Đâu là nguyên nhân khiến U23 Việt Nam thiếu bản sắc?
Sau 2 trận toàn thắng trước U23 Đài Bắc Trung Hoa và U23 Myanmar, U23 Việt Nam đã dành trọn 6 điểm, không để lọt lưới bàn nào, thẳng tiến vào VCK U23 châu Á 2022. Xin chúc mừng các cầu thủ trẻ của chúng ta. Nhưng đây chỉ là những bước đầu tiên cho quá trình bảo vệ thành tích của đội U23 Việt Nam ở giải đấu năm 2018, thành tích mà nhờ nó, các cầu thủ U23 năm nay được chọn vào nhóm hạt giống số 1 khi bốc thăm chia bảng. Nhờ được chọn làm hạt giống, U23 Việt Nam đã chỉ phải gặp những đội như U23 Đài Bắc Trung Hoa và U23 Myanmar, chứ không phải những đội như U23 Nhật Bản hay U23 Australia.
Qua 2 trận đấu, trước những đối thủ được coi là yếu hơn, U23 Việt Nam đã thi đấu khá vất vả với một bản sắc nhợt nhạt, không làm cho người hâm mộ cảm thấy yên tâm.
Vậy đâu là nguyên nhân của thực tế này?
Chúng ta cùng bỏ qua các yếu tố khách quan chung mà các đội đều phải gánh chịu, như mặt sân, thời tiết, hay tác động của dịch bệnh lên quá trình tuyển chọn, tập luyện, hay thi đấu giao hữu của đội.
Điều dễ nhận thấy nhất khi xem U23 Việt Nam thi đấu 2 trận vừa qua đó là sự thiếu bản sắc. Rõ ràng, bóng đá là 1 môn thể thao tập thể, mọi thành công của đội bóng đều là kết quả của nỗ lực tập thể. Bản sắc của 1 đội bóng được tạo nên bởi lối đá chung của toàn đội. Bản sắc tạo nên sức mạnh và ảnh hưởng đến thành tích thi đấu của đội, và U23 Việt Nam tham gia VCK U23 châu Á 2018 ở Thường Châu là 1 đội bóng có bản sắc. Nhưng bản sắc của đội bóng đôi khi cũng được tạo nên bởi cá tính, hay vai trò, tố chất cá nhân của những thành viên trong đội bóng đó.
Vai trò của đội trưởng trên sân không phải là chỉ bắt tay trọng tài, là trao cờ lưu niệm hay tham gia tung xu chọn sân…, Đội trưởng là niềm cảm hứng, là người truyền nhiệt huyết cho toàn đội, là người có khả năng động viên, thúc giục các đồng đội của mình tập trung, lăn xả thi đấu, hay bình tĩnh, kiên nhẫn, lạnh lùng chờ cơ hội. Nếu ở Quế Ngọc Hải, ta thấy được tố chất đó của 1 đội trưởng, thì ở Hai Long, một tiền vệ tài năng, nhưng chúng ta chưa cảm nhận được đầy đủ vai trò của người đội trưởng mà anh phải gánh vác trên sân.
Các cầu thủ U23 tham gia vòng loại U23 châu Á 2022 là những cầu thủ hay nhất mà bóng đá Việt Nam có được trong thời điểm hiện tại. Nhưng khi ta nhìn vào từng tuyến, ta sẽ thấy các cầu thủ nhang nhác giống nhau về năng lực, lối xử lý bóng, họ chưa thể hiện được cá tính, tố chất riêng của mình. Ở giải lần trước, các quả phạt trực tiếp với cự ly dưới 30m của đội Việt Nam đều tiềm tàng sự đe dọa, nhiều bàn thắng quyết định số phận U23 Việt Nam được thực hiện bởi các qủa phạt trực tiếp, với cái chân trái của Quang Hải. Mỗi khi Quang Hải lấy đà đá phạt, người hâm mộ luôn chờ đợi 1 đường cong hướng vào lưới đối phương. Chúng ta chưa thấy điều đó ở lứa cầu thủ này.
Ở trường hợp Công Phượng, anh ta là một cầu thủ cá tính. Ai cũng nhìn thấy điểm mạnh, điểm yếu của cầu thủ này. Khả năng phối hợp của Công Phượng hiện tại đã được cải thiện, nhưng chưa bao giờ là tốt cả. Đã có rất nhiều lời chê trách dành cho tiền đạo này, theo hướng là lối đá quá cá nhân, thiếu tính đồng đội, tham... và những đặc điểm đó đã trở thành cá tính. Nhưng khi cần 1 người có khả năng độc lập tác chiến, gây đột biến giữa vòng vây hậu vệ đối phương, cá tính đó lại phát huy tác dụng.
Phải chăng lứa U23 Việt Nam dự vòng loại U23 châu Á 2022 vừa qua là thiếu cá tính?
Ngoài nguyên nhân chất lượng cầu thủ mà các chuyên gia, truyền thông đề cập, có một nguyên nhân có thể tạo nên sự thiếu bản sắc của U23 Việt Nam qua 2 trận này, đó là việc HLV Park Hang–seo đã phải dành quá nhiều thời gian, tâm trí của mình cho ĐT Việt Nam, khác với việc ông đã toàn tâm toàn ý tập trung cho U23 Việt Nam ở giải trước đây.
Thực tế, ở môi trường CLB, các cầu thủ trẻ ít cơ hội để thể hiện mình hơn so với việc tập trung ở các đội tuyển trẻ, vì những lý do như chính sách sử dụng cầu thủ nhiều kinh nghiệm hay cầu thủ ngoại để đảm bảo thành tích của CLB trong giải quốc nội. Một cầu thủ trẻ sau khi được đào tạo cơ bản cần được khuyến khích bộc lộ các tố chất cá nhân thông qua việc được thử thách ở những vị trí, nhiệm vụ cụ thể khác nhau trên sân. Qua các thử thách đó sẽ xác lập vị trí, sở trường, định hình cá tính của anh ta trên sân trong từng bối cảnh thi đấu. Mà ở các tuyến tuyển trẻ quốc gia chính là điều kiện lý tưởng để thực hiện quá trình này. Thúc đẩy, khuyến khích, theo dõi, ghi nhận, điều chỉnh toàn bộ quá trình này là HLV trưởng. Nhào nặn ra cá tính cầu thủ Xuân Trường, với khả năng quan sát, đưa ra những đường chuyền dài từ 30 – 50 m chính xác, ra hậu vệ trái Văn Hậu với khả năng tham gia tấn công sắc sảo, hay Văn Toàn, một tiền đạo đầy tốc độ, càn lướt… có vai trò của HLV Park Hang-seo.
Hy vọng, sau khi dẫn dắt ĐT Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ ở Wolrd Cup, HLV Park Hang-seo sẽ có điều kiện tập trung cho lứa U23 này của Việt Nam, biến họ thành những cầu thủ có cá tính, chúng ta sẽ lại có 1 đội U23 bản sắc rõ ràng, mạnh mẽ và thành công như những người đàn anh của họ.
Post a Comment