Vì sao Hà Nội FC của bầu Hiển không được mến mộ như HAGL?
Mùa giải năm ngoái, sân vận động Hàng Đẫy xuất hiện dòng chữ “Cúp trong lòng người hâm mộ là chiếc cúp quan trọng nhất”. Câu slogan của CLB Hà Nội như thể minh chứng hùng hồn cho sự khẳng định của lãnh đạo đội bóng này trong việc xây dựng hình ảnh đẹp trong lòng khán giả.
Thậm chí bầu Hiển cũng không ngại ngần nói về việc vô địch trong lòng người hâm mộ mới là điều quan trọng khi Hà Nội FC bị Viettel “phế ngôi” ở V-League 2020.
Kể từ khi thành lập cho tới nay, 15 năm qua là quãng thời gian mà CLB Hà Nội khẳng định vị thế của một ông lớn trên bản đồ bóng đá Việt Nam. Những danh hiệu cao nhất của bóng đá quốc nội như V.League, Cúp Quốc gia, Siêu Cúp Quốc gia đến với đội chủ sân Hàng Đẫy như một quy luật tất yếu.
Thế nhưng điểm đen trong những chuỗi danh hiệu ấy lại là vô vàn những xù xì và gai góc đáng quên bởi scandal rất khó phai nhạt trong mắt người hâm mộ.
Thời điểm năm 2008, làng bóng đá Việt Nam xôn xao trước trước thông tin 5 cầu thủ thuộc biên chế T&T Hà Nội bị công “sờ gáy” trong khi đang có mặt tại một “động lắc” trên địa bàn quận 7 TP.HCM. Những cái tên được nhắc tới bao gồm Lê Hoàng Anh Thi, Lê Sỹ Mạnh, Nguyễn Trọng Minh, Trần Quốc Tuấn và Nguyễn Xuân Tú.
Cách đây chưa lâu, thêm một ngôi sao của Hà Nội FC trở thành tâm điểm của giới truyền thông vì những lùm xùm đời tư. Tiền vệ Nguyễn Quang Hải bị hack Facebook cá nhân để rồi hàng loạt những tin nhắn riêng tư bị pubic khiến cộng đồng mạng và NHM chỉ còn biết lắc đầu ngao ngán và bàn tán trong một thời gian dài.
Không chỉ có vậy, Hà Nội FC còn bị không ít NHM đánh giá là một trong những đội bóng có lối chơi xấu xí ở V-League. Tất nhiên câu chuyện xấu xí ở đây không phải là chuyện lối chơi, mà đó là những tình huống đá xấu đối thủ của các cầu thủ Hà Nội.
Samson, Văn Quyết sau đó trở thành đề tài tranh luận về việc đá đẹp, đá xấu đối với đồng nghiệp bên kia chiến tuyến của mình. Cả hai cái tên kỳ cựu của Hà Nội FC đều ít nhiều được nhắc tới như là những cầu thủ sở hữu bản thành tích không mấy sáng sủa về việc chơi xấu đối thủ và nhận án phạt từ Ban kỷ luật của VFF.
Không chỉ các cầu thủ ở đội 1, những sao trẻ của Hà Nội FC cũng đã không ít lần bị nhắc tên vì các hành động bạo lực sân cỏ. Thời điểm U21 Quốc gia 2018 diễn ra, tiền vệ Thái Quý của U21 Hà Nội đã có pha đá thô bạo với một cầu thủ U21 Viettel.
Sự xấu xí ấy để lại hình ảnh tiêu cực đến nỗi chính HLV U21 Hà Nội – Phạm Minh Đức phải thốt lên rằng: "Đó là một pha bóng phi thể thao và tôi không bằng lòng".
Một năm sau đó, một cầu thủ khác của U17 Hà Nội là Đức Anh đã có hành vi đánh một cầu thủ Trung Quốc ở giải Evergrande Cup 2019. Đức Anh khi đó bị cấm đá hết giải và BTC cũng đã gửi thông báo về trường hợp của cầu thủ này đến Liên đoàn Bóng đá Việt Nam
Hiếm khi nào một cầu thủ trẻ của một CLB có hành vi chơi xấu ở nước ngoài lại bị BTC chỉ mặt điểm tên và báo cáo về VFF như thế.
Mặc dù liên tiếp để xảy ra những hình ảnh không đẹp trong thi đấu, thế nhưng như một lẽ thường đã thành quen, mọi chuyện vẫn cứ ngày qua ngày tiếp diễn.
Mới nhất, 3 cầu thủ của Hà Nội FC phải ngồi ngoài bất đắc dĩ dù rằng không mắc phải chấn thương gì. Văn Quyết, Việt Anh, Đức Huy bị treo giò ở V-League 2021 vì chơi xấu đối thủ.
Hai trận đấu với 3 cầu thủ không thể góp mặt do nhận thẻ phạt vì chơi xấu. Liệu rằng slogan "Cúp trong lòng người hâm mộ là chiếc cúp quan trọng nhất" có thực sự “nặng” như cái cách mà đội bóng này từng tuyên bố?
Nhìn từ Hà Nội FC ra toàn cõi V-League, người ta dễ dàng hướng những sự so sánh giữa đội bóng của bầu Hiển với HAGL. Trông đi trông lại để thấy, đội bóng phố Núi bất mặc phải chinh chiến để trụ hạng nhiều năm qua nhưng vẫn luôn nhận được sự mến yêu và nể phục của NHM.
Thành tích trồi sụt, những lời tuyên bố “đá cho vui” của bầu Đức hay đội chủ sân Pleiku “dành cả thanh xuân để trụ hạng” vẫn không khiến cho NHM quay lưng. Liệu có phải vì tình cảm mà NHM dành cho lứa Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh là quá lớn, hay chỉ đơn thuần thứ triết lý bóng đá "phải đẹp" mà bầu Đức xây dựng ở đội bóng này? Có lẽ là cả hai.
Nói HAGL đá đẹp tới mức hoàn mỹ thì cũng không phải. Tăng Tiến từng khiến cả V-League “rợn người” với pha vào bóng xấu xí với Duy Mạnh để rồi phải nhận án phạt nguội.
Thế nhưng cái cách mà bầu Đức sau đó xử lý cầu thủ của mình mới khiến khán giả nể phục. Không cần chờ quyết định của Ban kỷ luật VFF, ông “đá” Tăng Tiến khỏi đội hình cho đến hết lượt đi.
Đó không phải cách xử lý kiểu “ông bầu” quyền lực, mà đó như là thước răn, là tấm liếp cho những cầu thủ HAGL từ đội trẻ đến đội một nhìn vào. Bầu Đức mạnh tay với Tăng Tiến là để bài trừ thứ bóng đá xấu xí, triệt hạ đồng nghiệp.
Có chăng đó là lý do khiến cho NHM luôn dành cho đội bóng phố Núi một niềm cảm mến đặc biệt. Đành rằng HAGL chưa gặt hái được những danh hiệu cao quý, thế nhưng chừng ấy là không đủ để ngăn những người yêu mến bóng đá đẹp, yêu mến lối chơi cống hiến dành cho đội chủ sân Peliku những tình cảm nhiệt thành.
Bóng đá không chỉ là cuộc chơi của những danh hiệu, những thành tích, đó còn là sân khấu để khán giả, để NHM thưởng thức và tận hưởng những gì tinh túy nhất của môn thể thao được triệu triệu người mến yêu.
Danh hiệu có thể làm nên lịch sử vàng son của một đội bóng, nhưng niềm cảm mến của NHM mới là bức thạch tượng mãi mãi trường tồn.
Post a Comment