Header Ads

Chủ tịch VFV “tố” HLV Kim Huệ “nhận tiền đặt cọc lớn” rồi đổi ý

Cách đây không lâu, HLV Kim Huệ và các học trò ở CLB Ngân hàng Công thương gồm Thu Hoài, Ninh Anh và Phương Anh đã bị Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) đưa ra văn bản kỷ luật với hình thức cảnh cáo do có "hành vi làm ảnh hưởng đến các hoạt động của bóng chuyền Việt Nam".

Chủ tịch VFV “tố” HLV Kim Huệ “nhận tiền đặt cọc lớn” rồi đổi ý - Ảnh 1.

HLV Kim Huệ.

Nguồn cơn sự việc đến từ thỏa thuận gia nhập Bộ Tư lệnh Thông tin - FLC của HLV Kim Huệ và 3 học trò bắt đầu từ mùa giải năm nay. Tuy nhiên sau đó, các thành viên của Ngân hàng Công thương đã đổi ý, trả lại số tiền đã nhận cho FLC và tiếp tục gắn bó với đội chủ quản.

Phía Bộ Tư lệnh Thông tin - FLC sau đó đã có đơn khiếu nại lên VFV đòi cấm HLV Kim Huệ và 3 VĐV Thu Hoài, Ninh Anh và Phương Anh tham gia các hoạt động bóng chuyền. Tuy nhiên do chưa có văn bản mang tính pháp lý nào được ký kết giữa các bên, VFV chỉ ra quyết định kỷ luật với hình thức cảnh cáo.

HLV Kim Huệ đã nhiều lần phản ứng với văn bản kỷ luật của VFV. Thậm chí, hoa khôi một thời của bóng chuyền Việt Nam tiếp tục đề nghị VFV rút lại án phạt nếu không sẽ mời luật sư vào cuộc.

"Chúng tôi đang chờ Tổng cục TDTT làm việc với Liên đoàn bóng chuyền. Tôi đã gửi thư ngỏ đến ông Trần Đức Phấn. Nếu không rút lại án phạt, tôi sẽ làm việc với luật sư, tiếp tục kiện.", HLV Kim Huệ cho hay.

Theo HLV trưởng của Ngân hàng Công thương, các học trò của cô đều còn rất trẻ, không thể bị án phạt của VFV làm ảnh hưởng đến tâm lý thi đấu và xa hơn là tương lai về sau. Do vậy, HLV Kim Huệ nhất định muốn đi đến cùng sự việc, qua đó có thể đòi lại danh dự cho cá nhân mình lẫn 3 học trò.

Trước thái độ cứng rắn của HLV Kim Huệ và cả những lùm xùm xung quanh vụ việc, mới đây Chủ tịch Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFF) Lê Văn Thành đã phải lên tiếng. Chia sẻ với báo chí, ông Lê Văn Thành khẳng định, án phạt dành cho HLV Kim Huệ là chính xác do cô đã có những hành vi chuyển nhượng không minh bạch.

"Chúng tôi phạt Kim Huệ để giữ gìn kỷ cương, tránh làm rối loạn bóng chuyền Việt Nam. Ngày 22/4, chúng tôi sẽ mời cô ấy cùng ba VĐV bị phạt lên làm việc thêm", Chủ tịch VFV Lê Văn Thành chia sẻ với VnExpress. "Kim Huệ chưa nghỉ ở đơn vị cũ nhưng đã nhận lời sang đội bóng mới. Cô ấy đã nhận tiền đặt cọc lớn, sau đó lại đổi ý, trả lại tiền để không đi nữa. Phía Vĩnh Phúc đã kiến nghị lên VFV, đòi treo quyền chỉ đạo nhưng chúng tôi chỉ phạt cảnh cáo. Nếu ai cũng làm như Kim Huệ thì bóng chuyền Việt Nam sẽ loạn".

Theo tìm hiểu, sau khi đầu tư vào CLB Vĩnh Phúc, tập đoàn FLC quyết định mời Kim Huệ cùng ba học trò của cô về đầu quân với bản hợp đồng tiền tỷ, lớn nhất lịch sử bóng chuyền Việt Nam. Tuy nhiên, thương vụ bị "lật kèo" phút cuối khiến họ vỡ kế hoạch, nên quyết định kiện lên VFV.

Khi còn thi đấu, Kim Huệ từng giữ kỷ lục 17 năm liên tiếp dự giải vô địch quốc gia với chín lần lên ngôi trong màu áo Thông tin LienVietPostBank và Ngân hàng Công thương. Cô cũng giữ kỷ lục 7 lần giành HCB SEA Games cùng ĐT bóng chuyền nữ Việt Nam.

Sau khi giải nghệ năm 2017, Kim Huệ làm trợ lý HLV ở Ngân hàng Công thương. Đầu tháng 2 năm nay, cô được đôn lên vai trò thuyền trưởng sau khi HLV Nguyễn Tuấn Kiệt từ chức để chuyển sang dẫn dắt Than Quảng Ninh. Cô ra mắt vai trò mới ngày 7/3, trong trận thua 2-3 khi giao hữu với Vĩnh Phúc. Sau trận, Kim Huệ nộp đơn thôi việc, đồng thời xin nghỉ phép trong khi chờ đợi lãnh đạo duyệt đơn.

Kim Huệ đạt thoả thuận sơ bộ với Vĩnh Phúc, được đội bóng này giới thiệu là HLV trưởng. Tuy nhiên, vào phút cuối cô quyết định ở lại Ngân hàng Công thương, trả lại tiền cọc cho Vĩnh Phúc.

No comments

Powered by Blogger.