ĐT Việt Nam, U23 Việt Nam và “thói quen” cần thay đổi - Tin Tức Thể Thao

Header Ads

ĐT Việt Nam, U23 Việt Nam và “thói quen” cần thay đổi

U23 Việt Nam đã thắng, đã có được tấm vé vào vòng chung kết U23 châu Á 2022 với tư cách là đội nhất bảng I. Đó là niềm vui với người hâm mộ nước nhà, tuy nhiên, mọi thứ có thể sẽ rất khác nếu trọng tài chính không có phần nương tay với hành động mà Nguyễn Văn Đạt tạo ra ở quãng thời gian đầu trận đấu.

ĐT Việt Nam, U23 Việt Nam và “thói quen” cần thay đổi - Ảnh 1.

Văn Đạt U23 Việt Nam có hành động nhận nhiều chỉ trích.

Cầu thủ trẻ ấy có tình huống đánh nguội với Lin Htet Soe. Nhận định về pha bóng này, rất nhiều các chuyên gia bóng đá tại Việt Nam cho rằng đó là một tấm thẻ đỏ. Rất may, vị vua áo đen điều khiển trận đấu chỉ rút thẻ vàng. Nếu Văn Đạt bị truất quyền thi đấu, không loại trừ khả năng cuộc so tài nói trên sẽ rẽ sang một hướng khác. Khi ấy, khó khăn đương nhiên sẽ thuộc về phía chúng ta.

Pha đánh nguội của Văn Đạt có thể xem như “điểm trừ” trong chiến mà U23 mới giành được. Thực tế, đó là thói quen các cầu thủ Việt Nam cần phải thay đổi bởi đó là điều không chỉ diễn ra 1,2 lần mà đã lặp lại rất nhiều, từ cấp độ đội tuyển quốc gia cho tới những cầu thủ trẻ.

Ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á, tuyển Việt Nam vẫn có những trận đấu ấn tượng và thiếu một chút may mắn để có điểm số đầu tiên. Nhưng đằng sau các dấu hiệu mang tới sự tích cực ấy, chúng ta lại mắc quá nhiều lỗi “ngớ ngẩn”, dẫn tới rất nhiều các tình huống phạt đền.

4 trận đấu đã qua, ĐT Việt Nam nhận tới 4 quả 11m. Chia sẻ về điều này, thầy Park cũng chỉ còn biết khẳng định rằng đó là “thói quen”. Quả thực là như thế, vì các pha phạm lỗi mà Duy Mạnh hay Tấn Tài tạo ra trước Oman hôm 12/10 thực sự là các tình huống chẳng đáng.

Dù đó không hẳn là những pha đánh nguội nhưng với sự xuất hiện của VAR, trọng tài sau khi xem lại có lý do để chỉ tay vào chấm phạt đền. Đó rõ ràng là các hành động có phần thừa thãi của bộ đôi hậu vệ này. Chẳng ai có thể bao biện sau những pha bóng như vậy, kể cả là HLV Park Hang-seo.

ĐT Việt Nam, U23 Việt Nam và “thói quen” cần thay đổi - Ảnh 2.

Đó là "thói quen" từ cấp độ đội tyển tới U23 Việt Nam.

Thực tế, thói quen mà các cầu thủ Việt Nam đang có đến từ những cử chỉ có phần vô thức. Dù vậy, điều ấy lại diễn ra trong quãng thời gian dài và đã tồn tại qua nhiều giải đấu Đông Nam Á, nơi mà không ít đội bóng như Indonesia, Malaysia vẫn nổi danh với lối chơi “chém đinh, chặt sắt” đầy thô bạo.

Nhưng đó là câu chuyện chỉ ở tầm khu vực. Khi tới với đấu trường châu lục, nơi mà mọi thứ đều phải đi vào khuôn phép, nơi mà VAR luôn xuất hiện ở mọi vị trí để soi rất kĩ từng pha bóng trên sân thì “thói quen” về những động tác tay thừa ấy cần phải được loại bỏ ngay trong tiềm thức của các cầu thủ.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà VPF có ý định đưa VAR vào thi đấu tại Việt Nam. Đó là bởi chúng ta muốn hướng tới cho các cầu thủ những điều tốt đẹp trong tương lai, làm quen hơn với công nghệ rất sát sao này để không mắc phải các sai lầm có phần đáng trách. Điều ấy vô cùng cần thiết bởi trong bóng đá khi có VAR, tiểu xảo dù là nhỏ nhất cũng sẽ chẳng thể qua nổi con mắt của công nghệ ấy.

ĐT Việt Nam, U23 Việt Nam và “thói quen” cần thay đổi - Ảnh 3.

Và đó là điều mà các cầu thủ cần phải thay đổi.

Tình huống mà Văn Đạt tạo ra là một điểm trừ dành cho cầu thủ trẻ U23, là bài học để anh trưởng thành hơn trước khi cùng đội bóng tham dự vòng chung kết U23 châu Á, nơi mà VAR hoàn toàn có thể được sử dụng. Thói quen về những động tác tay thừa, về các hành động có phần tiểu xảo cần phải được thay đổi để phù hợp hơn với thời cuộc và giúp đội bóng thực sự chuyên nghiệp.

Từ ĐT Việt Nam tới các cầu thủ trẻ U23, mỗi lần bị thổi phạt, bị nhắc nhở, bị thẻ vàng sẽ là một lần cho chúng ta biết rằng đã tới lúc những ngôi sao bóng đá nước nhà không thể sử dụng “thói quen” vốn chỉ ở tầm Đông Nam Á kia. Muốn vươn ra châu lục, gây tiếng vang lớn với bạn bè năm châu, ngoài sự quyết tâm, lối chơi cống hiến đến quên mình trên sân cỏ, mỗi cầu thủ còn tạo ra cho mình sự chuyên nghiệp thay vì các động tác thừa thãi không đáng có.

No comments

Powered by Blogger.