Cao thủ duy nhất hạ gục Lý Tiểu Long sử dụng võ công của môn phái nào?
Cố huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long người Mỹ gốc Trung Quốc là cha đẻ môn võ Triệt Quyền Đạo, khi sinh thời ông cũng là diễn viên võ thuật nổi tiếng. Lý Tiểu Long được cho là chưa từng thua cả trong phim lẫn ngoài đời, tuy nhiên uy danh "bách chiến bách thắng" của ông không còn hoàn hảo, bởi trong bộ phim có cảnh Lý Tiểu Long để thua một đối thủ.
Với tính cách hiếu thắng, võ sư họ Lý không được lòng khá nhiều võ sư khác, ông bị thách đấu vào tháng 10/1964. David Chin, một người đam mê Vịnh Xuân quyền ghét thái độ của Lý Tiểu Long mời cao thủ Hoàng Trạch Dân (Wong Jackman) thách đấu với võ sư họ Lý.
Một tháng sau trận đấu diễn ra. Có rất nhiều lời đồn về trận đấu này, người thì cho rằng Lý Tiểu Long thắng, kẻ lại nói Hoàng Trạch Dân đã đánh bại đối thủ, Lý Tiểu Long từng tuyên bố ông đã "hạ đối thủ trong vài giây".
Trong một bộ phim về Lý Tiểu Long cho thấy chính Trạch Dân là người giành chiến thắng trước Lý Tiểu Long, nhưng là thắng nhờ đánh lén (lấy khúc gỗ đánh vào lưng). Thắng như vậy chẳng có gì vẻ vang, tuy nhiên hình ảnh Trạch Dân hùng dũng bước ra sau chiến thắng, còn Lý Tiểu Long nằm tại chỗ sau trận đấu, đã ăn sâu vào tâm trí nhiều người, họ mặc định võ sư họ Lý đã thua.
Hoàng Trạch Dân là một võ sư ở Trung Quốc, ông sinh ra ở Hong Kong (Trung Quốc) sau đó chuyển sang Mỹ sinh sống. Giống như nhiều võ sư thời bấy giờ, Hoàng Trạch Dân có võ đường tại Mỹ, ông có thể truyền dạy cho học viên nhiều chiêu thức của các môn phái như Thái Cực quyền, Võ thuật Trung Quốc, Hình ý quyền và Bắc Thiếu Lâm.
Theo trang Wiki Trung Quốc tiết lộ, trong trận đấu với Lý Tiểu Long, Hoàng Trạch Dân đã sử dụng võ công Hình ý quyền, môn võ có cái tên khá lạ lẫm. Về Hình ý quyền, có 3 phái võ cơ bản đó là Hình ý quyền (võ Thiếu Lâm), Hình ý quyền (Võ Đang) và Hình ý linh thú quyền là một loại quyền thuật phổ biến ở một số võ phái miền Nam Trung Quốc.
Trạch Dân là người tinh thông Hình ý quyền Thiếu Lâm, còn có tên khác là Lục hợp quyền, xuất xứ từ Thiếu Lâm Tung Sơn Hà Nam, có thế quyền nhanh gọn, gấp gáp, nghiêm ngặt, mạnh bạo.
Hình ý quyền còn bao hàm cả triết lý về giao đấu và nội dung kỹ thuật, chiến thuật phong phú. Chủ trương của môn phái nhấn mạnh dám đánh sẽ thắng, ý thức chiến đấu dũng cảm xông lên. Về thực chiến, người học Hình ý quyền chủ trương hành động mau lẹ đột ngột, tự làm chủ, khi giao đấu thừa cơ đối thủ không để ý mà tấn công. Về mặt kỹ thuật, Hình ý quyền đề xướng đánh gần, tấn công nhanh (khi đối thủ né thì tiến, khi tiến thì lại né).
Hình ý quyền chủ trương bảy ngọn quyền ở đầu, vai, khuỷu, tay, háng, gối, chân đều cùng dùng, gặp đâu cũng phát đòn "xa dùng tay, gần dùng khuỷu; xa nữa dùng chân, gần hơn dùng gối".
Yêu cầu kết hợp hư thực, biết mình biết người, thừa cơ mà làm, không nên câu nệ kỹ thuật thành chương pháp, làm thế nào để "quyền mà không có quyền, có ý mà không cố ý, không cố ý tức là ý thật" mới được coi là công phu thượng thừa.
Sử dụng thành thạo, kết hợp những kỹ năng vừa nhu vừa cương của Hình ý quyền một cách hợp lý có thể là yếu tố giúp Hoàng Trạch Dân phần nào có thể giao đấu sòng phẳng với Lý Tiểu Long. Nếu không có chi tiết dùng gậy gỗ đánh trộm vào lưng Lý Tiểu Long thì trận đấu võ của Trạch Dân đã trở nên nổi tiếng.
Post a Comment