Than Quảng Ninh chia tay V.League: Cầu thủ phải phụ vợ bán phở và chờ...
Than Quảng Ninh chia tay V.League
Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã chính thức có văn bản từ chối cấp phép ngoại lệ cho câu lạc bộ Than Quảng Ninh dự V.League 2022. Đội bóng đất Mỏ thiếu rất nhiều điều kiện để tham dự các giải đấu chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn của Liên đoàn bóng đá Châu Á (AFC).
Nguyên nhân đến từ việc đơn vị quản lý câu lạc bộ là Công ty TNHH MTV bóng đá Quảng Ninh đã dừng hoạt động trong 1 năm. Bên cạnh đó, hàng loạt các tiêu chí cấp phép trên hệ thống trực tuyến không được đội bóng này hoàn thành, liên quan đến các khoản nợ quá hạn với nhân viên, cơ quan thuế…
Ngoài ra, tiêu chí về cơ sở vật chất, tiêu chí nhân lực hành chính và tiêu chí thể thao (phát triển bóng đá trẻ, chăm sóc y tế, đăng kí cầu thủ…) đều không đạt yêu cầu.
Trên thực tế, hồi cuối tháng 8 vừa qua, câu lạc bộ Than Quảng Ninh đã tuyên bố tạm dừng hoạt động. Tất cả nhân sự của công ty đã được thông báo bàn giao công việc, các chế độ liên quan và lương thưởng cũng sẽ tạm dừng chi trả. Ban huấn luyện, cầu thủ và cán bộ công nhân viên bị nợ lương, thưởng và các khoản tiền khác trong nhiều tháng qua.
Với việc bị cấm dự V.League 2022, nếu Than Quảng Ninh được chuyển giao về tỉnh hoặc một đơn vị quản lý khác, họ sẽ bắt đầu mùa giải 2022 từ giải hạng Nhất Quốc gia. Nhưng nếu không dự giải đấu nào hoặc tạm hiểu là “biến mất trên bản đồ bóng đá Việt Nam” trong mùa giải tới, đội bóng đất Mỏ sẽ phải bắt đầu lại từ giải hạng Ba.
VFF đã từng vận động địa phương vực dậy đội bóng của mình, nhưng đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có động thái cụ thể nào từ lãnh đạo tỉnh, các cơ quan chức năng cho thấy rằng Than Quảng Ninh sẽ được “cứu”. Niềm hy vọng cuối cùng của những cầu thủ còn bám trụ lại dường như đã... sụp đổ”.
Nhiều cầu thủ chưa biết đi đâu
Chia sẻ với Lao Động, hậu vệ Lê Thế Mạnh cho biết: “Ngay đầu mùa giải 2021 thì tôi gặp chấn thương đứt dây chằng phải phẫu thuật, mất 8 tháng để điều trị và hồi phục. Vừa mới trở lại thì đội bóng lại dừng hoạt động. Thật sự tôi rất buồn và cảm thấy chênh vênh lắm”.
Nói về khoản tiền bị nợ với Than Quảng Ninh, cầu thủ sinh năm 1993 tiết lộ: “Hiện tại tôi bị nợ 40% phí chuyển nhượng năm 2019, còn năm 2020 và 2021 thì chưa nhận được đồng nào. Ngoài ra, 5 tháng rồi tôi chưa được nhận lương, tiền thưởng thì cũng không có đồng nào”.
Việc bị nợ phí lót tay, lương, thưởng khiến Thế Mạnh rơi vào tình cảnh khó khăn. Không thi đấu, không tập luyện, không có bất cứ nguồn thu nhập nào buộc anh phải ở nhà phụ vợ bán phở trang trải cuộc sống hằng ngày.
“Hai vợ chồng tôi có con nhỏ, bà xã lại chuẩn bị sinh cháu thứ 2 nên cần phải chi tiêu rất nhiều trong thời gian tới. Một số anh em cầu thủ đã có bến đỗ mới, còn tôi chỉ vừa trở lại sau chấn thương nên rất khó. Tôi cũng đang liên hệ một số đội bóng để thử việc”, hậu vệ Lê Thế Mạnh tâm sự.
Ngoài trường hợp của Thế Mạnh, một số cầu thủ trẻ khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Vừa “chân ướt, chân ráo” được đôn lên tập luyện và thi đấu ở đội 1 thì lại phải nhận giấy thanh lý trong hoàn cảnh không mong muốn, những Bùi Ngọc Long, Anh Tuấn... cũng chỉ biết chờ đợi sự định hướng từ các thầy cũng như một cơ hội mới.
Đấy là một trong số những trường hợp điển hình của thực trạng khó khăn của các cầu thủ của đội bóng đất Mỏ. Trước đó, tiền vệ Hải Huy từng gây xôn xao dư luận với hình ảnh phụ gia đình bán hải sản ở Quảng Ninh. Hay cả những cầu thủ trẻ phải về xin tiền gia đình trang trải sinh hoạt phí. Hải Huy vẫn còn may mắn hơn nhiều cầu thủ khác khi là chân sút nhận được nhiều sự quan tâm của các đội bóng ở V.League. Vấn đề của anh chỉ là chọn ai.
Than Quảng Ninh sẽ nói lời tạm biệt V.League sau nhiều năm gắn bó. Đây là cái kết buồn cho một câu lạc bộ từng được xem là hình mẫu phát triển ở các giải đấu chuyên nghiệp của Việt Nam. Nhưng vấn đề còn lại là nhiều cầu thủ ở lại chưa biết tương lai ra sao.
Post a Comment