Trung Quốc chi 3.000 tỷ đồng nhập tịch cầu thủ, muốn "nhảy cóc" tới World Cup
Theo Sina, CLB này đã phải chi ra khoảng 870 triệu Nhân dân tệ (gần 3000 tỷ đồng) để làm thủ tục nhập tịch cho ít nhất 6 cầu thủ trong đội. Theo đó, ngoài việc ký hợp đồng với cầu thủ, CLB còn mất những khoản phí hợp tác với Liên đoàn bóng đá Trung Quốc, Tổng cục Thể thao cũng như các thủ tục nhập tịch với Cục Quản lý xuất nhập cảnh quốc gia.
Báo cáo của CLB cho thấy họ đã nhập tịch tiền đạo Elkeson, Ricardo Goulart, Alan Carvalho, Aloisio và Fernandinho. Trong số này, Elkeson là người nổi tiếng nhất khi từng hai lần giành danh hiệu chiếc giày vàng Giải VĐQG Trung Quốc – Super League, đồng thời được triệu tập vào ĐTQG nước này.
Tiền đạo Elkeson (Brazil) được triệu tập lên đội tuyển Trung Quốc sau khi nhập tịch thành công. Ảnh: Sina.
Không chỉ có Guangzhou Evergrande, nhiều CLB khác ở Trung Quốc như Shanghai SIPG, Beijing Guoan hay Shanghai Shenshua cũng làm điều tương tự. Khác biệt là số lượng cầu thủ được nhập tịch ít hơn. Mục đích của việc làm này là giúp những cầu thủ này có cơ hội thi đấu cho đội tuyển quốc gia, giúp bóng đá Trung Quốc mơ World Cup.
Guangzhou Evergrande được chống lưng bởi Alibaba, một trong những tập đoàn có tiềm lực kinh tế lớn nhất Trung Quốc. Khoản tiền trên với họ được cho không phải vấn đề. Tuy nhiên, điều này vẫn gây tranh cãi lớn.
Người hâm mộ cho rằng những khoản tiền trên hoàn toàn có thể đầu tư cho bóng đá trẻ. Những đội tuyển trẻ Trung Quốc ở các giải đấu gần đây đang gây thất vọng lớn, thậm chí bị so sánh với lứa cầu thủ hiện tại của Việt Nam. Năm 2019, U22 Trung Quốc thua 0-2 trước U22 Việt Nam trong trận giao hữu tổ chức trên sân nhà.
Một nhóm khác thì cho rằng đây là cách các CLB đang thúc đẩy sự phát triển và đóng góp cho thể thao đất nước. Kế hoạch được đánh giá là phù hợp nhưng cách thực hiện chưa thành công nhưng không vì thế mà chỉ trích cách chi tiêu của CLB.
Hàng loạt cầu thủ, chủ yếu là người Brazil, đã được nhập tịch Trung Quốc thành công. Ảnh: Sina.
Trong giới cầu thủ, một số cá nhân đã lên tiếng. Cựu tiền đạo Hao Haidong đặt câu hỏi: "Chính sách này có giúp chúng ta tốt hơn ngay cả khi vô địch thế giới hay không? FIFA cho phép nhập tịch thì các quốc gia trên thế giới có nên tận dụng tối đa nó không?".
Mei Fang, trung vệ trụ cột của đội tuyển Trung Quốc, thì lên tiếng: "Cầu thủ nhập tịch là cũng là người Trung Quốc. Đừng phán xét anh ta có nhập tịch hay không. Anh ta có quốc tịch Trung Quốc và là người Trung Quốc, đồng hương của chúng tôi. Không có gì khác biệt. Các cầu thủ nội của Trung Quốc làm việc chăm chỉ và độc lập, vì vậy việc nhập tịch sẽ không có ý nghĩa gì. Nếu bạn muốn có một kết quả tốt, hãy nhập tịch 11 cầu thủ để thi đấu và xem những gì bạn nhận được."
Cũng liên quan đến Guangzhou Evergrande, họ đang thống trị giải VĐQG với việc giành 8/9 chức vô địch kể từ mùa giải 2011, một lần giành ngôi á quân. Điều này làm giải VĐQG Trung Quốc mất cân bằng và thiếu tính cạnh tranh.
Guangzhou Evergrande đang thống trị bóng đá Trung Quốc bằng việc chi tiền tấn trên thị trường chuyển nhượng. Ảnh: GE.
Bên cạnh đó, nhiều cầu thủ và cả những cầu thủ nước ngoài đang nhận được những khoản lương quá lớn so với trình độ thật. Mục tiêu là để thu hút thêm nhiều cầu thủ nước ngoài giỏi sang Trung Quốc thi đấu nhưng được cảnh báo có thể gây đổ vỡ trong tư cách cầu thủ lẫn động lực cống hiến thật sự của họ.
Đầu tư cho bóng đá trẻ được xem là nước đi đúng đắn hơn chính sách trên, được cho là những khoản đầu tư bền vững từ gốc rễ. Cho đến hiện tại, chính sách nhập tịch của bóng đá Trung Quốc đã dần hạ nhiệt nhưng những gì đã diễn ra sẽ còn là bài học lớn với bóng đá thế giới.
Post a Comment