Võ sư Từ Thiện dẹp loạn đàn em của Đại Cathay như thế nào? - Tin Tức Thể Thao

Header Ads

Võ sư Từ Thiện dẹp loạn đàn em của Đại Cathay như thế nào?

Võ sư Từ Thiện không những đào tạo được nhiều môn sinh xuất sắc tung hoành khắp các võ đài miền Nam thời đó mà còn ra tay khuất phục được nhiều tay anh chị giang hồ khét tiếng. Nổi tiếng nhất trong những màn trừ gian diệt ác của vị đại tông sư phải kể đến vụ khuất phục tay giang hồ Minh “Cầu Muối”.

Võ sư Từ Thiện dẹp loạn đàn em của Đại Cathay như thế nào? - Ảnh 1.

Đại lão võ sư Từ Thiện. Ảnh chụp năm 2014.

Cậu bé lò gốm mê thế võ đả hổ

Võ sư Từ Thiện tên húy là Hồ Văn Lành sinh năm Giáp Dần (1914) tại ấp Khánh Hòa, làng Tân Phước Khánh, tổng Bình Thiện, huyện Châu Thành, tỉnh Thủ Dầu Một (Bình Dương ngày nay). Xuất thân trong gia đình có truyền thống về Đông y, thưở nhỏ ông đi làm thuê ở một lò gốm để nuôi thân và phụ giúp gia đình. Năm 14 tuổi, cậu bé Lành theo thọ giáo nghề võ với người dượng thứ sáu tức võ sư Bảy Phiên (đệ tử đời thứ hai của danh sư Hai Ất).

Sau bốn năm ròng rã miệt mài khổ luyện, 18 tuổi, Hồ Văn Lành bắt đầu thượng đài. Năm 20 tuổi, có tên trong đoàn võ sĩ xứ Tân Khánh (do Cai tổng Thêm làm trưởng đoàn) đi thi đấu khắp miền Đông, miền Tây Nam Bộ, bảy lần thượng đài đều giành chiến thắng với hai đòn sở trường là chỏ, gối mạnh và nhanh “như điện 220V” khiến nhiều đối thủ phải tâm phục khẩu phục.

Năm 1939, ông mở võ đường ở Tân Khánh – Bà Trà thu hút hàng trăm môn đồ các nơi đến xin thọ giáo. Năm 29 tuổi, Hồ Văn Lành giúp vốn cho ông Huỳnh Bá Phước (Năm Phước, người tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) – cao thủ môn phái Bạch Hạc, mở tiệm thuốc Đông y. Để trả ơn, quyền sư này đã chân truyền tuyệt kỹ Bạch Hạc phái và Vịnh Xuân quyền cùng phương pháp chữa trật đả, gãy xương… cho ân nhân họ Hồ. Từ đó, không chỉ truyền thụ quyền cước, võ sư Hồ Văn Lành còn nhận chữa trật khớp, bong gân, gãy xương cho môn đệ và bà con xung quanh mà không hề nhận một đồng thù lao nào.

Năm 31 tuổi, ông Lành tham gia đội Thanh Niên Tiền Phong rồi mặt trận Việt Minh, bị thực dân Pháp phát hiện bắt giam. Năm 40 tuổi (1954) được phóng thích, vị cao thủ võ lâm Tân Khánh – Bà Trà vào Sài Gòn mở võ đường truyền bá môn võ đả hổ tại Khánh Hội (Q.4), đến cuối năm 1963 lại dời qua khu cầu Muối, 15/60 Cô Bắc, Q.2 (nay là Q.1).

Lúc này võ sư Hồ Văn Lành lấy biệt danh Từ Thiện (bởi theo ông đích đến của người học võ là lòng vị tha và tính hướng thiện). Trên nửa thế kỷ sống và dạy võ tại vùng đất dữ này, bằng tài năng và đức độ, võ sư Từ Thiện lần lượt thu phục nhiều tay anh chị giang hồ khét tiếng chợ Cầu Muối như đảng cướp “Bàn tay máu” với những đại ca Minh “Cầu Muối”, Nết, Sửu, Ngọc Anh, Ngọc Em…

Võ sư Từ Thiện dẹp loạn đàn em của Đại Cathay như thế nào? - Ảnh 2.

