Header Ads

Vì sao U23 Việt Nam lại vất vả mới thắng được U23 Đài Bắc Trung Hoa?

Trước đội U23 Đài Bắc Trung Hoa bị đánh giá thấp hơn nhiều, trong 3/4 thời gian trận đấu, đội U23 Việt Nam đã không có được thế trận áp đảo dù cầm bóng nhiều hơn.

Về phòng ngự, các đợt tấn công của U23 Đài Bắc Trung Hoa chưa đủ mạnh để có thể trở thành phép thử cho hàng phòng ngự U23 Việt Nam. Nhưng đã có vài tình huống trung vệ chuyền bóng khó, không chính xác để mất bóng nguy hiểm thay vì lẽ ra phải là những đường chuyền đơn giản, an toàn hơn. Trong triển khai tấn công, hàng tiền vệ U23 Việt Nam đã rất khó khăn khi phối hợp cầm bóng tiến đến gần cầu môn U23 Đài Bắc Trung Hoa. Một lý do được nêu ra đó là hàng phòng ngự U23 Đài Bắc Trung Hoa chơi tốt ở trận này. Họ bắt người tốt, không cho các cầu thủ U23 Việt Nam có đủ khoảng trống để triển khai lối chơi. Lý do này đúng, nhưng mọi hàng phòng ngự sẽ nỗ lực làm như vậy để hạn chế đối phương phối hợp tấn công.

Vì sao U23 Việt Nam lại vất vả mới thắng được U23 Đài Bắc Trung Hoa? - Ảnh 1.

Văn Xuân chơi nổi bật nhất trong đội hình U23 Việt Nam. Ảnh: VFF.

Thực tế, trong hiệp 1, U23 Việt Nam đã phối hợp tấn công không tốt. Các tình huống cầm bóng thường ở trạng thái không chắc chắn, khoảng cách của các cầu thủ tham gia phối hợp chưa hợp lý, dẫn đến có nhiều đường chuyền ở cự ly trung bình hơn cự ly ngắn. Có cảm giác các cầu thủ nhận bóng xong rất vất vả giữ bóng và khó khăn trong việc tìm đồng đội để chuyền bóng. Càng khó khăn phối hợp, các cầu thủ càng có xu hướng chuyền bóng khó thay vì những đường chuyền đơn giản. Có khá nhiều pha xoay người 180 độ chuyền bóng cho đồng đội, và đương nhiên, tỷ lệ mất bóng của những pha chuyền đó là rất cao.

Trong hiệp 2, đội U23 Việt Nam thay 1 loạt vị trí, trong đó đáng chú ý là tiền vệ Hai Long. Đội U23 Việt Nam phối hợp tốt hơn hẳn. 30 phút cuối trận là thế trận mà người hâm mộ Việt Nam có thể thấy được ở các cầu thủ U23 phảng phất hình ảnh, phong cách đá của các đàn anh đội tuyển Việt Nam. Từ 1 pha phối hợp đẹp mắt, Lê Văn Xuân ghi bàn thắng quan trọng từ đường chuyền hay của Nguyễn Hai Long.

Rõ ràng, với chiến thắng cách biệt 1 bàn, cùng lối tấn công khá bế tắc trong hơn nửa đầu trận đấu, các cầu thủ U23 Việt Nam chưa làm người hâm mộ yên tâm. Có những lý do giải thích cho trạng thái bế tắc này, đó là nhìn vào cách phối hợp của đội U23 Việt Nam trong thời gian đầu trận đấu, có cảm giác là hàng tiền vệ đội U23 Việt Nam thiếu 1 người cầm nhịp hiệu quả, có thể sáng tạo, gây đột biến, kiểu như Hồng Sơn, Tuấn Anh hay Quang Hải. Thực tế, HLV nào cũng sẽ có xu hướng, nỗ lực tìm cho đội bóng của mình những nhân tố đó. Chắc chắn ở đội U23 Việt Nam của ông Park Hang-seo cũng vậy, cũng có những nhân tố được lựa chọn để làm công việc đó. Nhưng đó là 1 vị trí rất khó để thể hiện, đặc biệt ở lứa cầu thủ trẻ. Anh ta phải sáng tạo dưới áp lực tròn vai trong 1 trận đấu quá quan trọng, không được để xảy ra sai lầm, kiểu như để mất bóng rồi dẫn đến thua ngược.

Nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến việc hệ thống thi đấu chưa tốt trong trận đấu này, đó chính là vấn đề tâm lý. Suốt hiệp 1, các cầu thủ trẻ Việt Nam đã bị căng cứng. Biểu hiện là khống chế bóng nhịp 1 thường xuyên không được như ý, dẫn đến rất vất vả để giữ bóng và triển khai nhịp tiếp theo. Chuyền bóng thiếu cảm giác, mất bóng nhiều, hoặc chưa thuận lợi cho đồng đội khi nhận bóng. Không HLV nào muốn cầu thủ của mình thi đấu trong trạng thái tâm lý căng cứng như vậy cả. Nhưng điều chỉnh nó thì đòi hỏi cả từ bản thân cầu thủ tự điều chỉnh, tự tìm hưng phấn thi đấu cho bản thân. Từ thời điểm thay Hai Long và Bảo Toàn vào sân, bằng một cách nào đó, tâm lý của các cầu thủ trẻ Việt Nam tốt lên, họ tự tin hơn khi cầm bóng phối hợp. Khống chế bóng ít hỏng, cảm giác chuyền tốt hơn. Các pha phối hợp mềm hơn, nhiều nhịp phối hợp hơn và bằng ít chạm hơn. Một biểu hiện rất rõ khi các cầu thủ có tâm lý thoải mái, hưng phấn khi phối hợp, đó là khi họ sử dụng kỹ thuật chuyền bóng bằng gót chân. Khi cả hiệp 1 gần như không có pha chuyền bóng bằng gót chân nào, thì hiệp 2, các cầu thủ U23 Việt Nam sự dụng kỹ thuật này rất thoải mái.

Việc có trạng thái thi đấu căng cứng ở trận mở màn của 1 giải đấu quan trọng là diễn biến tâm lý bình thường, nhất là ở các cầu thủ trẻ. May mắn là các cầu thủ U23 Việt Nam đã vượt qua, đã tự xử lý được. Hệ thống thi đấu đã vượt qua được trạng thái ì do tâm lý thi đấu chưa tốt gây ra và có những phút thi đấu hưng phấn cuối trận. Chắc chắn sự hưng phấn này sẽ rất có ích trong việc tạo đà tâm lý cho những trận đấu tiếp theo.

No comments

Powered by Blogger.