ĐT Việt Nam đang thay đổi… - Tin Tức Thể Thao

Header Ads

ĐT Việt Nam đang thay đổi…

Trong trận này, Hồng Duy đã thi đấu rất hay, hoạt động bền bỉ, hiệu quả. Khi tham gia tấn công, với lối cầm bóng, qua người lắt léo và rất tốc độ, đã tạo ra không ít bất ngờ cho đối phương. Đó mới chính là Hồng Duy, đó là thứ năng lực giúp anh, 1 hậu vệ cánh không có ưu thế về thể hình, có mặt trong đội tuyển. Trong một số trận đấu của đội U23 cũng như ĐT Việt Nam trước đây, ta đã thấy HLV Park Hang-seo sử dụng năng lực đó của Hồng Duy mỗi khi tung anh vào sân từ ghế dự bị, đó là những lúc đội bóng cần tăng cường sức tấn công. Hồng Duy phát huy tốt được năng lực đó ở trận này chính là do cách tiếp cận trận đấu của đội bóng: Đá sòng phẳng, chấp nhận đôi công. Cách tiếp cận trận đấu ảnh hưởng tới quyết định xử lý tình huống của cầu thủ trên sân. Cách tiếp cận đó khuyến khích Hồng Duy cùng các cầu thủ trong đội tăng cường kiểm soát bóng, cầm bóng phối hợp hoặc qua người, tạo cơ hội tấn công và chấp nhận rủi ro khi mất bóng.

ĐT Việt Nam đang thay đổi… - Ảnh 1.

Trước một Saudi Arabia trội hơn về nhiều mặt, ĐT Việt Nam đã thi đấu sòng phẳng. Ảnh: Cao Oanh.

Nếu cách tiếp cận trận đấu của ĐT Việt Nam trong trận này là đề cao tính an toàn, đề cao phòng thủ, thì chắc chắn trong tình huống dẫn đến bàn thua của đội Việt Nam, Hồng Duy thừa thời gian để trích mũi giày vào quả bóng, phá ra biên chịu phạt góc. Phần nào những gì diễn ra với Hồng Duy phản ánh những gì diễn ra ở ĐT Việt Nam trong 2 trận vừa qua khi chúng ta thực nghiệm lối đá tấn công trước các đối thủ mạnh hơn. Không riêng Hồng Duy, hay Quang Hải, Hoàng Đức, hàng tấn công của ĐT Việt Nam trong trận gặp Saudi Arabia đã dám cầm bóng nhiều hơn, hiệu quả và có ý tưởng hơn, thể hiện qua những pha đi bóng của Công Phượng, Tuấn Anh… hay quả đột phát trong vòng 16m50 tìm kiếm phạt đền của Văn Toàn.

Việc đẩy cao đội hình tấn công, kiểm soát bóng không chỉ có rủi ro cho hàng phòng ngự khi bị mất bóng. Mà chấp nhận đá như vậy có nghĩa là chấp nhận cuộc đua thể lực với đối phương, và cuộc đua đó kéo dài 90 phút. Những phút cuối hiệp 1, đội Saudi Arabia kiểm soát bóng đến 75%. Họ chuyền ban, phối hợp mà các cầu thủ Việt Nam không thể lấy được bóng. Một nguyên nhân quan trọng ngoài khả năng cầm bóng của các cầu thủ Saudi Arabia, đó là thể lực của các cầu thủ Việt Nam khi đó đã không cho phép họ phong tỏa, bắt người chặt chẽ hơn. Tương tự, trong tình huống đội Saudi Arabia đưa được bóng vào lưới đội Việt Nam và bị VAR từ chối, cho tới pha ngã người của Thành Chung là một chuỗi các pha xử lý thể hiện sự đuối sức của các cầu thủ phòng ngự Việt Nam. Thể lực là một trong những thứ các cầu thủ Việt Nam cần cải thiện. Với những diễn biến trên sân trong trận gặp Saudi Arabia, dù chúng ta chưa có bàn thắng, chưa có điểm, nhưng không thể phủ nhận được sự tiến bộ của toàn đội, từ sự tự tin, việc thích nghi với sự thay đổi chiến thuật đến việc duy trì thể lực để đáp ứng cho chiến thuật đó.

Một đội bóng phải hoạt động như một cỗ máy, nhưng mỗi cái bánh răng ở đây lại là con người, và khả năng phát huy năng lực của con người lại chịu tác động bởi tinh thần. Công việc của HLV không chỉ đề ra chiến thuật, tổ chức cho đội rèn luyện thể lực, luyện tập và chỉ đạo việc thực hiện chiến thuật đó trong trận đấu, HLV còn là người quản trị tinh thần của cầu thủ. Khái niệm vỡ trận trong bóng đá dùng để chỉ khi một đội bóng, bị mất kiểm soát trận đấu từ một thời điểm nào đó trong trận đấu, thực chất đó là trạng thái mất tinh thần hoàn toàn của các cầu thủ, dù ở thời điểm trước đó trong trận đấu họ vẫn thi đấu tốt. Dưới thời HLV Park Hang-ưeo, dù trước đối thủ nào, tình thế thế nào, chưa bao giờ ĐT Việt Nam thi đấu với trạng thái vỡ trận cả. Khi một đội bóng thi đấu với một tinh thần ngoan cường, tỉnh táo như các cầu thủ của ĐT Việt Nam trước đội Saudi Arabia, nó thể hiện dấu ấn quan trọng của HLV trong vai trò là người quản trị tinh thần cho các cầu thủ.

Trước đây, với các giải bóng đá châu lục hay thế giới, ĐT Việt Nam tham gia với một mục tiêu đề ra đã trở nên đương nhiên và quen tai, đó là cọ sát, học hỏi. Nhưng kết quả của học hỏi phải là sự thay đổi, sự tiến bộ. Chưa bao giờ kết quả đó rõ ràng như khi ĐT Việt Nam tham gia giải đấu này. Chắc chắn sau giải đấu, lựa chọn chiến thuật của ĐT Việt Nam sẽ phong phú hơn. ĐT Việt Nam sẽ trở nên khó lường hơn và nguy hiểm hơn cho các đối thủ.

Dù sự thay đổi luôn khó khăn và rủi ro, nhưng để tiến bộ cần sự thay đổi, và chúng ta đang thay đổi.

No comments

Powered by Blogger.