Sơ đồ bố trí VAR tại sân Mỹ Đình tốn kém đến cỡ nào?
Sau khi nhận được sự đồng thuận của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác tổ chức các trận đấu của ĐT Việt Nam trên sân Mỹ Đình trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19, một chi tiết khác được LĐBĐ Việt Nam (VFF) đặc biệt lưu ý là thông qua LĐBĐ châu Á (AFC), lần đầu tiên công nghệ VAR, còn gọi là trợ lý video hỗ trợ trọng tài, sẽ được áp dụng trên sân Mỹ Đình.
Theo quy định của AFC, VAR sẽ được sử dụng trong tất cả trận đấu ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á. Thế nhưng, công nghệ này lại chưa từng được sử dụng tại Việt Nam, vậy nên nhiều người hâm mộ đang rất quan tâm tới việc công nghệ VAR sẽ được áp dụng tại Mỹ Đình như thế nào.
Theo tìm hiểu, AFC sẽ phối hợp với một đối tác chuyên về VAR để tham gia hỗ trợ 12 quốc gia có các đội tuyển tham dự vòng loại cuối cùng World Cup 2022. AFC và đối tác cũng sẽ phụ trách về nhân sự, hậu cần, trang thiết bị… Về phía Việt Nam, LĐBĐ Việt Nam sẽ đóng vai trò hỗ trợ đối tác này cũng như AFC trong việc thiết lập hệ thống, đảm bảo công tác tổ chức trước trận đấu diễn ra suôn sẻ.
Bên cạnh đó, sơ đồ bố trí camera của công nghệ VAR theo chuẩn FIFA cũng sẽ được áp dụng trên sân Mỹ Đình. Theo đó, sẽ có tới 33 máy quay ở 33 góc khác nhau, đảm bảo việc không một pha bóng nào lọt qua tầm mắt của vị "trọng tài video" này.
Ngoài góc máy trực tiếp trận đấu, sẽ có 4 góc máy chuyên dụng khác bao gồm: Camera VAR việt vị (VAR Offside Cameras - chuyên để bắt lỗi việt vị của cầu thủ), Camera VAR siêu nét (Ultra High Definition VAR - máy quay siêu nét), Camera VAR quay chậm (Super slow motion) và Camera VAR siêu quay chậm (Ultra slow motion).
Để lắp đặt đủ những máy quay chuyên dụng cho từng "nhiệm vụ" của VAR, chắc chắn VFF sẽ phải tốn rất nhiều kinh phí. Thế nhưng, trong lần đầu tiên ĐT Việt Nam được thi đấu vòng loại cuối cùng tại World Cup, VFF đã khẳng định sẽ làm hết sức để giúp thầy trò HLV Park Hang-seo có điều kiện thi đấu tốt nhất.
Post a Comment