Chung kết EURO 2020 Anh vs Italia, cựu danh thủ Thể Công cảnh báo Tam Sư
Dàn dựng đá phạt "dị"
Trước trận chung kết EURO 2020 giữa Anh vs Italia, những tình huống đá phạt cố định đang được đặt ra như "chìa khóa" mở ra bước ngoặt, khi 2 đội đều đã quá hiểu nhau.
Chi tiết đáng chú ý là cả Anh vs Italia đều là bậc thầy của những pha dàn xếp đá phạt với những tên tuổi lừng danh trong quá khứ như David Beckham, Andrea Pirlo...
Tại World Cup 2018, ĐT Anh lọt vào tới bán kết và trên hành trình đó, thầy trò HLV Gareth Southgate đã mang đến nét mới thú vị cho người xem với tình huống cầu thủ xếp hàng dọc san sát nhau khi được hưởng phạt góc và khoảng trống lộ ra từ chính vị trí người đồng đội di chuyển sang một hướng khác kéo theo cầu thủ đối phương.
Đáp lại, tại EURO 2020, dù chưa thể ghi bàn nhưng ĐT Italia cũng có pha dàn dựng đá phạt hàng rào rất lạ mắt khi họ thiết lập 2 hàng rào "ảo" kẹp hàng rào của đối thủ ở giữa như trong tình huống phút 52 trận Italia thắng xứ Wales 1-0 ở vòng bảng.
Đó là pha bóng khiến thủ môn Danny Ward (Wales) cũng phải bật cười trong khung gỗ khi thấy Italia "làm màu" như vậy!
Như khi bóng từ chân Federico Bernardeschi bay đi, 3 cầu thủ làm hàng rào dưới cùng di chuyển lên tránh việt vị và khiến Danny Ward, 3 cầu thủ hàng rào trước của Italia cúi đầu lộ ra khoảng trống vừa đủ để bóng lọt qua tìm trúng cột dọc Wales thì Danny Ward mới "tái mặt".
Tiếc là pha đá phạt rất hay đó của Italia lại bị từ chối chứ nếu không, người hâm mộ đã chẳng phải chờ lâu tới tận vòng bán kết mới chứng kiến pha đá phạt đầu tiên và duy nhất thành bàn tại EURO 2020 mang tên Mikkel Damsgaard "xé lưới" Jordan Pickford của ĐT Anh.
"Tôi thấy bất ngờ khi EURO 2020 mới chỉ có 1 bàn thắng từ những cú đá phạt hàng rào. Đây có thể là con số ít ỏi nhất trong lịch sử các kỳ EURO.
Theo quan sát của tôi, ở trận bán kết với Đan Mạch, thủ môn Jordan Pickford của ĐT Anh cũng phần nào đó bị tâm lý khi nhập cuộc.
Tới trận chung kết sắp tới, kỳ vọng của người hâm mộ càng nhiều hơn và chờ xem 2 thủ môn được đánh giá hay nhất EURO lần này là Jordan Pickford - Gianluigi Donnarumma sẽ trổ tài thế nào khi đối mặt với những tình huống cố định.
Cá nhân tôi đánh giá điểm cộng cho Gianluigi Donnarumma với những gì anh đã thể hiện trong màu áo "Azzurri" tính đến thời điểm này", cựu tuyển thủ Việt Nam và Thể Công một thời Phạm Như Thuần chia sẻ trong cuộc giao lưu trực tuyến trước trận chung kết EURO 2020 do báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức sáng 10/7.
EURO 2020 hiếm siêu phẩm đá phạt, vì sao?
Lý giải kỹ hơn về việc EURO 2020 mới chỉ có 1 pha đá phạt hàng rào thành bàn, cựu danh thủ Phạm Như Thuần nói: "Thứ 1, tôi nghĩ các trọng tài đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình để quả phạt được thực hiện ở đúng khoảng cách giữa bóng và hàng rào (9,15m - PV).
