Header Ads

Án phạt VFV dành cho HLV Kim Huệ là… sai quy trình?

Nguồn cơn khiến HLV Kim Huệ bị VFV cảnh cáo

Những ngày qua, bóng chuyền Việt Nam ầm ĩ câu chuyện Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) phạt cảnh báo HLV Kim Huệ và 3 VĐV của CLB Ngân hàng Công thương gồm Thu Hoài, Ninh Anh và Phương Anh vì có "hành vi làm ảnh hưởng đến các hoạt động của bóng chuyền Việt Nam".

Nguồn cơn sự việc đến từ thỏa thuận gia nhập một CLB bóng chuyện do Tập đoàn FLC hậu thuẫn về mặt tại chính HLV Kim Huệ và 3 học trò bắt đầu từ mùa giải năm nay. Cụ thể là CLB Bamboo Airways Vĩnh Phúc. Tuy nhiên sau đó, các thành viên của Ngân hàng Công thương đã đổi ý, trả lại số tiền đã nhận cho FLC và tiếp tục gắn bó với đội chủ quản.

Án phạt VFV dành cho HLV Kim Huệ là… sai quy trình? - Ảnh 1.

HLV Kim Huệ.

Phía FLC sau đó đã có đơn khiếu nại lên VFV yêu cầu cấm HLV Kim Huệ và 3 VĐV Thu Hoài, Ninh Anh và Phương Anh tham gia các hoạt động bóng chuyền. Tuy nhiên do chưa có văn bản mang tính pháp lý nào được ký kết giữa các bên, VFV chỉ ra quyết định kỷ luật với hình thức cảnh cáo.

HLV Kim Huệ đã nhiều lần phản ứng với văn bản kỷ luật của VFV. Thậm chí, hoa khôi một thời của bóng chuyền Việt Nam tiếp tục đề nghị VFV rút lại án phạt nếu không sẽ mời luật sư vào cuộc. Theo HLV trưởng của Ngân hàng Công thương, các học trò của cô đều còn rất trẻ, không thể bị án phạt của VFV làm ảnh hưởng đến tâm lý thi đấu và xa hơn là tương lai về sau. Do vậy, HLV Kim Huệ nhất định muốn đi đến cùng sự việc, qua đó có thể đòi lại danh dự cho cá nhân mình lẫn 3 học trò.

Thậm chí, ngày 27/4 vừa qua, HLV Kim Huệ đã công bố 2 lá đơn khiếu nại gửi lên Tổng cục TDTT và Bộ Văn hóa – Thể thao & Du Lịch, về việc cô cùng 3 VĐV Thu Hoài, Phương Anh và Ninh Anh nhận án kỷ luật "cảnh cáo" rất vô lý từ VFV. Cựu đội trưởng ĐT bóng chuyền nữ Việt Nam khẳng định, cô và các học trò sẽ theo tới cùng để quyết đòi lại danh dự, uy tín.

Trong khi đó, trả lời báo chí, Chủ tịch VFV, ông Lê Văn Thành cho biết Liên đoàn có đủ cơ sở pháp lý để ra quyết định kỷ luật cảnh cáo HLV Kim Huệ và 3 VĐV Nguyễn Thu Hoài, Nguyễn Thị Ninh Anh, Hoàng Thị Phương Anh.

Người đứng đầu VFV đã nhấn mạnh: "Nếu nghiêm túc và đứng đắn thì không bao giờ Kim Huệ và các VĐV đang làm việc, thi đấu cho CLB này lại đi nhận hàng chục tỷ đồng của CLB khác". Theo ông Thành, khi còn chưa thanh lý hợp đồng với CLB cũ (CLB Ngân hàng Công Thương), Kim Huệ và 3 học trò đã nhận tới gần 10 tỷ đồng từ một đội bóng khác để thỏa thuận chuyển tới khoác áo đội bóng này. Dù chỉ là thỏa thuận nhưng điều này là khó chấp nhận. Nếu Kim Huệ và các VĐV trên chỉ nhận khoảng 100 triệu đồng thì mọi chuyện đã khác.

"VFV đủ căn cứ kỷ luật răn đe Kim Huệ và các VĐV để không làm ảnh hưởng đến bóng chuyền Việt Nam. Đang thi đấu cho CLB này lại đi nhận tiền của CLB khác là vi phạm các quy định của bóng chuyền Việt Nam", ông Thành khẳng định.

