Tỷ phú Trịnh Văn Quyết, BTL Thông tin FLC và CLB nghèo nhất Việt Nam
"Sướng" như ở BTL Thông tin FLC
Trong làng bóng chuyền nữ Việt Nam nói riêng và bóng chuyền Việt Nam nói chung, CLB bóng chuyền BTL Thông tin chính là đội bóng giàu thành tích nhất. Theo thống kê, đội bóng thuộc ngành quân đội này đã tham gia thi đấu hơn 160 giải và giành 118 chức Vô địch. Từ năm 2004 tới nay, khi Giải Bóng chuyền các đội mạnh toàn quốc đổi tên thành Giải Vô địch Quốc gia, CLB đã giành được 11 chức vô địch. Năm 2015, họ giành Huy chương Đồng tại "Đại hội Thể thao quân sự thế giới" lần thứ 15 được tổ chức tại Hàn Quốc. Đây là tấm Huy chương tập thể đầu tiên của Đoàn thể thao Quân đội qua 4 lần tham gia Đại hội trên quy mô quốc tế.
Có bảng thành tích ấn tượng kể trên là nhờ CLB BTL Thông tin luôn sở hữu trong đội hình những cá nhân xuất sắc. Có thời điểm, họ còn là nòng cốt của ĐT bóng chuyền nữ Việt Nam. Ngoài ra, công tác đào tạo bài bản, thường xuyên tạo ra những lớp kế cận chất lượng cũng giúp đội bóng ngành quân đội này có sự ổn định xuyên suốt, không phụ thuộc quá nhiều vào chuyển nhượng. Hơn hết, đó là mức thu nhập hậu hĩnh, giúp các VĐV luôn yên tâm thi đấu, cống hiến và ít khi có tâm lý chán nản, muốn buông xuôi để tìm bến đỗ khác.
Theo tiết lộ, BTL Thông tin chính là CLB có mức lương trung bình dành cho các VĐV cao nhất trong làng bóng chuyền nữ Việt Nam, đồng thời cũng xếp đầu trong làng bóng chuyền xứ sở hình chữ "S" nói chung. Cụ thể, mỗi VĐV đội 1 tại CLB này sẽ nhận 2 lương, bao gồm lương quân hàm quân đội và lương nhà tài trợ. Lương quân hàm quân đội sẽ theo bậc lương của nhà nước. Lương nhà tài trợ sẽ được chia theo mức độ đóng góp của cầu thủ trong CLB (chia nhiều mức như mức 1,2,3). Lương đội trẻ các tuyến dưới chỉ có lương của nhà tài trợ và cũng được chia làm nhiều mức.
Ví dụ, VĐV Bùi Thị Ngà với quân hàm trung úy có thể nhận mức lương lên đến trên 35 triệu/tháng (7 triệu lương quân hàm và khoảng 25 triệu lương nhà tài trợ cùng các phúc lợi khác) và dĩ nhiên là chưa tính thưởng. Các VĐV trẻ hơn như Lâm Oanh có thể nhận mức lương 25 triệu hay thấp nhất như các VĐV mới lên đội 1 như Nguyễn Phương cũng ở mức 20 triệu. Tuyến 2 như các VĐV tham gia giải trẻ có thể nhận ở các mức 4-5 triệu tùy VĐV. Chưa kể, các VĐV ở BTL Thông Tin còn sẽ không mất tiền ăn, ở, học tập…, nói chung là điều kiện số 1 ở Việt Nam.
Hồi đầu năm nay, nhà tài trợ Liên Việt Postbank đã nói lời chia tay CLB BTL Thông tin, nhưng ngay sau đó, Tập đoàn FLC của tỷ phú Trịnh Văn Quyết đã lập tức thế chỗ. Theo đó, hợp đồng tài trợ giữa Tập đoàn FLC và CLB BLT Thông tin sẽ kéo dài trong 5 năm kể từ năm 2021, giá trị lên tới 100 tỷ đồng, tức 20 tỷ đồng/năm. Đáng chú ý, trong 20 tỷ đồng/năm, có 15 tỷ đồng tiền mặt và 5 tỷ đồng hiện vật.
