Header Ads

Khi quyền lực của ông Park không còn là tuyệt đối

Sự kiện Hùng Dũng là điều chưa từng có tiền lệ dưới thời kỳ của HLV Park Hang-seo tại Việt Nam.

Lần đầu tiên, một CLB từ chối lệnh triệu tập của đội tuyển (dù theo cách rất tế nhị). Và càng đặc biệt hơn, lời từ chối ấy thành công. Lần đầu tiên, một chỉ thị của HLV Park Hang-seo không được thực hiện, và người ta cảm thấy rõ lời nói của chiến lược gia người Hàn Quốc không còn là thứ có giá trị tuyệt đối.

Khi quyền lực của ông Park không còn là tuyệt đối - Ảnh 1.

Phản biện về Hùng Dũng có cơ sở khoa học và sự văn minh từ phía CLB Hà Nội, có sự cầu thị và lắng nghe từ phía ông Park. Ảnh: VFF.

Vị thế của ông Park

Chúng ta nói nhiều về vị thế của ông Park. Đó là vị thế được tạo nên bởi những chiến thắng. Không HLV nào trong lịch sử bóng đá Việt Nam đạt được nhiều thành tựu và làm được nhiều điều như chiến lược gia người Hàn Quốc. Và bởi thế, không ai có được những thứ ông đang có.

Bốn năm qua, ông Park muốn gì là gần như sẽ đạt được. V.League từng nhiều lần phải nhường nhịn để dành thời gian cho đội tuyển Việt Nam. VFF cũng phải cố gắng sắp xếp các chuyến tập huấn, cung cấp những điều kiện làm việc lý tưởng, đem về các trợ lý mà ông yêu cầu. Trước Hùng Dũng, nhiều cầu thủ chấn thương vẫn phải lên tuyển. CLB Hà Nội là đội bóng hiểu rõ nhất điều đó khi cả Trần Đình Trọng và Đoàn Văn Hậu đều từng lên tuyển để rồi đổi lại thời gian dài dưỡng thương.

Nhưng lần này, đội Hà Nội không im lặng nữa.

Một cách khéo léo nhưng cương quyết và cũng rất khoa học, đội bóng thủ đô đưa ra lời từ chối. Họ muốn giữ Hùng Dũng ở lại và đã làm được điều đó.

Sự kiện Hùng Dũng là lần thứ hai trong vài tháng qua, uy quyền của ông Park bị chao đảo. Sự cố trước đó cũng tới từ CLB Hà Nội với lời phản biện từ bầu Hiển.

Đó không phải lần đầu tiên ông Park nhận được những góp ý. Nhưng một tuyên bố chính thức từ ông bầu quyền lực nhất của bóng đá Việt Nam có sức nặng hơn mọi nhận xét trước đó. Nó cho thấy tuyển Việt Nam đang thực sự có vấn đề và quyền uy của ông Park không còn như xưa.

Bốn thất bại liên tiếp ở vòng loại thứ ba World Cup mở ra giai đoạn tồi tệ nhất của ông Park ở Việt Nam. Không còn chiến thắng, vị thế của nhà cầm quân người Hàn Quốc cũng chẳng còn như xưa. Không còn vinh quang, những gì ông nói chẳng còn là điều tuyệt đối. Người ta nhận ra ông Park cũng có thể sai lầm, ông cũng không phải một HLV hoàn hảo và đã đến lúc, tuyển Việt Nam cần nghiêm túc lắng nghe những lời phản biện.

Khi quyền lực của ông Park không còn là tuyệt đối - Ảnh 2.

Trước Hùng Dũng, nhiều tuyển thủ Việt Nam chấn thương vẫn lên tuyển như Văn Hậu (ảnh), Đình Trọng... Ảnh: Minh Chiến.

Ông Park đồng ý lắng nghe

Điều đáng nói ở đây là ông Park lắng nghe và chấp nhận lời phản biện đó.

