Chuyên gia châu Âu: "80% CLB bóng đá Việt Nam như đội nghiệp dư"
Jernej Kamensek là một nhà quản lý và môi giới bóng đá người Slovenia. Ông có rất nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại môi trường bóng đá Việt Nam và có công đưa về V.League rất nhiều cầu thủ ngoại chất lượng như Pape Omar, Nastja Ceh hay HLV Petrovic. Dù hiện tại không còn hoạt động bóng đá chuyên nghiệp nhưng Kamensek vẫn theo dõi sự phát triển của bóng đá Việt Nam.
Trong buổi trò chuyện độc quyền với Sports 442 mới đây, chuyên gia người Slovenia đã đưa ra nhận định về màn trình diễn của ĐT Việt Nam sau 6 lượt trận tại Vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Ông cũng thẳng thắn chỉ ra những "góc khuất" đang tồn tại của bóng đá Việt Nam.
- Ông đánh giá thế nào về màn trình diễn của ĐT Việt Nam sau 6 trận đã qua tại Vòng loại thứ 3 World Cup 2022?
Theo tôi, màn trình diễn của ĐT Việt Nam đang ngày một tiến bộ theo từng trận. Thất bại 0-1 trước Nhật Bản và Ả Rập Xê-út là một kết quả không tồi chút nào. Nhưng các bạn có thể thấy thực tế việc Việt Nam toàn thua cả 6 trận cho thấy việc hủy bỏ V.League là một động thái tồi tệ và việc toàn đội hội quân tập luyện chung trong 5-6 tháng không phải là cách tốt nhất để giúp các cầu thủ thi đấu tốt.
Thế hệ cầu thủ Việt Nam hiện nay có 5-6 cầu thủ giỏi, nhưng sẽ cần tối thiểu 5-6 cầu thủ khác nữa và cách tiếp cận chuyên nghiệp hơn nữa. Việt Nam đang là đội bóng mạnh nhất Đông Nam Á nhưng giờ ai cũng thấy AFF Cup chẳng khác gì một giải đấu nghiệp dư.
Tôi e rằng đằng sau lứa tuyển thủ quốc gia hiện nay không có lứa cầu thủ trẻ đủ chất lượng để thay thế. Màn trình diễn của U23 Việt Nam vừa qua tại Vòng loại U23 châu Á không gây ấn tượng gì với tôi cả. Việt Nam cần ngay lập tức phát triển hệ thống đào tạo bóng đá cấp cơ sở và đầu tư cho thanh thiếu niên nhiều hơn nữa.
- Theo ông, HLV Park Hang-seo cần phải thay đổi điều gì để hướng tới mục tiêu có điểm ở 4 trận đấu còn lại? Bên cạnh đó, việc sử dụng nhân sự của HLV Park đã thật sự hợp lý?
Theo tôi, ông Park nên tiếp tục chơi thứ bóng đá phóng khoáng như hai trận gặp Nhật Bản và Ả Rập Xê-út. Cần phải sửa chữa các vấn đề trong khâu phòng ngự. Ngay cả ở cấp độ đội tuyển hiện nay, bạn có thể thấy rằng một số cầu thủ Việt Nam đang thiếu những điều rất cơ bản.
Ví dụ như cách tổ chức hàng phòng ngự, cách điều khiển các bộ phận cơ thể của mình trong các pha tranh chấp đặc biệt là việc dùng tay... Đây là điều mà các cầu thủ Việt Nam chưa được học hỏi một cách bài bản.
Thành thật mà nói theo quan điểm cá nhân của tôi, Đức Chinh và Văn Đức không đủ đẳng cấp để góp mặt ở ĐTQG vào lúc này. Nhưng đây là quyết định của huấn luyện viên. Nếu tôi làm HLV trưởng, hai cầu thủ này sẽ không được ra sân nhiều như thời gian vừa qua. Tôi nghĩ Văn Đức cần phát triển hơn nữa và tiếp tục học hỏi thêm nhiều điều để có thể góp mặt thường xuyên trên ĐTQG.
- Với những gì đã trải qua cùng nhau liệu đã đến thời điểm để ĐT Việt Nam và HLV Park Hang-seo có những lối đi riêng?
Thật khó để nói, nhưng theo tôi thì cả hai bên đều đã đạt tới giới hạn rồi. Nếu có 1 HLV mới đến dẫn dắt Việt Nam, ai biết được điều gì sẽ xảy ra. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là tân HLV phải hiểu biết về văn hóa Việt nam và chỉ có như vậy thì đội tuyển mới hy vọng vào tương lai tươi sáng hơn.
Nếu chỉ ký hợp đồng với HLV có lý lịch “khủng” và uy tín nhưng không hiểu biết về bóng đá Việt Nam thì kết quả sẽ không khác là mấy đâu. Theo tôi điều quan trọng là ĐTQG Việt Nam cần có ý tưởng mới, thay đổi hệ thống một cách toàn diện.