Toàn bộ số tiền tài trợ sẽ được sử dụng để hỗ trợ CLB BTL Thông tin làm công tác đào tạo trẻ, nâng cấp cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ việc sinh hoạt và tập luyện của đội bóng, trả lương cho HLV, VĐV. Ở chiều ngược lại, Tập đoàn FLC sẽ được quảng bá hình ảnh thông qua đội bóng chuyền giàu thành tích nhất Việt Nam. Với gói tài trợ này, CLB BTL Thông tin cũng sẽ chính thức đổi thên thành CLB bóng chuyền nữ Bộ Tư Lệnh Thông Tin – FLC.
So với gói tài trợ của Liên Việt Postbank trước đó, gói tài trợ của Tập đoàn FLC lớn hơn nhiều. Vì thế, chắc chắn mức thu nhập của các VĐV trong mùa giải 2021 cũng như những năm tới sẽ tăng hơn nữa. Thế mới có chuyện, trong khi một vài CLB bóng chuyền hàng đầu của Việt Nam như Ngân hàng Công thương, Truyền hình Vĩnh Long… "tan đàn, xẻ nghé" ngay trước thềm mùa giải mới vì mức thu nhập của các VĐV không ổn định, thì ở Bộ Tư Lệnh Thông Tin – FLC, chẳng có ngôi sao nào muốn ra đi cả.
"Nghèo" như tại CLB bóng chuyền nam Hà Nội
Nhìn sang các đồng nghiệp nữ ở Bộ Tư Lệnh Thông Tin – FLC, có lẽ các VĐV của CLB bóng chuyền nam Hà Nội có lý do để chạnh lòng. Theo chia sẻ mới đây từ HLV Bùi Đình Lợi, CLB bóng chuyền nam Hà Nội thuộc nhóm nghèo nhất giải VĐQG do các VĐV chỉ nhận lương từ ngân sách của ngành thể thao Hà Nội, chứ không có nhà tài trợ nào chung tay cả.
"Nói thật, hiện CLB bóng chuyền nam Hà Nội không có nhà tài trợ nào và tiền đầu tư hoàn toàn từ ngân sách của ngành thể thao Hà Nội dành cho đội bóng. Nhìn ở mặt bằng chung các đội thi đấu giải vô địch quốc gia 2021, chúng tôi là một trong những đội nghèo nhất", HLV Bùi Đình Lợi chia sẻ.
Theo quy định của nhà nước, mỗi VĐV trong đội hình 1 của CLB bóng chuyền nam Hà Nội sẽ chỉ nhận được 220 nghìn đồng/người/ngày về tiền ăn và 180 nghìn đồng/người/ngày về tiền công. Tính ra, mỗi VĐV chỉ được nhận khoản tiền lương rơi vào khoảng 5 triệu đồng/tháng. Muốn có thu nhập cao hơn, các CLB cần phải vận động thêm được nguồn tài trợ.
"Đó là tất cả tiền lương mà cầu thủ của chúng tôi có được. Biết là khó khăn nhưng do không có nguồn tài trợ nên ban huấn luyện cũng lực bất tòng tâm", HLV Bùi Đình Lợi nói thêm.
Rõ ràng, khó khăn về tài chính có thể ảnh hưởng lớn đến thành tích thi đấu của đội. Mùa trước, CLB bóng chuyền nam Hà Nội chỉ trụ hạng thành công ở phút cuối.
"Nếu có nguồn tài trợ, đội bóng của chúng tôi có thể thuê mượn một, hai vị trí và chắc chắn khả năng tranh chấp huy chương là có. Nhưng không có nguồn lực tài chính, đội phải trụ hạng để tồn tại trước đã", vị HLV của đội Hà Nội chốt lại.
Post a Comment