Hàng loạt tuyển thủ Việt Nam xuống phong độ do đâu?
Mục tiêu quan trọng nhất trong năm 2021 của ĐT Việt Nam đã thất bại. Thầy trò HLV Park Hang-seo không thể bảo vệ ngôi vương khu vực sau khi thua Thái Lan tại bán kết AFF Cup 2020.
Nguyễn Tiến Linh không đạt hiệu suất ghi bàn như kỳ vọng. Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Văn Toàn vô hại ở thời điểm cần lên tiếng nhất. Phan Văn Đức thể hiện sự vô duyên trên mặt trận tấn công. Nguyễn Phong Hồng Duy cùng Vũ Văn Thanh cho thấy những lỗ hổng về mặt chuyên môn... Ngoài yếu tố chiến thuật, có thể nhận thấy lực lượng trong tay nhà cầm quân người Hàn Quốc không thể duy trì phong độ cao vì nhiều lý do.
Thi đấu triền miên
Trong 10 đội dự AFF Cup 2020, ĐT Việt Nam được coi là có sự chuẩn bị tốt nhất khi thi đấu nhiều nhất với những đội bóng hàng đầu châu lục. Tuy nhiên, đây lại chính là vấn đề với Quế Ngọc Hải và đồng đội.
Sau nửa năm đóng băng vì tình hình dịch bệnh, bóng đá Đông Nam Á sôi động trở lại vào tháng 6. Việt Nam cùng Indonesia, Malaysia và Thái Lan chơi nốt số trận còn lại tại vòng loại thứ hai World Cup 2022.
Đoàn quân của HLV Park Hang-seo là đại diện Đông Nam Á duy nhất góp mặt tại vòng loại thứ ba, khởi tranh từ tháng 9 với mật độ 2 trận mỗi tháng đến trước AFF Cup 2020. Tổng cộng, ĐT Việt Nam có 6 trận trước khi bước vào giải đấu tại Singapore.
Suốt hành trình từ khi chuẩn bị đi UAE (tập trung từ ngày 7/5) đến khi kết thúc 2 trận bán kết AFF Cup 2020 (về nước ngày 31/12), ĐT Việt Nam duy trì trạng thái tập trung khép kín liên tục. Có thể chia khoảng thời gian này thành 3 giai đoạn, tương ứng 3 giải đấu tuyển Việt Nam tham dự.
Giai đoạn một từ 7/5 đến 30/6. Trước khi tập trung trở lại chuẩn bị cho vòng loại thứ ba, đội có hơn một tháng xả trại (bao gồm cả 7 ngày cách ly tại địa phương). Riêng nhóm cầu thủ của CLB Viettel phải tiếp tục di chuyển, thi đấu AFC Champions League tới giữa tháng 7 rồi cách ly y tế 14 ngày.
Giai đoạn hai từ 5/8/ đến 16/11. ĐT Việt Nam có 6 trận tại vòng loại thứ ba. Trong khoảng thời gian này, HLV Park Hang-seo cho các cầu thủ về nhà 17 ngày, chia thành 3 đợt giữa các chu kỳ thi đấu, lần lượt là 8, 6 và 3 ngày.
Giai đoạn thứ ba từ 20/11 tới nay. Thầy trò HLV Park Hang-seo tập huấn và thi đấu AFF Cup tại Singapore. Sau khi về nước vào ngày 31/12, tuyển Việt Nam có 10 ngày cách ly và xả trại trước khi hội quân trở lại vào ngày 10/1/2022.
3 giai đoạn nói trên hết gần 7 tháng. ĐT Việt Nam có số ngày nghỉ cộng dồn là 59 ngày. Riêng nhóm cầu thủ Quế Ngọc Hải, Bùi Tiến Dũng và Nguyễn Thanh Bình, số ngày được nghỉ xả hơi còn ít hơn nhiều, chưa đầy một tháng (do bận thi đấu AFC Champions League rồi cách ly y tế).
Kết quả của quá trình tập trung dài hạn này là trạng thái quá tải về thể chất và nhất là tinh thần. Sự bức bối của việc phải sinh hoạt liên tục trong không gian hẹp, bị hạn chế tiếp xúc xã hội đã tạo ảnh hưởng xấu tới tâm lý và thể lực tuyển thủ Việt Nam.