Võ sư Từ Thiện trong một bài võ. Ảnh chụp năm 2014.

Ông thầy giữa bầy thảo khấu

Thời đó, khu vực cầu Muối, cầu Ông Lãnh là vùng đất do tứ đại ca Ba Thế (Lâm Văn Thế) cai quản. Do đó việc ngang nhiên mở võ đường mà không được phép anh Đại (Đại Cathay, vua giang hồ Sài Gòn thời đó) của võ sư Từ Thiện đã làm ngứa mắt đám du đãng, giang hồ tại khu vực cầu Muối. Chuyện vuốt mặt chẳng nể mũi của ông thầy võ đã đến tai Ba Thế và hắn đã thay mặt Đại Cathay xuống chỉ cho Minh “Cầu Muối” dẫn đàn em đến quậy nát võ đường của lão Út (tên thường gọi của võ sư Từ Thiện).

Võ sư Từ Thiện dẹp loạn đàn em của Đại Cathay như thế nào? - Ảnh 3.

Đại Cathay cùng vợ thời hoàng kim.

Lúc đó khoảng xế chiều, võ sư Từ Thiện đang dạy binh khí cho các nghệ sỹ thuộc hai đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ và Huỳnh Long (đóng đô tại khu chung cư hẻm 27 Cô Giang, cầu Ông Lãnh) tại võ đường. Bỗng dưng xuất hiện hơn 30 tên côn đồ mặt mày đằng đằng sát khí do trùm du đãng Minh “Cầu Muối” dẫn đầu. Đứa nào mình mẩy cũng xăm trổ chằng chịt, tay lăm lăm mã tấu, dao lê, xích sắt, thắt lưng, gậy gộc, dao mổ heo… hùng hổ kéo vào võ đường như muốn ăn tươi nuốt sống thầy Út khiến các nghệ sỹ sợ hãi bỏ chạy tán loạn.

Bình tĩnh trấn an đám môn đệ, võ sư Từ Thiện ôn tồn: “Các chú cần gì, không thù không oán tại sao lại đến gây hấn?”. Minh “Cầu Muối” tay vung xích sắt, lớn lối: “Tội của lão là tự ý mở võ đường mà không xin phép anh Đại!”. Nói chưa dứt câu, đám sát thủ máu lạnh vây thành vòng tròn bao vây võ sư Từ Thiện rồi đồng loạt tấn công. Nhanh như chớp, võ sư Từ Thiện chụp cây trường côn bằng sắt trên giá binh khí sử ra bài “Bát quái côn” danh trấn giang hồ của Bạch Hạc phái. Ông tiến thoái nhịp nhàng, tả xung hữu đột, đỡ trên gạt dưới, đường côn sáng loáng và đầy uy lực, tiếng gió rít lạnh người, côn vụt đến đâu, đám du đãng dạt ra đến đó.

Võ sư Từ Thiện dẹp loạn đàn em của Đại Cathay như thế nào? - Ảnh 4.

Một đệ tử của võ sư Từ Thiện.

Võ sư Từ Thiện dẹp loạn đàn em của Đại Cathay như thế nào? - Ảnh 5.

Màn đánh đấm kết thúc sau gần mười phút, hàng chục tên du đãng ôm đầu máu bỏ chạy thục mạng, các tên còn lại đứa gãy giò, thằng què tay vội sụp xuống chắp tay lạy võ sư họ Hồ như tế sao. Nhiều tay anh chị vừa khi nãy còn hung hăng thì giờ đây mình mẩy xưng vù tứa máu, có đứa nằm thẳng cẳng bất ly cục cựa.