- Liệu mục tiêu tham dự World Cup 2026 là bất khả thi với ĐT Việt Nam?
Nếu bóng đá Việt Nam không có sự thay đổi kịp thời và nếu FIFA không mở rộng lên 40 đội tham dự World Cup thì sẽ rất khó khăn để đạt được mục tiêu này, nhưng không phải là không thể. Đây sẽ là cơ hội cuối cùng để Việt Nam hướng tới giấc mơ World Cup với thế hệ cầu thủ hiện tại, cần nhanh chóng có sự thay đổi một cách đồng bộ. Trong bóng đá cần phải thay đổi và làm mới mỗi ngày.
- Ông nói rằng bóng đá Việt Nam đang gặp rất nhiều vấn đề, vậy cần phải thay đổi từ đâu?
Cải cách là thay đổi từ gốc rễ vấn đề, không phải từ bên trên. Tôi có 11 năm kinh nghiệm làm việc với bóng đá Việt Nam và tôi khẳng định bóng đá Việt Nam đã sai từ căn bản.
Đó là lý do tại sao VFF cần khẩn trương khởi động chương trình bóng đá phong trào cấp cơ sở tại các địa phương. Cần lập kế hoạch chi tiết và sẵn sàng các nguồn ngân sách lớn để đầu tư dài hạn.
Kế hoạch cần được thực hiện trong 5-7 năm thậm chí là 7-10 năm. Mỗi tỉnh hoặc ít nhất mỗi khu vực (Bắc - Trung - Nam) của Việt nam nên thành lập liên đoàn bóng đá địa phương (trực thuộc VFF) và điều hành các giải đấu trẻ.
Việt Nam cần ít nhất 10 hệ thống như PVF, Nutifood, HAGL... Nhưng những cầu thủ măng non không cần thiết phải ở nội trú tại trung tâm. Chúng có thể chỉ cần tham gia tập luyện hàng ngày, giống như các lớp học bóng đá trong thành phố như của Juventus. Nhưng các câu lạc bộ phải đứng ra tổ chức và quản lý, không phải các tổ chức tư nhân.
Phải tăng cường tầm nhìn cho các cầu thủ trẻ U11, U13, U15. Lứa cầu thủ từ U7 đến U19 tại Việt Nam thiếu rất nhiều phong trào cấp cơ sở. Cần có thêm nhiều huấn luyện viên chất lượng, cơ sở hạ tầng chất lượng, tiêu chuẩn quốc tế.
Tại Việt Nam, tôi đã thấy các câu lạc bộ thanh niên ở các thành phố lớn. Nhưng sự thật là nó đang phát triển một cách thiếu chuyên nghiệp, quá nhiều HLV, chuyên gia bóng đá nghiệp dư đang huấn luyện tại đó.
Cá nhân tôi thấy thực trạng chung tại các trung tâm, học viện bóng đá mini này chỉ là lấy tiền của phụ huynh, không thực sự phát triển được gì vì VFF (hay cấp dưới là địa phương làm bóng đá) không vào cuộc. Không có đủ sự cạnh tranh để lứa trẻ phát triển một cách toàn diện.
Ví dụ như ở Iceland, dân số chỉ có 300.000 người nhưng họ đã được tham dự World Cup. Hãy nhìn vào hệ thống của họ, họ mời những người giỏi nhất trên khắp thế giới, chấp nhận học hỏi và làm những điều tốt nhất vì sự phát triển của nền bóng đá. Vấn đề của Việt Nam là luôn muốn làm theo cách riêng của mình, không thể mang lại thành công.
- Vậy còn các CLB tại Việt Nam, có đang thật sự chuyên nghiệp?
Công tác đào tạo trẻ tại Việt Nam còn nhiều yếu kém, thiếu nhiều HLV có trình độ. Thật sự tôi chưa bao giờ thấy rằng một cầu thủ từ một câu lạc bộ thuộc giải đấu này (V-League) lại phải tiếp tục "thử việc" ở câu lạc bộ khác.
Nếu là 1 huấn luyện viên chuyên nghiệp, họ nên biết tất cả các cầu thủ chỉ cần kiểm tra y tế và ký tên sau đó huấn luyện cầu thủ đó trước khi đánh giá về năng lực của họ. Không ở một nơi nào trên thế giới vận hành theo cách “điên rồ” như bóng đá Việt Nam.
80% CLB Việt Nam vẫn hoạt động như một đội bóng nghiệp dư. Họ đang sử dụng những người không có chuyên môn quản lý và đánh giá các cầu thủ. Chỉ thử việc trong 1-2 tuần bạn sẽ không bao giờ biết được cầu thủ đó thi đấu ra sao và có thể cống hiến điều gì cho CLB. Rõ ràng bóng đá Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm và không thể thay đổi trong ngày một ngày hai...
Xin cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện và những đóng góp của ông cho bóng đá Việt Nam!
Post a Comment