SLNA bước vào "vết xe đổ" của Long An?
Bây giờ, có lẽ không còn ai nhắc đến bóng đá miền Tây, nhất là ở đấu trường V.League. Năm ngoái, người dân ở đây đau lòng khi chứng kiến hai biểu tượng của bóng đá địa phương này là Đồng Tháp và Long An phải đá tranh vé vớt tránh xuống hạng… Nhì. Không đau xót sao được khi Đồng Tháp từng là nguồn cung lớn nhất của ĐTQG những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21. Không cay đắng sao được khi Long An từng là thế lực của bóng đá Việt Nam với 2 chức vô địch V.League 2005 và 2006.
Thế hệ Tài Em, Minh Phương, Việt Thắng… của Long An cũng là trụ cột của ĐTQG Việt Nam trong giai đoạn đầu những năm 2000 dưới thời HLV Calisto. Vậy nhưng những biểu tượng của bóng đá Việt Nam ấy đã lụn bại và chìm dưới giải hạng Nhất và hạng Nhì của bóng đá Việt Nam.
Khánh Hoà cũng là một trường hợp tương tự. Không quá thành công như Đồng Tháp hay Long An, song một thời gian dài, Khánh Hoà là biểu tượng của một thứ bóng đá khó chịu, bí ẩn và kiên cường ở V.League. Và chí ít, Khánh Hoà, Long An hay Đồng Tháp vẫn hiện diện trên bản đồ bóng đá Việt Nam. Bởi nhiều cái tên lẫy lừng khác như Công An Hà Nội, Công An Thành phố Hồ Chí Minh, Thể Công hay Cảng Sài Gòn còn biến mất theo từng năm, từng tháng, trước sức ép của cơ chế thị trường ảnh hưởng lên V.League nói riêng và bóng đá chuyên nghiệp nói chung.
SLNA là chứng nhân lịch sử cho dòng chảy khủng khiếp của bóng đá Việt Nam. May mắn thay những người con Nghệ An đủ xù xì, đủ bản lĩnh để không bị cuốn phăng khỏi sóng gió của bóng đá nước nhà. SLNA có thể tự hào khi chưa bao giờ xuống hạng V.League hiện tại hay giải VĐQG trước kia. Nhưng ở thời điểm hiện tại, có lẽ họ cũng chẳng nói hay được.
Thành tích tệ hại trong thời gian vừa rồi khiến SLNA rơi xuống bét bảng V.League. Và cuộc chiến lúc này chưa biết điều gì sẽ còn xảy đến với SLNA. Cũng may, SLNA đã có sự thay đổi từ thượng tầng để cứu vãn chính bản thân mình, cứu vãn cho một biểu tượng lịch sử vẫn may mắn tồn tại ở V.League. Tất nhiên, nói điều này thì vẫn còn là quá sớm.
Post a Comment