“Siêu cò” Nguyễn Minh Châu: “Cầu thủ gãy chân, nhồi máu cơ tim… đều đến tay tôi”
Hành nghề từ năm 2006, cùng thời với "siêu cò" Trần Tiến Đại, Mae Mua – người đang làm Giám đốc điều hành CLB TP.HCM, "siêu cò" Nguyễn Minh Châu cũng có ảnh hưởng rất lớn tới "thị trường cầu thủ" Việt Nam, đặc biệt là các ngoại binh. Để hiểu thêm về nghề môi giới cầu thủ chuyên nghiệp, Dân Việt đã có cuộc phỏng vấn anh Nguyễn Minh Châu…
"Siêu cò" và cơ duyên đến với nghề
- Anh có thể chia sẻ về cơ duyên đưa mình đến với nghề môi giới cầu thủ?
Những cầu thủ đầu tiên tôi đưa về Việt Nam là ngoại binh người Uganda Issac, Martin, sau này nhập tịch Việt Nam với tên gọi Phan Lê Issac, Trần Lê Martin.
Cơ duyên cũng tình cờ thôi, thời điểm bóng đá Việt Nam mới bắt đầu tiến lên chuyên nghiệp cách đây khoảng 15 năm, tôi mở Công ty du lịch ngắn ngày ở TP.HCM, đặt văn phòng ở Phạm Ngũ Lão, Đề Thám Quận 1 - điểm nóng thu hút du khách quốc tế.
Các cầu thủ nước ngoài đến chơi, nhờ tôi đặt vé máy bay, làm visa, soạn thảo hợp đồng. Rồi họ thuê tôi tới CLB xem lại hợp đồng bằng tiếng Anh và tiếng Việt có khớp không, mỗi hợp đồng như vậy, họ trả tôi 500 nghìn đồng.
Lâu dần thân quen, tin cậy tôi, các ngoại binh hỏi tôi có thể là "người đại diện" cho họ không? Tôi nhận lời và bắt đầu nghiên cứu mọi quy trình để có thể làm tốt công việc.
Ban đầu tôi cũng chưa hiểu rõ về Giấy phép hành nghề môi giới cầu thủ của FIFA. Tôi chỉ thực hiện theo Luật dân sự Việt Nam. Tôi và cầu thủ đến phòng công chứng nhà nước, trước mặt công chứng viên, cầu thủ đồng ý ký kết hợp đồng ủy quyền cho tôi nhân danh họ được ra các quyết định với bên thứ 3 (CLB bóng đá muốn thuê họ).
Tôi đã làm việc với bầu Kiên (Hà Nội ACB), bầu Long (Hòa Phát Hà Nội), bầu Trường (V.Ninh Bình)… Thời gian qua đi, có nhiều ngoại binh V.League từng tin tưởng tôi trong vai trò "đơn vị trung gian" như Philani, Abass, Maxwell (nhập tịch với tên gọi Đinh Hoàng Max), Patiyo, Moses, Oseni… Gần nhất là trường hợp ngoại binh người Bờ Biển Ngà Konan Oussou đang thi đấu ấn tượng trong màu áo Nam Định tại V.League 2021.
Để được FIFA, VFF công nhận là người môi giới cầu thủ chuyên nghiệp, anh cần có những giấy tờ gì?
Cũng như người môi giới cầu thủ trên toàn cầu, tôi phải tuân thủ quy định mà FIFA đưa ra để được VFF xem xét công nhận tư cách "người đại diện" hay còn gọi là "đơn vị trung gian" giữa cầu thủ và bên thứ 3 (CLB). Trước đây, FIFA yêu cầu phải thi đạt mới cấp chứng chỉ hành nghề như cấp bằng đối với HLV chuyên nghiệp. Sau này, có một số trường hợp như siêu sao Messi, Neymar, Hazard… chọn cha làm người đại diện cho mình. Một số khác để vợ, anh em ruột làm người đại diện, giống như một Công ty gia đình.
FIFA thấy những bất cập nên đã giao việc công nhận "người đại diện" cho Liên đoàn bóng đá quốc gia quản lý từ năm 2016.