Trung vệ Bùi Tiến Dũng vắng mặt ở trận bán kết lượt đi khi anh "tự nhiên thấy đau" trước trận và cần nghỉ ngơi. Hà Đức Chinh không thi đấu nhiều nhưng vẫn gặp chấn thương. Anh bị bị rách bán phần dây chằng chéo sau. Ở trận bán kết lượt về, tiền đạo mang áo số 18 đá chính và dính chấn thương sau khi rướn người tranh chấp với cầu thủ Thái Lan.
Kiệt sức và bị bắt bài
6 thất bại liên tiếp tại vòng loại World Cup cũng tác động xấu tới tinh thần và sự tự tin của ĐT Việt Nam. Họ đánh mất phong độ, không còn cảm hứng và quan trọng nhất là mất đi niềm tin vào năng lực của bản thân.
Thể lực của ĐT Việt Nam cũng suy giảm do chính sách nhân sự có phần bảo thủ của ông Park. Chiến lược gia người Hàn ít có sự thay đổi lực lượng, đến mức đối thủ và cả người hâm mộ cũng có thể phán đoán gần chính xác đội hình ra sân ở từng trận đấu.
Việc ít thay đổi con người còn khiến ĐT Việt Nam đối mặt nguy cơ khác: Bị đối thủ bắt bài. Sau trận đấu với Nhật Bản hôm 11/11, những thông tin lan truyền về quá trình chuẩn bị trận đấu của đội khách cho thấy họ đã nắm bắt và dự đoán chính xác về những gì tuyển Việt Nam sẽ làm qua sa bàn chiến thuật.
Tới AFF Cup 2020, ĐT Việt Nam chơi thứ bóng đá không có nhiều đột biến về mặt ý tưởng khi HLV Park sử dụng những con người đã quá quen thuộc trước các đối thủ. Quế Ngọc Hải và đồng đội không thể tìm cách ghi bàn vào Indonesia đang chơi tử thủ. Tới bán kết lượt đi, ý đồ của HLV Park đã sớm bộc lộ khi xếp Văn Toàn đá chính. Giới chuyên môn có chung nhận định: Ông Polking đã bắt bài và thắng thầy Park trong cuộc chơi chiến thuật.
ĐT Việt Nam chỉ thực sự khởi sắc ở hiệp một trận bán kết lượt về khi nhà cầm quân người Hàn Quốc có nhiều thay đổi mang tính đột biến. Ở 30 phút cuối, đội bóng áo trắng lại chơi bế tắc khi những cầu thủ quen thuộc được tung vào sân. HLV Park đánh giá Nguyễn Văn Toàn và Nguyễn Công Phượng chơi sai ý đồ nhưng nên nhớ, ông mới là người tung họ vào sân. Trước đó, quyết định thay vào - thay ra Tuấn Anh cũng cho thấy những bối rối từ ban huấn luyện.
"Ông ấy nên thay đổi, mạnh dạn hơn, dũng cảm hơn trong việc sử dụng con người. ĐT Việt Nam có thể chơi tốt, tấn công tốt hơn chứ không đơn thuần là phòng ngự phản công", bình luận viên Ngô Quang Tùng nêu quan điểm sau khi tuyển Việt Nam dừng chân ở bán kết.
Bản thân nhà cầm quân người Hàn Quốc cũng nhận thức rõ việc phải làm mới ĐT Việt Nam từ đầu năm 2020. Một số hình ảnh rò rỉ về công tác nhân sự ở ĐT Việt Nam cho thấy ông Park đã có những tính toán nhất định. Trong một cuộc phỏng vấn vào hồi tháng 4/2020, chiến lược gia này cũng nói về sự thay đổi.
Thuyền trưởng ĐT Việt Nam không quên nhắc nhở việc thay đổi cần nhiều thời gian để đi đến thành công. Tuy nhiên, 20 tháng từ khi chia sẻ, ông Park vẫn chưa cho thấy nhiều thay đổi ở đội tuyển cả về con người và chiến thuật.
Khép lại năm 2021 với những thất bại, HLV Park và cộng sự sẽ tiếp tục bận rộn với nhiều kế hoạch cho các đội tuyển, trước mắt là hai trận đấu tại vòng loại thứ ba World Cup 2022 diễn ra ngay cuối tháng 1 và đầu tháng 2 sắp tới. Người hâm mộ đang đón chờ những tín hiệu tích cực hơn từ chiến lược gia này.
Post a Comment