Bốn năm qua, không thiếu những góp ý cho đội tuyển Việt Nam và HLV Park Hang-seo. Nhưng ánh sáng của những chiến thắng che mờ các góp ý đó. Bản thân HLV Park cũng luôn tỏ ra rất cứng rắn và không lùi bước với các lựa chọn của mình. Sự việc lần này của Hùng Dũng vì thế có thể mở ra một tương lai cởi mở hơn.

Cách CLB Hà Nội phản biện HLV Park là điều chúng ta rất nên học hỏi. Ý kiến của đội bóng thủ đô có cơ sở khoa học, có ý kiến từ các chuyên gia. Kết luận của họ được đưa ra sau rất nhiều tham khảo và đánh giá chi tiết. Lời từ chối của họ dành cho Hùng Dũng vì thế vừa hợp tình, hợp lý và gần như không thể từ chối.

Thái độ góp ý của họ cũng khác hẳn cách bóng đá Việt Nam từng phản biện với HLV Toshiya Miura, Nguyễn Hữu Thắng hay những người tiền nhiệm trong quá khứ. Nó xuất phát từ thực tế, có số liệu, cơ sở khoa học. Phản biện ấy khách quan, hướng về cái chung với mong muốn tiến bộ cho đội tuyển. Phản biện ấy không chủ quan, mạt sát, màu sắc chỉ trích cá nhân. Đó là thái độ phản biện khác biệt bóng đá Việt Nam hiếm khi có được.

Đáp lại điều đó, ông Park cũng thay đổi. Quyết định đồng ý cho Hùng Dũng ở lại CLB mang tới một thông điệp: HLV Hàn Quốc sẵn sàng lắng nghe.

Tuyển Việt Nam dường như đang đi tới các giới hạn về chiến thuật và nhân sự còn ông Park cho thấy những hạn chế rõ ràng của mình. Thay vì khư khư giữ lấy quan điểm cũ, ông Park sẵn sàng đổi mới. Thái độ ấy được thể hiện qua nhiều quyết định nhân sự gần đây của tuyển Việt Nam liên quan tới Hoàng Đức, Minh Vương, Hồ Tấn Tài hay Nguyễn Thanh Bình.

Sự việc với Hùng Dũng một lần nữa cho thấy điều đó. Và nó có thể mở đường cho những phản biện khác từ giới chuyên môn. Biết đâu trong số đó, sẽ có những ý kiến giúp ích cho ông và tuyển Việt Nam trên chặng đường sắp tới?

Tiền lệ từ sự việc Hùng Dũng?

Trước vụ việc của Hùng Dũng, Văn Hậu, Đình Trọng, Phan Văn Đức, Nguyễn Tuấn Anh... đều từng lên tuyển khi chưa bình phục chấn thương. Trong nhiều trường hợp, các CLB phải chịu tổn thất khi cầu thủ chấn thương nặng hơn sau các đợt tập trung tuyển quốc gia.

Nhưng sau sự việc của Hùng Dũng, tiền lệ xuất hiện. Trong tương lai, những lời từ chối tương tự hoàn toàn có thể xuất hiện. Ở các nền bóng đá phát triển hơn, các CLB và cầu thủ luôn thể hiện thái độ quyết liệt để bảo vệ mình. Tuyển Thái Lan mới đây không thể có Theerathon Bunmathan trong một sự kiện tương tự.

Đó hoàn toàn có thể là điều sẽ đến với bóng đá Việt Nam trong tương lai nhất là khi chúng ta đang ngày càng hội nhập và chuyên nghiệp hóa theo bóng đá thế giới.

Tuyển Nhật Bản đã có mặt ở sân bay Nội Bài 
Khi quyền lực của ông Park không còn là tuyệt đối - Ảnh 3.
Khi quyền lực của ông Park không còn là tuyệt đối - Ảnh 4.

No comments

Powered by Blogger.