Người đại diện cầu thủ phải hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu liên đoàn bóng đá quốc gia. Thứ 1, phải có lý lịch tư pháp chứng minh không vi phạm pháp luật. Thứ 2 là giấy khám sức khỏe. Thứ 3 là có hợp đồng với cầu thủ (với cầu thủ nước ngoài thì hợp đồng bằng 2 thứ tiếng), nêu rõ mọi điều khoản, thời gian hợp đồng, mức thù lao là 3% tổng giá trị hợp đồng theo quy định FIFA. Hợp đồng được hai bên tự nguyện ký.
Thứ 4 là giấy xác nhận kinh nghiệm làm việc. Từ năm 2016 đến nay, khi tôi làm đại diện cho bất kỳ cầu thủ nào đều gửi đầy đủ hồ sơ, giấy tờ đến Phòng pháp lý và tư cách cầu thủ VFF. VFF sẽ ra văn bản thông báo tôi với tư cách đơn vị trung gian cho cầu thủ nào, sinh năm bao nhiêu, quốc tịch, số hộ chiếu… và tôi phải tuân thủ mọi quy định của "đơn vị trung gian".
Những góc khuất trong nghề
Nhiều người nói "cò cầu thủ" là nghề siêu lợi nhuận, anh suy nghĩ thế nào?
Khi cầu thủ ký kết hợp đồng thành công với một đội bóng, họ có "phần thưởng" cho tôi, đó là khoản riêng, CLB cũng không cần quan tâm.
Về cơ bản, tôi được 3% tổng giá trị hợp đồng như tôi nói ở trên. Ví dụ, cầu thủ nhận tổng số 600 triệu đồng, tôi được khoảng hơn 20 triệu đồng.
Điều làm tôi vui nhất là tìm kiếm, giúp một cầu thủ nào đó có được một bến đỗ phù hợp, họ có thu nhập tốt, được thể hiện tài năng bóng đá đóng góp cho đội bóng.
Konan Oussou là một cầu thủ như vậy. Cậu ta đã đóng góp 6 bàn cho Nam Định sau 10 vòng đấu V.League 2021 – một bước "khởi động" rất phấn khởi cho cả Konan và cho tôi.
Tôi đã nói với HLV Nguyễn Văn Sỹ, tới cuối mùa giải, kiểu gì Konan cũng ghi được hơn 10 bàn thắng.
Cậu ta rất phù hợp với đội bóng và cũng rất yêu quê hương Nam Định. Konan nói với tôi, cậu ta đi đá bóng từ năm 17 tuổi ở Tunisia, 15 năm trôi qua, cậu ta nay 32 tuổi và đã đến nhiều nước trên thế giới. Nhưng Konan chưa thấy ở đâu có những CĐV cuồng nhiệt như Nam Định. Điều quan trọng, họ xem Konan như người con, người cháu trong gia đình. Có buổi cậu ta đi tập muộn, còn được người dân lấy xe máy chở đi cho kịp.
Konan nói nếu có thể, cậu ta gắn bó hết những năm tháng còn lại trong sự nghiệp cầu thủ với Nam Định, nếu đội bóng cần cậu ta.
Konan là một kỷ niệm vui, trên thực tế, tôi phải đối mặt với nhiều chuyện rất mệt mỏi phía hậu trường.
Anh có thể chia sẻ chi tiết sự "mệt mỏi" ấy?
Điển hình nhất là trường hợp của chân sút ngoại người Nigeria Timothy. Năm 2014, khi Timothy đang đá cho HAGL, bầu Đệ muốn đưa Timothy về Thanh Hóa thi đấu V.League 2015.
Tôi đã tới Pleiku đàm phán đưa Timothy về, ký hợp đồng 120 nghìn USD, lương 12 nghìn USD/tháng – cái giá có thể nói là "điên khùng" lúc ấy. Vớ được bản hợp đồng béo bở, bầu Đệ cho Timothy ứng trước 20 nghìn USD về Nigeria. Timothy nói với tôi là sẽ giới thiệu cho tôi một tuyển thủ Nigeria là bạn thân cậu ấy và tôi cần đưa 40 nghìn USD cho Timothy để "lo lót" mọi chuyện ở quê nhà.
