đầu châu lục như Nhật Bản, Australia, Ả Rập Xê-út... ĐT Việt Nam cũng buộc phải chơi với tâm thế, vị thế ấy.
Cùng với nhiệm vụ bảo vệ danh hiệu đương kim vô địch, ĐT Việt Nam bước vào AFF Cup 2020 với niềm tin tạo dựng lại cảm hứng chiến thắng sau chuỗi trận toàn thua ở vòng loại World Cup. Để đạt mục đích ấy, ĐT Việt Nam phải thay đổi cách tiếp cận trận đấu, lối chơi. Và với những gì đã thể hiện, thầy trò HLV Park Hang-seo đã làm được điều đó.
Không tính tới những trận đấu với đối thủ yếu hơn là Lào, Campuchia, trong trận thắng Malaysia 3-0 và hiệp 1 trận bán kết lượt về với Thái Lan tối 26/12, ĐT Việt Nam đã tạo được áp lực lớn, tấn công toàn tuyến, áp đặt khiến đối phương rơi vào thế bị động.
Trận đấu với Indonesia, chúng ta cũng làm chủ hoàn toàn thế trận. Đối phương gần như chỉ biết phòng ngự và phòng ngự để cầm hòa 0-0.
Nghĩa là ở khía cạnh thay đổi lối chơi, thay đổi chính mình, ĐT Việt Nam đã phần nào làm được.
Phải biến hóa hơn, linh hoạt hơn, sắc bén hơn
Bên cạnh điểm tích cực nói trên, ĐT Việt Nam còn những hạn chế mà chúng ta phải khắc phục. Cụ thể, về mặt thể lực, rõ ràng ĐT Việt Nam đã được cải thiện tương đối nhiều, sức chịu đựng cao lên, nhưng khi phải chơi với cường độ cao, chúng ta vẫn chưa đáp ứng được. Ở đây có 2 vấn đề, thứ 1 nhất là nền tảng thật tốt, thứ 2 là tính toán, phân phối sức trong trận đấu.
Với thực lực hiện tại, có lẽ ĐT Việt Nam nên lựa chọn từng thời điểm đá tấn công, pressing mạnh mẽ chứ không thể đá ào ạt như hiệp 1 trận lượt về với Thái Lan, để rồi sau đó sang hiệp 2 lại không thể tiếp tục duy trì nhịp độ, phải chuyển sang đá bóng dài, bóng bổng vốn không phải là sở trường của mình. Điểm này, ban huấn luyện ĐT Việt Nam cần nghiên cứu lại.
Về phương án tấn công, chúng ta cũng đã có nhiều phương án. Lúc thì xuống đáy biên trả ngược lại, khi thi chuyền khe vào nách trung vệ và hậu vệ đối phương, khi cần cũng có thể tấn công trực diện. Các giải pháp đánh đầu, cắt mặt, đá phạt cố định, sút xa cũng đã xuất hiện.
Nhưng điều quan trọng nhất là khả năng dứt điểm vẫn còn rất hạn chế. Bằng chứng là 3 trận đấu tại AFF Cup 2020 với Indonesia và Thái Lan, ĐT Việt Nam không ghi được bàn thắng.
Chúng ta đang thiếu những tiền đạo sắc bén, điều đó ai cũng thấy, HLV Park Hang-seo cũng đã nhiều lần than phiền sau Anh Đức, Tiến Linh, không thấy ai đủ sức thay thế vì các CLB V.League toàn dành suất trung phong cho ngoại binh. Nhưng nếu tiền đạo không thể ghi bàn, chúng ta phải có những giải pháp để các tiền vệ "nhả đạn" chứ? Thậm chí, các hậu vệ cũng có thể lập công.
Thực tế, ĐT Việt Nam đã tạo ra nhiều cơ hội trước Indonesia, Thái Lan nhưng các chân sút đều bỏ lỡ rất đáng tiếc. Thống kê đáng buồn như ở trận gặp Indonesia, ĐT Việt Nam sút hơn 20 quả nhưng chỉ có 1 lần thực sự gây nguy hiểm cho khung thành đối phương (?!).
Với những con người hiện tại, chúng ta cần rèn giũa nhiều hơn khả năng dứt điểm. Trong những trận đấu với đối thủ ngang bằng hoặc nhỉnh hơn, có trình độ cao hơn, cơ hội đến rất ít. Nếu cứ phung phí như vậy thì không thể được!
Cần thêm nhân tố mới
Nhìn lại những gì ĐT Việt Nam thể hiện từ vòng loại World Cup 2022 đến AFF Cup vừa qua, HLV Park Hang-seo cùng các cộng sự cần tập trung tìm tòi, xây dựng thêm những phương án nhân sự mới ở cả 3 tuyến, tạo thêm độ dày lực lượng, qua đó có thể đưa ra những giải pháp mới hiệu quả hơn.
Tại AFF Cup 2020, HLV Park Hang-seo mang sang Singapore 30 cầu thủ nhưng số người được đá khoảng 45 phút trở lên/trận chỉ vào khoảng 15-17 người. Tôi cũng nhận thấy không ít nhân tố quen thuộc ở ĐT Việt Nam hiện nay bắt đầu chạm tới ngưỡng. HLV Park Hang-seo cần có sự thay thế, tăng thêm sức cạnh tranh, vận động trong lòng bóng đá Việt Nam nói chung và ĐTQG nói riêng.
Theo tôi, chúng ta nên nhìn việc ĐT Việt Nam không hoàn thành nhiệm vụ tại AFF Cup 2020 ở góc độ tích cực, trong quá trình vận động đồ thị hình sin. Chúng ta đã vươn tới những đỉnh cao, đạt được những kết quả tốt và giờ đang khựng lại. Nếu biết nhìn nhận nghiêm túc những hạn chế, chỉnh sửa, thay đổi hợp lý để hoàn thiện mình, ĐT Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp tục hướng lên phía trước, trở lại ngay trong năm 2022.
Rõ ràng chúng ta đã chơi những trận đấu, hiệp đấu có chất lượng đáp lại niềm tin của người hâm mộ, cho thấy còn những yếu tố để chúng ta có thể tiến lên được; dù không thể phủ nhận đã có những sai lầm trong cách tiếp cận lối chơi, đặc biệt là trận bán kết lượt đi thua Thái Lan 0-2.
Bóng đá là thế, hy vọng những sai sót ấy hy vọng sẽ giúp ĐT Việt Nam trưởng thành, vững vàng hơn mà thể hiện rõ nhất ở trận tiếp ĐT Trung Quốc vào đúng ngày mùng 1 Tết Nhâm Dần.
Nếu chúng ta không có những trải nghiệm, thay đổi trong lối chơi ở AFF Cup 2020 thì thật khó để sẵn sàng cho cuộc đọ sức với Trung Quốc sắp tới. Không thể chỉ trông chờ đá phòng thủ chắc và phản công để ghi bàn được.
Muốn thắng, ĐT Việt Nam phải biết cách gia tăng áp lực ở một số thời điểm mới hy vọng hàng thủ đối phương lúng túng, xáo trộn.
Sau tất cả, tôi không nghĩ ĐT Việt Nam sa sút sau khi không thể bảo vệ thành công danh hiệu vô địch AFF Cup 2020. Chúng ta vẫn đang đi trên con đường của mình nhưng cần có sự điều chỉnh phù hợp để tiếp tục hướng lên phía trước với tất cả sự tự tin, khát khao chiến thắng!
Post a Comment