Võ sĩ Nguyễn Trần Duy Nhất kiếm tiền từ đam mê như thế nào?
Cái tên Nguyễn Trần Duy Nhất với biệt danh "độc cô cầu bại muay Việt" gần như không ai tập võ mà không biết, khi anh đang sở hữu 7 danh hiệu vô địch thế giới. Là con nhà võ, ngay từ nhỏ, vì gia đình phải sống ở vùng sâu, vùng xa của Lâm Đồng, chàng võ sĩ điển trai này phải tập vô cùng vất vả trong hoàn cảnh thiếu trước hụt sau. Điều đó càng nung ý chí để anh trở thành một hình tượng võ thuật, đặc biệt là ở võ cổ truyền và với bộ môn muay Thái.
Sau những ngày thi đấu và những đợt tập huấn xa nhà cùng sự thành công của mình, Duy Nhất lại mong tìm cho mình những truyền nhân đích thực, qua đó có thể tiếp tục đóng góp cho nền thể thao nước nhà, cũng như không bị mất đi những kiến thức mà Nhất đã dày công gom góp từ khắp nơi. Từng nhìn cảnh vất vả của các lò võ ở địa phương hay khi nhìn cảnh cha mình, võ sư Nguyễn Trần Diệu, chưởng môn Tấn Gia Quyền, phải vừa dạy vừa làm thêm, trong đầu Nhất luôn suy nghĩ phải mở một võ đường thật khác biệt, với tiêu chí vừa có thể thỏa đam mê vừa có thể giúp bản thân có cuộc sống tốt hơn. Được thường xuyên đi tập huấn ở nước ngoài, cứ sau những giờ tập căng thẳng, chàng võ sĩ Lâm Đồng nhà ta lại lang thang đến các võ đường lớn, quan sát cách quản lý, điều hành và bố trí tập luyện, cũng như cách quảng bá sao cho hiệu quả để sau này mình "vừa có thực" mà "vừa vực được đạo".
Nguyễn Trần Duy Nhất (phải) trong buổi đấu tập tại võ đường.
Năm 2014, được sự giúp sức từ những người bạn, võ đường đầu tiên mang tên Number One - Tấn Gia Quyền đã ra đời tại quận 1. Với "thương hiệu" đã được cầu chứng Nguyễn Trần Duy Nhất, võ đường đầu tiên này thu hút lượng người tập khá ổn định và bắt đầu có được lợi nhuận từ chính việc dạy võ, chứ không từ bất kỳ những khoản thu nhập tăng thêm nào khác.
Từ sự thành công này, Duy Nhất bước lên vai trò làm chủ và bắt đầu có điều kiện để nghiên cứu tiếp làm sao có thể phát triển hơn nữa. Võ sĩ này bắt đầu tìm hiểu kỹ hơn các phương thức kinh doanh nhưng vẫn phải gắn liền với võ thuật, niềm đam mê chính của mình. Ngoài ra, việc hợp tác, chia sẻ vốn với các đồng sự của mình cũng được Nhất tính toán để có được lợi ích tốt nhất cho tất cả mọi người. Về chuyên môn, sự hỗ trợ từ phía bộ môn muay của TP.HCM cũng giúp được võ đường không hoạt động chệch hướng, gắn liền với các phong trào TDTT TP.HCM. Đây mới chính là mục đích mà nhà vô địch 29 tuổi này đề ra ngay khi lập nên "lò" của mình: vừa có thực vừa vực được đạo.
Sau mấy năm hoạt động, võ đường của Duy Nhất ngoài việc cung cấp các võ sĩ trẻ tiềm năng cho TP.HCM và Việt Nam, còn giúp anh mua được riêng cho mình một căn hộ, chưa kể giúp em trai - võ sĩ Nguyễn Trần Tự Do - cũng có được một căn hộ nhỏ trả góp sau một thời gian phụ anh mình huấn luyện và quản lý.
Cảm nhận chiếc áo đã chật, võ đường thứ 2 ra đời ở quận 5, TP HCM vào đầu năm 2018 và được sự ủng hộ nhiệt tình từ những người bạn. Với kinh nghiệm tập luyện từ chính mình, Duy Nhất xem các võ đường không chỉ đơn thuần là nơi dạy võ. Với sự trợ giúp từ những người bạn, anh đã bố trí các phòng tập gym, hỗ trợ thể lực nhằm mục đích mở rộng đối tượng tập luyện, qua đó có thể đào tạo ra những truyền nhân để tiếp tục mang gươm đi đánh xứ người, đem về những chiến công cho thể thao Việt Nam…
Một ngày tập luyện của Nguyễn Trần Duy Nhất.
Post a Comment