Tôi đồng ý bởi bỏ ra 40 nghìn USD, về Việt Nam bán được gấp đôi. Tôi tin Timothy vì cậu ta còn hợp đồng hơn 100 nghìn USD ở Thanh Hóa, mình coi như "nắm đằng chuôi" còn gì.
Timothy trở lại Việt Nam, bảo tôi mọi việc xong hết rồi, và tuyển thủ Nigeria sẽ sớm sang. Nhưng sau đó Thanh Hóa bổ nhiệm HLV Vũ Quang Bảo, Timothy mâu thuẫn với ông Bảo sau mấy trận tập huấn và bị đề xuất thanh lý.
Thanh Hóa chấp nhận mất 20 nghìn cho ứng trước. Tôi biết Timothy cũng không có tiền, chẳng lỡ đòi, cậu ta cũng có yếu tố nước ngoài nên cũng phức tạp. Chỉ nói Timothy về rồi nhớ bảo bạn sang giúp, tôi sẽ tìm CLB mới cho cậu ta. Vậy rồi Timothy về… luôn, tôi mất trắng 40 nghìn USD.
Với ngoại binh, tôi còn nhiều kỷ niệm lắm, buồn nhiều hơn vui!
Như trường hợp của Phan Lê Issac, tôi đã giúp cậu ta mọi thủ tục về nước, tập trung chữa bệnh suy thận giai đoạn cuối.
Trước nữa, ở trận chung kết Cúp QG 2015, Abass bị gãy chân trong trận đấu với Hà Nội T&T (Hà Nội FC hiện nay), tôi phải cầm ngay ô tô của mình trong đêm lấy tiền mổ cho cậu ta.
Hay chuyện ngoại binh Kisekka thời chơi cho Đồng Nai giai đoạn 2015-2016, nửa đêm đi ăn nhậu thế nào bị nhồi máu cơ tim. Nhà tôi khi đó ở Bình Dương, 2 giờ sáng tôi phải đi TP.HCM đưa cậu ta vào bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu.
Nhiều, còn nhiều trường hợp cầu thủ đi chơi đêm, quậy phá bị công an phường bắt, tôi phải tới bảo lãnh, đóng tiền phạt đủ thứ…
Như vậy thì "cò" cũng nhọc nhằn lắm chứ không "kiếm ăn" đơn giản như nhiều người nghĩ?
Một số anh em mới làm vẫn bị dị ứng khi bị gọi là "cò". Tôi làm nghề lâu rồi, có 3 bằng đại học nhưng ai gọi tôi là gì cũng được. Tôi quan niệm miễn sao mình àm việc hợp pháp, kiếm được tiền nuôi gia đình mình là được rồi.
Nghề môi giới cầu thủ hay bất kỳ nghề gì cũng vậy, nếu không có tâm, chỉ nghĩ tới tiền sẽ không bền được đâu!
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này! Chúc anh tìm kiếm được thêm nhiều ngoại binh chất lượng, đóng góp vào sự phát triển chung của bóng đá Việt Nam.
"Siêu cò" Nguyễn Minh Châu: "Bài học cay đắng nhất trong nghề môi giới cầu thủ của tôi đến lúc này chính là pha "lật kèo" của ngoại binh Nsi trước thềm V.League 2018.
Thời điểm đó, tôi là người đại diện của Nsi, cậu ta đã chấp nhận gia hạn hợp đồng ở lại đội bóng Tây Đô. XSKT.Cần Thơ chấp nhận đáp ứng mọi yêu cầu về lương, lót tay...
Tôi đã tạm ứng cho Nsi một số tiền mang về Cameroon cho gia đình. Nhưng khi mùa giải 2018 chuẩn bị khởi tranh, Nsi trở lại Việt Nam và "lật kèo" muốn về khoác áo Sài Gòn FC theo sự chèo kéo của lãnh đạo CLB.
Vụ việc này làm tôi mất tiền, mấy uy tín với Cần Thơ. Đội bóng bị đảo lộn kế hoạch nhân sự và rớt hạng sau khi V.League 2018 khép lại.
Rất may là tôi đủ bằng chứng, giấy tờ, trích xuất hình ảnh camera... để khởi kiện Nsi tới VFF. VFF phán quyết Cần Thơ và phía người đại diện thắng. Nsi bị cấm thi đấu và giã từ sự nghiệp luôn từ đó".
Post a Comment