Chuyên gia nhận định về vụ việc

Trước vụ việc rắc rối này, từng là người có nhiều năm quản lý, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh - Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, Tổng cục TDTT, cho rằng án phạt kỷ luật của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam với HLV Kim Huệ là quá vội vã, dẫn đến sai quy trình.

"HLV Kim Huệ có giao dịch với phía đội bóng Vĩnh Phúc, nhưng chưa ký bằng văn bản. Tôi không rõ người trong cuộc đã thỏa thuận thế nào, nhưng có thể phía đội bóng đã có thiện chí, muốn lôi kéo HLV Kim Huệ và 3 VĐV của Ngân hàng Công thương", ông Nguyễn Hồng Minh đặt vấn đề.

Điều đáng nói là HLV Phạm Thị Kim Huệ cùng 3 học trò mới chỉ đạt thỏa thuận với đội bóng Vĩnh Phúc chứ chưa ký hợp đồng. Sau đó vì nhiều lý do khác nhau, tất cả đều quyết định vẫn ở lại CLB bóng chuyền Ngân hàng Công thương.

Trước khi vòng 1 giải bóng chuyền VĐQG 2021 khởi tranh, lãnh đạo đội bóng chuyền Vĩnh Phúc có gửi công văn tới Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đề nghị không cho đăng ký Kim Huệ và 3 VĐV kể trên tham gia thi đấu các giải đấu trong thời gian tới do làm "tổn hại tới uy tín của hãng, thương hiệu đã bị các VĐV lợi dụng hoạt động thể thao để xâm phạm nghiêm trọng các quyền và lợi ích hợp pháp".

Án phạt được VFV đưa ra, tạo nên sự phản ứng gay gắt từ HLV Kim Huệ, các học trò cũng như dư luận. Ông Nguyễn Hồng Minh cho rằng án kỷ luật của VFV đã chưa được xem xét thấu đáo. "Tôi cho rằng việc Liên đoàn ra án kỷ luật như thế là vội vàng, chưa có căn cứ pháp lý.

Vì sao Liên đoàn không làm việc với các bên để hiểu rõ vụ việc, đó là chưa kể án phạt được đưa ra vào thời điểm các HLV và VĐV đang thi đấu, gây ảnh tới tâm lý của họ", ông Hồng Minh, người từng nhiều lần làm Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tham dự các sự kiện thể thao lớn của thế giới, châu lục, và khu vực, nói.

"HLV Kim Huệ và các VĐV chưa được CLB Ngân hàng Công thương cho đi. Như vậy, Kim Huệ và 3 VĐV cũng vì lý do bất khả kháng mới phải thay đổi quyết định không đầu quân cho đội bóng trên. Chủ tịch Liên đoàn bóng chuyền ra án kỷ luật thì phải mời HLV và các VĐV làm việc, không thể đơn phương ra quyết định như vậy được.

Đây là án phạt không có tình, không có lý. Thậm chí nếu tìm hiểu kỹ, thì án kỷ luật của Liên đoàn còn không đúng về pháp lý", chuyên gia Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao bày tỏ.

Theo ông Nguyễn Hồng Minh, vấn đề ở đây không phải là ai thắng, ai thua, nhưng qua vụ việc lần này Liên đoàn đã đánh mất niềm tin với các HLV, VĐV, đặc biệt là những người có nhiều năm cống hiến cho ngành thể thao.

"Tôi đọc rất kỹ điều lệ ở các Liên đoàn, bao giờ cũng phải có một hội đồng xem xét trước khi ra án kỷ luật. Đằng này Liên đoàn mới nghe một chiều, đã ra án phạt ngay. Quy trình xử phạt của Liên đoàn không chuẩn.

Ai cũng biết HLV Kim Huệ là một nhân vật lớn của bóng chuyền Việt Nam, từng cống hiến lâu năm cho đội tuyển. Cô ấy đã phấn đấu cả đời cho sự nghiệp bóng chuyền. Vậy mà án phạt đưa ra lại không có sự cân nhắc về tình, về lý. Đây là một bài học.

