ĐT Việt Nam là điểm nhấn tại Đại hội Uỷ ban Olympic Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026
ĐT Việt Nam gặt hái được nhiều thành tích
Hôm nay (18/11), Đại hội đại biểu Ủy ban Olympic Việt Nam khóa VI nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã được tổ chức tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Đại hội, Chủ tịch Ủy ban Oympic Việt Nam khóa V Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định: Trong nhiệm kỳ qua, Ủy ban Oympic Việt Nam đã cùng Tổng cục TDTT, các Liên đoàn, Hiệp hội Thể thao quốc gia làm tốt công tác tham mưu cho Bộ VHTTDL trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển TDTT.
Số lượng huy chương vàng các giải thế giới và Châu Á năm 2019 đã tăng gấp đôi so với năm 2015. Thể thao Việt Nam giữ vững vị trí một trong 3 quốc gia dẫn đầu tại các kỳ SEA Games (SEA Games 30 tại Philippines đã vượt qua Thái Lan, giành vị trí thứ 2 toàn đoàn). Thể thao Việt Nam giành được 1 HCV, 1 HCB lịch sử tại Olympic Rio 2016; một số vận động viên ở các môn thể thao Olympic như: Bắn súng, Thể dục dụng cụ, Bơi lội, Cử tạ, Cầu lông, Rowing, Điền kinh... đạt trình độ hàng đầu châu Á và thế giới.
"Đặc biệt, bóng đá Việt Nam có nhiều khởi sắc, giành nhiều thành tích: ĐT Việt Nam giành HCV AFF Cup 2018, giành quyền tham dự vòng loại thứ 3 của vòng chung kết World Cup 2022; đội tuyển bóng đá nam Olympic Việt Nam lần đầu tiên lọt vào top 4 đội mạnh nhất ASIAD 2018; U22 Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử vô địch SEA Games 2019; ĐT bóng đá nữ Việt Nam lần thứ 6 vô địch SEA Games; đội tuyển Futsal nam lần thứ 2 liên tiếp giành quyền tham dự vòng chung kết FIFA Futsal World Cup...", Chủ tịch Ủy ban Oympic Việt Nam khóa V Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh.
Sau một thời gian làm việc, Đại hội đã tín nhiệm bầu ra Ban chấp hành khóa mới gồm 39 thành viên: 1 Chủ tịch, 5 Phó Chủ tịch, 13 đồng chí trong Ban thường vụ.
Đồng chí Nguyễn Văn Hùng – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL được bầu là Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2021-2026.
Phát biểu nhận nhiệm vụ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, tân Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam bày tỏ: Đây là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề cho mỗi thành viên trong Ban chấp hành Uỷ ban Olympic khóa VI.
Trong nhiệm kỳ mới, Ủy ban Olympic Việt Nam đã đưa ra một số mục tiêu, phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm như: Vận động nhân dân cả nước tham gia tập luyện Thể dục thể thao; Phát triển mạnh các phong trào rèn luyện thân thể trong cộng đồng; Phối hợp phát triển phong trào Thể thao cho mọi người, Thể thao trong trường học và lực lượng vũ trang; Mở rộng quy mô, chất lượng ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân (27/3) và ngày Olympic Trẻ em.
Về thể thao thành tích cao, tiếp tục nâng cao thành tích của các môn thể thao trọng điểm theo hướng tiếp cận với thành tích của châu lục và thế giới. Uỷ ban Olympic Việt Nam cùng với Tổng cục TDTT, các Liên đoàn, Hiệp hội Thể thao quốc gia triển khai việc chuẩn bị cho Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự các Đại hội Thể thao Quốc tế hàng năm, gồm: Đại hội Thể thao trong nhà Võ thuật Châu Á tại Thái Lan năm 2022, Đại hội Thể thao Bãi biển Châu Á tại Trung Quốc, SEA Games 32, ASEAN Para Games 12 tại Campuchia năm 2023, SEA Games 33 năm 2025, Thế Vận hội Olympic tại Pháp năm 2024, Thế Vận hội Olympic trẻ mùa đông tại Hàn Quốc năm 2024, Đại hội Thể thao Châu Á tại Nhật Bản năm 2026…
Tham mưu, đề xuất với Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung phát triển các môn Thể thao Olympic và ASIAD theo hướng tập trung sâu và chuyên nghiệp hóa; Xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất đảm bảo phục vụ tập luyện và thi đấu thể dục thể thao.
Đặc biệt, tập trung vào công tác chuẩn bị đăng cai SEA Games 31; củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị về thể thao, phong trào Olympic với các tổ chức thể thao quốc tế cũng như các Uỷ ban Olympic quốc gia và vùng lãnh thổ của khu vực, châu lục và thế giới; tiếp tục khai thác các nguồn tài trợ, học bổng Olympic, các khóa học quản lý, kỹ thuật cũng sẽ được chú trọng.
Post a Comment