Thêm nữa, các đội bóng cũng đã nghiên cứu rất kỹ cách chống đá phạt hàng rào. Họ hạn chế tối đa phạm lỗi ở khu vực 18-20m trước vòng cấm vốn rất nguy hiểm.
Các cầu thủ làm hàng rào có thể hình cao to cũng là trở ngại lớn đối với cầu thủ đá phạt. Việc bố trí 1 cầu thủ nằm phía dưới hàng rào cũng khiến đối phương không thể tính đến phương án đưa bóng qua lỗ hổng phía chân hàng rào khi cầu thủ nhảy lên cản phá.
Chi tiết đặc biệt là kỹ năng phán đoán, chọn vị trí, phản xạ của thủ môn cũng rất tốt nên đến lúc này chúng ta mới chỉ được chứng kiến 1 pha đá phạt hoàn hảo thành bàn của Mikkel Damsgaard trong trận bán kết với Anh".
Một con số thống kê "kỷ lục" không ai mong muốn là EURO 2020 đã có 11 pha đá phản lưới nhà, nhiều hơn số pha đá phản lưới của 15 kỳ EURO trước đó trong lịch sử giải đấu cộng lại.
Về vấn đề này, cựu danh thủ Thể Công cho rằng: "Những sai lầm ngớ ngẩn như của thủ môn Martin Dubravka (Slovakia, trận thua Tây Ban Nha 0-5 ở vòng bảng - PV), thủ môn Unai Simon (Tây Ban Nha đỡ hụt bóng khiến Pedri vô tình trở thành người phản lưới ở trận đấu vòng 1/8 với Croatia - PV) có thể coi như những tai nạn nghề nghiệp.
Đa phần những pha phản lưới mà minh chứng gần nhất là cú đá phản của Simon Kjaer (Đan Mạch, giúp Anh gỡ hòa 1-1 ở bán kết - PV) đều ở thế khó có thể khác được".
Cựu danh thủ Phạm Như Thuần nhấn mạnh trong bóng đá hiện tại, các cầu thủ ít tạt bóng điểm rơi vì dễ bị thủ môn, hàng thủ to cao đối phương "mua" hết. Họ sử dụng nhiều những đường căng ngang có lực rất mạnh và chạm vào bất kỳ ai ở vị trí cận thành cũng có thể dẫn tới bàn thắng.
"Ví dụ như tình huống trung vệ Mats Hummels (Đức) phản lưới trong trận thua Pháp 0-1 ở vòng bảng. Anh ta chưa kịp giơ chân ra thì bóng đá... trúng chân bay vào lưới rồi.
Sức ép của cầu thủ tấn công rất lớn khiến cầu thủ phòng ngự lúng túng khi phối hợp với nhau. Sự phối hợp giữa cầu thủ phòng ngự với thủ môn cũng không tốt khi cần đưa ra quyết định nhanh dẫn đến những pha phản lưới nhà", cựu tuyển thủ Việt Nam Phạm Như Thuần bày tỏ quan điểm.
Trước câu hỏi về quá nhiều tình huống phạt đền hỏng ăn tại EURO 2020, cựu danh thủ Thể Công đáp: "Cầu thủ đứng trước chấm 11m mang theo trọng trách rất lớn, có thể thay đổi cục diện trận đấu hoặc quyết định vận mệnh của đội bóng tại giải.
Sức ép là rất khủng khiếp và cầu thủ cần phải thể hiện được bản lĩnh. Nếu họ ghi bàn là điều bình thường, còn đá hỏng sẽ như một "điểm đen" trong sự nghiệp bị truyền thông, người hâm mộ nhắc đi nhắc lại.
Như trường hợp của Kylian Mbappe đá hỏng ở lượt đá luân lưu quyết định khiến Pháp thua Thụy Sĩ ở vòng 1/8, có lẽ cậu ta sẽ còn phải suy nghĩ về nó rất nhiều".
Post a Comment