Liệu các HLV, VĐV họ sẽ nghĩ gì về thái độ của Liên đoàn sau án phạt vừa qua? Có rất nhiều HLV, VĐV muốn được cống hiến, nhưng sau vụ việc này họ sẽ phải suy nghĩ", ông Nguyễn Hồng Minh chốt lại.

HLV Kim Huệ phân trần

Trong chia sẻ mới đây với báo chí, HLV Kim Huệ đã tiết lộ những chi tiết trong vụ đàm phán với FLC và lý do vì sao thương vụ đổ bể cùng những bức xúc của mình đối với án phạt không theo một quy định cụ thể nào của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV).

"Ngày 9/3 chúng tôi làm việc với Vĩnh Phúc. Thực sự khi đó chúng tôi muốn đi. Ninh Anh, Phương Anh, Nguyễn Thu Hoài. Theo yêu cầu của họ, chúng tôi có viết đơn đề nghị với Tổng giám đốc Bamboo Airways xin được sang làm HLV. Theo thoả thuận hợp đồng của chúng tôi có thời hạn 3 năm, tôi được 4 tỷ, Thu Hoài được 3 tỷ còn Ninh Anh và Phương Anh được 2 tỷ. Ngày 11/3 chúng tôi viết đơn gửi đơn gửi Ngân hàng Công thương xin nghỉ. Ngày 15/3 Vĩnh Phúc chuyển tiền, tôi được tạm ứng 2 tỷ, còn 3 VĐV được nhận đủ.

Sau khi CLB Ngân hàng Công thương nhận đơn, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam gọi cho tôi báo đã nhận được danh sách gửi đăng ký từ ngày 9/3 thi đấu cho họ. Chúng tôi cảm thấy chờ hoàn tất thủ tục đơn ít nhất 30-45 ngày nên không đảm bảo thi đấu cho Vĩnh Phúc. Do đó ngày 22/3, chúng tôi nói chuyện lại với Vĩnh Phúc để họ tiếp nhận thông tin. Họ làm rùm beng lên và làm văn bản yêu cầu chúng tôi ký. Sau đó họ mời làm việc và không chấp nhận huỷ đơn phương. Tuy nhiên thực tế chúng tôi chưa hề có hợp đồng.

Khi làm việc chúng tôi cũng khẳng định cần chấm dứt hợp đồng với Ngân hàng Công thương mới có thể sang ký hợp đồng với Vĩnh Phúc. Phía nhà tài trợ Vĩnh Phúc yêu cầu hoàn trả tiền, đồng thời yêu cầu chúng tôi bồi thường gấp 3 số tiền đã nhận. Chúng tôi đã làm đơn đầy đủ theo yêu cầu của họ và ngày 25/3 đã hoàn trả. Nhưng họ không đồng ý và gửi đơn lên Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam. Khi họ chuyển tiền, họ cũng ghi nội dung để hỗ trợ thanh lý hợp đồng, chúng tôi không thanh lý được nên đã hoàn trả chứ không có chuyện chúng tôi lừa đảo", HLV Kim Huệ cho hay.

Được biết, sau khi HLV Kim Huệ và 3 học trò gồm Thu Hoài, Ninh Anh, Phương Anh "hủy kèo" gia nhập CLB Bamboo Airways Vĩnh Phúc, phía FLC đã gửi công văn tới Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đề nghị không cho đăng ký Kim Huệ và 3 VĐV kể trên tham gia thi đấu các giải đấu trong thời gian tới do làm "tổn hại tới uy tín của Hãng hàng không Bamboo Airways". Hãng cho biết: "Thương hiệu đã bị các VĐV lợi dụng hoạt động thể thao để xâm phạm nghiêm trọng các quyền và lợi ích hợp pháp".

Trong cuộc gặp gỡ ngày 24/4 sau khi kết thúc vòng 1 giải bóng chuyền VĐQG Cúp Bamboo Airways năm 2021 vừa qua, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) vẫn giữ quan điểm cứng rắn về việc đưa ra án phạt cảnh cáo mặc dù phía FLC vẫn chưa thỏa mãn về quyết định đó đối với HLV Kim Huệ và 3 VĐV Nguyễn Thu Hoài, Hoàng Thị Phương Anh và Nguyễn Thị Ninh Anh.

No comments

Powered by Blogger.