Ai làm bác sĩ tâm lý cho HLV Park Hang-seo?
Hai đội bóng đang để lại nhiều nỗi lo nhưng có lẽ nỗi lo còn nằm ở chính… tâm trạng dường như có dấu hiệu bất ổn của thầy Park.
Điều gì đang xảy ra?
Trận chung kết U23 châu Á 2018, U23 Việt Nam thua U23 Uzbeskitan, ông Park “lội tuyết” đi phăm phăm ra chỗ các cầu thủ đang đứng buồn bã, quây tất cả thành vòng tròn rồi lớn tiếng: “Tại sao phải khóc, phải cúi đầu. Chúng ta đã xả thân chiến đấu hết mình. Phải ngẩng cao đầu và tự hào với những gì chúng ta đã cống hiến. Tôi không cho phép ai cúi đầu”. Không ít lần, những liệu pháp tâm lý tưởng chừng như giản đơn của ông Park lại mang đến hiệu quả lớn đến không ngờ. Sau mỗi vấp váp, thất bại và kể cả sau mỗi chiến thắng, cầu thủ Việt Nam lớn hơn, trưởng thành hơn khi tinh thần được vực dậy, xoa dịu, được cân bằng để cảm xúc buồn vui không bao giờ bị vượt quá ngưỡng.
Nhưng dường như ở thời điểm này - thời điểm có thể xem là khó khăn nhất của ông Park suốt 4 năm qua, nhà cầm quân người Hàn Quốc đang bị “cô độc” và tâm lý không được vững như thường thấy. Ở họp báo sau trận thắng U23 Đài Bắc Trung Hoa cách đây ít hôm, giới truyền thông không được nghe giọng nói hào sảng của ông Park - thay vào đó là một âm lượng rất trầm, toát lên tâm trạng không được thoải mái, thậm chí còn có vẻ khó chịu (yêu cầu đổi câu hỏi khác). Ông Park hình như đang bối rối. Điều gì đang xảy ra với cá nhân ông? Ông được coi là bác sĩ tâm lý của cầu thủ nhưng ai sẽ làm bác sĩ tâm lý cho chính ông khi công việc đang không ở nốt thăng?
Đây không phải lần đầu tiên ông Park trải qua cảnh giải đấu dồn dập vào các thời điểm quá gần nhau. Sau AFF Cup 2018, tuyển Việt Nam lại thi đấu ngay vòng chung kết Asian Cup 2019 hay ngay sau SEA Games 30, ông cùng các học trò chinh chiến giải U23 châu Á 2020. Lần này cũng thế, ông Park “vừa phải bế em vừa phải xay lúa” nhưng sự thử thách tăng lên gấp bội bởi lúc này lại là hai đội ở hai lứa tuổi hoàn toàn khác nhau. Đội tuyển thi đấu ở cấp độ cao chưa từng thấy trong lịch sử bóng đá Việt Nam, còn U23 là thế hệ hoàn toàn mới, hầu hết cá nhân chưa được kinh qua những giải lớn. Khi đã quen với việc được chứng kiến vô vàn chiến thắng mà ông Park đem lại thì việc bỗng dưng đội tuyển thất bại liên tiếp cộng với U23 lối chơi rời rạc, không rõ nét, thiếu tốc độ, nhiều vị trí rất mờ nhạt thì khán giả đã bị sốc và sức ép với ông Park càng trở nên nặng nề hơn bao giờ hết.
Những người có thể xoa dịu ông Park
Chuyên gia Đoàn Minh Xương nói: “Tôi không rõ ông Park có chơi mạng xã hội không nhưng nếu có, chắc hẳn ông Park sẽ cảm động khi mới hôm qua, Quang Hải đưa lên trang cá nhân của mình bức ảnh giàu thông điệp. Hình ảnh ông Park ngồi dựa vào Hải và khoác cổ anh, thân thuộc như cha với con. Chắc hẳn Hải có dụng ý khi đăng bức hình nhiều ý nghĩa này. Đúng, cầu thủ chính là bác sĩ tâm lý của thầy Park trong bối cảnh ông cần chỗ để dựa vào. Tôi đã đọc trên Thanh Niên, một lần ông Park đã chia sẻ rằng trước các giải đấu, ông cảm thấy khá áp lực, thậm chí rất stress nữa nhưng mỗi buổi sáng được gặp và chào hỏi cầu thủ, khi nhìn vào ánh mắt trong trẻo, thuần khiết của học trò, ông cảm thấy mình được tiếp thêm sức lực và dũng khí.
Tôi cho rằng hiện tại ông Park cũng sẽ phải làm bác sĩ tâm lý cho chính mình. Làm HLV phải chấp nhận thực tế, khi chiến thắng sẽ được ngợi ca, còn khi đội anh không thắng hay đá không hay, sẽ phải nhận phê bình, góp ý. Vấn đề nằm ở chỗ, anh phải tự điều chỉnh tâm lý bản thân để đánh bại áp lực bủa vây. Có thế, anh mới lấy lại được trấn tĩnh và sự khôn ngoan để tiếp tục có những nước cờ khôn ngoan và không vấp thêm sai lầm khi bài binh bố trận. Sẽ thật nguy hiểm nếu đẩy mình vào hố sâu trầm cảm. Ê kíp của ông Park đã, đang và sẽ luôn cần đến sự tỉnh táo của người dẫn đầu. Nhưng theo tôi, người giúp ông Park giải tỏa được áp lực đang bủa vây chính là Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). Cần đứng sau ông như một hậu phương vững chắc khác, ngoài gia đình ông. VFF hãy bảo vệ ông Park, đừng đổ hết lỗi cho ông Park nếu đội bóng chưa được như kỳ vọng. Cũng đừng đặt ra những mục tiêu quá tầm với của bóng đá Việt Nam, đặt lên vai ông Park những trọng trách khổng lồ khi chính VFF còn đang trên con đường từng bước xây dựng và hoạch địch chiến lược lâu dài.
Một quan chức VFF cho hay: “Chúng tôi hiểu áp lực của ông Park nên luôn trao đổi và giữ mối liên lạc với ông hằng ngày. VFF tin tưởng ông và luôn tạo điều kiện tốt nhất để ông làm việc. ĐT Việt Nam chưa thắng tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 nhưng ở một số trận đấu, các tuyển thủ đã chơi đầy nỗ lực và có sự cải thiện về chuyên môn. Còn U23 Việt Nam đúng là chưa hay nhưng cũng không phải là không có hy vọng cho tương lai. Họ cần có thêm sự trải nghiệm, nâng cao trình độ, năng lực để hướng tới mục tiêu xa hơn khi World Cup nâng lên 48 đội vào năm 2026. Chúng tôi sẽ tạo điều kiện tốt nhất để ông Park cân bằng tâm lý và lấy lại những sự thoải mái lạc quan vào tương lai”.
Post a Comment