Tin dữ đến tai Đại Cathay, nhưng sau khi so sánh thực lực đôi bên hắn ngộ ra là cỡ hắn không phải là đối thủ xứng tầm của ông thầy dạy võ. Dằn cơn tự ái, trùm du đãng Sài Gòn hạ lệnh cho Minh “Cầu Muối”: “Để yên võ đường của thầy Út, cấm tiệt đứa nào đến quậy phá!”. Kể từ đó, đám giang hồ hùng cứ khu cầu Muối, cầu Ông Lãnh chẳng còn dám bén mảng đến võ đường của võ sư Từ Thiện nữa. Thậm chí có nhiều tay du đãng chuyên đâm thuê chém mướn đã đến thọ giáo nghề võ của quyền sư Từ Thiện, sau thời gian theo học đã được sư phụ cảm hóa, sau đó đã hoàn lương.

“Tứ tú” của làng võ Sài Gòn

Năm 1959, võ sư Từ Thiện chính thức gia nhập Tổng cuộc Quyền thuật, bắt đầu đào tạo võ sĩ thi đấu võ đài, ông còn trao đổi thêm kỹ thuật môn quyền Anh cùng những đồng đạo thân thiết như Kid Dempsey, Huỳnh Tiền, Phan Văn Hai, Lê Văn Kiển (Tám Kiển), Nguyễn Văn Thanh (Chín Mai)…

Võ đường Từ Thiện là một trong bốn võ đường (cùng với võ đường Trần Xil, Xuân Bình, Lý Huỳnh) đào tạo võ sinh, võ sĩ nhiều nhất miền Nam giai đoạn 1965-1975, vì thế lần đầu tiên bộ môn quyền thuật được Phủ Thủ tướng và Tổng Nha Thanh Niên chế độ cũ tặng “Bằng Danh Dự ưu hạng” vào hạ tuần tháng 7/1970, được báo chí Sài Gòn phong danh “Tứ tú trên bầu trời võ thuật”. Năm 1973 võ đường lại vinh dự được Tổng Nha Thanh Niên và Phủ Thủ tướng ban tặng “Thể thao bội tinh”.

Võ sư Từ Thiện dẹp loạn đàn em của Đại Cathay như thế nào? - Ảnh 6.

Ngày giổ tổ của môn phái Tân Khánh Bà Trà.

Một số môn đệ (nam lấy biệt danh họ Từ, nữ họ Hồ) như Từ Quang Vũ, Từ Thanh Nghĩa, Từ Thanh Long, Từ Thanh Quang… mở điểm tập thu hút hàng ngàn thanh thiếu niên. Các võ sĩ đạt nhiều thành tích trên võ đài gồm Từ Thanh Nghĩa, Từ Thanh, Hồ Phi Phụng, Hồ Thanh Sương, Hồ Bạch Yến (Lý Huỳnh Yến), Hồ Phi Yến, Hồ Ngọc Thọ…

Sau ngày đất nước thống nhất, võ sư Từ Thiện độ nhật bằng nghề chữa bong gân, gãy xương, trặc khớp… tại tư gia. Khi phong trào võ thuật hồi sinh, ông được mời làm cố vấn chuyên môn Liên đoàn Võ Cổ truyền TP.HCM. Thời gian này (1991-1996) võ sư Từ Thiện có nhiều bài viết về võ thuật đăng trên các báo và tạp chí “Võ thuật”, năm 1991, ông xuất bản sách “Võ thuật phái Tân Khánh” được nhiều người quan tâm. Năm 2003, được UB.TDTT tặng Huân chương “Vì sự nghiệp Thể dục thể thao”. Năm 2005, do tuổi cao sức yếu, lão võ sư Hồ Văn Lành đã về cõi vĩnh hằng tại tư gia, hưởng thọ 90 tuổi, ngày giỗ hằng năm tổ chức vào ngày 27/10 (Âm lịch).

No comments

Powered by Blogger.