Bóng đá Việt Nam: Không trồng cây sao hái được quả?
Đã hơn một lần ông Park than phiền về chất lượng cầu thủ trẻ Việt Nam và còn chỉ rõ nguyên nhân khiến thế hệ được xem là tương lai của bóng đá Việt Nam không “lớn” lên được: họ luôn bị coi là “kép phụ” tại V.League. Năm 2020, trong một lần chia sẻ với Thanh Niên, ông Park còn đưa ra thông số khá cụ thể do đích thân ông tìm hiểu: “Trong số 49 cầu thủ nước ngoài đang thi đấu tại V.League thì có tới 24 người là tiền đạo. Vì thế các tiền đạo nội gần như không có cơ hội ra sân và năng lực sẽ đi xuống. Gần 80% trong số 14 CLB ở V.League dùng tiền đạo ngoại. Vì thế lấy đâu ra đất cho tiền đạo nội phô diễn?”.
HLV V.League không dám đánh đổi
Nói về chất lượng của đội U22 Việt Nam với lứa sinh năm 1999-2001, có thể sẽ không công bằng lắm nếu cho rằng thế hệ này không được thi đấu quốc tế nên thiếu sự va đập ở sân chơi khu vực. Trên thực tế, lứa này với một số gương mặt như tiền vệ Nguyễn Trọng Long, Nguyễn Hữu Thắng hay tiền đạo Trần Văn Đạt, Nguyễn Trần Việt Cường đã từng thi đấu rất xuất sắc tại giải U16 Đông Nam Á 2016 tại Campuchia và chỉ thất bại trước U16 Australia ở loạt sút luân lưu trong trận chung kết. Thế hệ này lại được dự VCK U16 châu Á năm 2016 ở Ấn Độ và cũng gặt hái được những kết quả khá ấn tượng khi đánh bại U16 Australia và U.16 Kyrgyzstan để giành ngôi nhì bảng. Ở trận kế tiếp, U16 Việt Nam thua 0-5 trước U.16 Iran, đội sau đó đoạt ngôi á quân của giải. Ở những năm tiếp theo, lứa của Hữu Thắng, Bảo Toàn, Việt Anh, Văn Xuân, Xuân Tú… được dự giải U22 Đông Nam Á 2019.
Thế nhưng những giải đấu quốc tế nói trên cũng chưa đủ làm bệ phóng cho sự phát triển tài năng của thế hệ sinh năm 1999-2001. Ông Park nói rất đúng, sân chơi quốc nội như V.League hay giải hạng nhất mới chính là môi trường rèn giũa cầu thủ một cách tốt nhất, hiệu quả nhất.
Tuy nhiên các CLB V.League gần như không dám đặt niềm tin vào các cầu thủ trẻ. HLV Phạm Minh Đức nói với Thanh Niên: “Năm 2016, khi được giao dẫn dắt đội Hà Nội, tôi mạnh dạn sử dụng Đức Huy, Hùng Dũng, Duy Mạnh hay dùng cả Quang Hải, Thành Chung khi đó mới 16 tuổi. Những trận đầu tiên của mùa giải, đội Hà Nội bị khủng hoảng thành tích nhưng về lợi ích của việc sử dụng cầu thủ trẻ thời điểm đó đã được chứng minh bằng câu trả lời của hiện tại.
Chúng ta đã có được những cầu thủ xuất sắc. Hay khi về đội Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, tôi toàn dùng lính trẻ như Lý Công Hoàng Anh, Phạm Tuấn Hải, Trần Văn Công. Thành tích có thể chưa được như kỳ vọng nhưng nếu không bạo dạn dùng cầu thủ trẻ thì bóng đá Việt Nam rất khó được nhờ; dù dùng trẻ là đánh đổi sự an toàn và HLV rất dễ bị bay chức nếu đội thi đấu không tốt”. Bầu Đức cũng đã từng bỏ qua mọi nghi ngại khi quyết định đôn lứa đầu tiên của Học viện HAGL như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Thanh… lên đá V.League 2015.
Hãy trao cho cầu thủ trẻ cơ hội
Có một sự chênh lệch không hề nhẹ giữa số lần ra sân tại V.League của các cầu thủ trong đội hình thi đấu chính thức của U.23 Việt Nam tại giải U23 châu Á 2018 (tạm gọi là lứa A) và đội hình thi đấu chính thức của U23 Việt Nam tại vòng loại U.23 châu Á 2022 vừa qua tại Kyrgyzstan (tạm gọi là lứa B). Lứa A với tổng số lần ra sân tại V.League là 384 trận. Trong đó Công Phượng (sinh năm 1995), Quang Hải (sinh năm 1997) đã được CLB sử dụng 51 lần khi chưa đầy 23 tuổi. Duy Mạnh, Đình Trọng, Văn Thanh có 49 trận. Còn lứa B, tổng cộng là 149 trận.
Điều đáng nói là ở lứa B, có cầu thủ còn chưa đá tại V.League một trận nào, kể cả dự bị. Cầu thủ được ra sân nhiều nhất tại V.League ở lứa B là 19 trận, thua xa số trận của Quang Hải khi mới 23 tuổi (51). Cũng nên lưu ý thêm, khi mới 21 tuổi, Quang Hải đã trở thành một trong những trụ cột của CLB Hà Nội và ĐT U23, ĐT Việt Nam. Còn hiện tại, không có một cầu thủ trẻ nào đủ để cho ông Park đặt niềm tin lớn đến như thế.
Trong số những cầu thủ đang là hạt nhân nòng cốt của U23 Việt Nam hiện tại có những cầu thủ lại chưa từng chinh chiến ở các giải trẻ khu vực hay châu lục, như thủ môn Văn Toản hay tiền vệ Hai Long, nhưng nhờ thi đấu nhiều tại V.League mà trình độ đã tiến bộ vượt bậc. Tuy nhiên, cũng nên nhắc lại, nếu như đầu mùa 2020, đàn anh Hải Huy không chấn thương, chưa chắc Hai Long đã được HLV Than Quảng Ninh xếp đá chính. Từ chỗ được sử dụng chỉ như một giải pháp tình thế, Hai Long đã chứng tỏ tài năng của mình và dần trở thành miếng ghép quan trọng của Than Quảng Ninh với 17 lần được ra sân.
Hay như Văn Toản, khi được CLB Hải Phòng coi là thủ môn số 1 và sử dụng chính trong hầu hết các trận tại V.League 2020, tay nghề của Toản ngày một vững vàng. Tại vòng loại U23 châu Á 2022 vừa qua, những cầu thủ đá hay nhất là những cầu thủ được ra sân nhiều hơn các đồng đội khác ở sân chơi V.League. Ví dụ như Hai Long hay Văn Xuân. Nhưng nếu như Văn Hậu không ra nước ngoài thi đấu và sau đó bị chấn thương thì chưa chắc Văn Xuân đã được CLB Hà Nội cho đá chính tại V.League.
Vì thế, chỉ khi nào các cầu thủ trẻ được tin dùng và xuất hiện nhiều hơn ở sân chơi V.League, lúc đó ĐT Việt Nam mới không phải lo thiếu hụt nhân tài. Và HLV Park Hang-seo cũng thoát được cảnh đỏ mắt tìm người thay thế cho những Văn Hậu, Văn Lâm, Trọng Hoàng, Hùng Dũng... đang bị chấn thương, khiến lực lượng đội tuyển bị suy yếu rất nhiều.
Post a Comment