Vì sao Muhammad Ali từ chối đi lính trong Chiến tranh Việt Nam?
50 năm trước, trận quyền Anh mang biệt danh "trận đấu thế kỷ" đã bán sạch vé tại võ đài Madison Square Garden, New York City, thu về 45 triệu USD chỉ riêng tại Mỹ, và được trên 300 triệu người theo dõi trên toàn thế giới.
Ngay cả khi kết quả đã ngã ngũ, một nửa dân số Vương quốc Anh vẫn xem phát lại trên đài BBC.
Tất nhiên là có lý do chính đáng. Đó là một trận chiến tranh ngôi vô địch quyền Anh hạng nặng thế giới – một chiếc vương miện được mệnh danh là giải thưởng lớn nhất trong thể thao – giữa hai võ sĩ bất bại, hai nhà cựu vô địch Olympic. Nhưng "trận chiến thế kỷ" không chỉ là một cuộc chiến giữa hai người đàn ông, nó đã trở thành cuộc chiến uỷ nhiệm của một quốc gia bị chia rẽ.
Ali từ chối đi lính trong Chiến tranh Việt Nam
Sinh ra tại Louisville, bang Kentucky (Mỹ) vào năm 1942, Muhammad Ali đã giành huy chương vàng quyền Anh tại Thế vận hội Rome năm 1960 và vào tháng 2/1964, ông trở thành nhà vô địch hạng nặng thế giới sau khi đánh bại Sonny Liston.
Một ngày sau chiến thắng Liston, Ali từ chối cái tên Cassius Clay do một chủ nô đặt cho gia đình ông và tiết lộ rằng ông đã theo Hồi giáo.
"Triều đại" của Ali được thiết lập trong bối cảnh nước Mỹ đang chia rẽ gay gắt về vấn đề nhân quyền và cuộc Chiến tranh Việt Nam. Nhà vô địch sớm nhận ra mình ở mối liên hệ của tất cả, khi ông từ chối đi lính, tham chiến tại Việt Nam. Đối mặt với các phóng viên khi thông tin lộ ra, Ali đã hỏi ngược lại là tại sao ông phải bay hàng ngàn dặm để giết người, nhân danh một quốc gia đối xử với ông và người Mỹ gốc Phi chỉ như những công dân hạng hai.
"Nếu tôi nghĩ rằng việc tôi đến Việt Nam có thể giúp được bất cứ ai trong số hàng triệu người da đen trên đất nước này, thì bạn sẽ không cần phải cử, tôi sẽ tự đi. Nhưng điều đó không xảy ra. Chiến tranh sẽ không giúp ích được gì cho đồng bào của tôi. Tôi thà ngồi tù", Ali tuyên bố thẳng thừng.
Ngày 28/4/1967, Ali chính thức từ chối gia nhập lực lượng vũ trang Mỹ, viện dẫn "tình trạng phản đối có lương tâm". Cùng ngày, Ủy ban thể thao bang New York rút giấy phép đấu quyền Anh và tước danh hiệu vô địch của ông. Các uỷ ban quyền Anh trên toàn quốc cũng từ chối cho phép ông thượng đài trong khu vực pháp lý của họ, đồng nghĩa trục xuất Ali hoàn toàn khỏi đấu quyền Anh.
Mãi đến cuối năm 1970, sau làn sóng dư luận phản chiến mạnh mẽ, Ali mới được thi đấu trở lại. Ông được một uỷ ban đặc biệt ở thành phố Atlanta cấp giấy phép trước sự phản đối gay gắt của Thống đốc bang Georgia, Lester Maddox.
Hai toà án đã tán thành việc chính quyền từ chối chấp nhận tư cách "người phản đối có lương tâm" của Ali và vụ việc của ông được chuyển lên Toà án Tối cao, nơi dự kiến xem xét vụ việc vào tháng 6/1971.
Ali biết ông có ít thời gian, và vì vậy ông tập trung vào người đàn ông đã tiếp ngôi mình trong thời gian ông bị cấm thi đấu.
Ali thất bại trước "Bác Tôm" Frazier
Là con trai của một người lĩnh canh, Joe Frazier rời nhà năm 15 tuổi để học đấm bốc và trở thành nhà vô địch Olympic vào năm 1964. Frazier khá tương phản với Ali về nhiều mặt. Ông "là một anh chàng thích làm việc, thích sống theo cách mà anh chiến đấu: chỉ cần vào trận, tung 100 cú đâm, mạnh mẽ và tập trung vào công việc của riêng bạn".
Frazier không đưa ra bất kỳ tuyên bố chính trị nào, hoặc gắn màu da của mình lên bất cứ sự việc nào. Ông thậm chí còn trợ giúp Ali về tài chính trong thời gian ông bị cấm thi đấu, và kêu gọi Tổng thống Nixon khoan hồng cho Ali.
Trong khi đó, Ali lại chê bai Frazier quá ngu ngốc và xấu xí để trở thành nhà vô địch hạng nặng. Ông còn gọi đối thủ là "Bác Tôm".
Khi đêm giao đấu đến, đó là một sự kiện diễn ra như dự đoán.
Nhà sử học quyền Anh Bert Sugar nhớ lại: "Họ bán vé những tấm vé 100 đô-la ra ngoài với giá 1.000 đô la.... Xe limousine xếp hàng dài tại Madison Square Garden, vốn rộng ngang 50 khối nhà".
Ryan, tác giả cuốn sách "On someone Else's Nickel: A Life in Television, Sports và Travel", nhớ lại: "Đó không phải là một đám đông đánh nhau bình thường, ngay cả để tranh đai hạng nặng. Ở đấy, có cả những người như Hồng y Giáo chủ của New York. Ở đó, có những siêu sao như Diana Ross. Frank Sinatra là nhiếp ảnh gia cho tạp chí Life Magazine. Burt Lancaster là nhà bình luận trên truyền hình trả tiền".
Ali sớm giành quyền kiểm soát, nhưng đến hiệp thứ 6, ông bắt đầu mệt, suy yếu do nghỉ thi đấu kéo dài và bởi những cú đấm của Frazier. Nhưng ngay cả trên võ đài, ông vẫn không ngừng buông lời chế nhạo đối thủ.
"Đồ ngu, mày không biết rằng Chúa đã phong cho tao là nhà vô địch sao?", Ali gầm gừ ở hiệp thứ 15 – hiệp cuối cùng.
"Chà, đêm nay Chúa sẽ đánh vào mông ông ta," Frazier vặn lại, người vừa nhún vừa tung một cú móc trái làm nổ tung quai hàm của Ali, hất đối thủ bật vào dây. Ali tự mình đứng dậy, nhưng một cú hạ gục tiếp theo đã đảm bảo ông thua hiệp 15 và thua cả trận đấu.
Với những người đã nâng Ali lên như một biểu tượng của sự phản kháng, thì đó là một đòn tàn khốc.
"Thật là kinh khủng. Tôi cảm thấy như thể mọi thứ tôi đứng vững đều bị đánh gục và lật đổ", nhà báo thể thao kiêm phát thanh viên Bryant Gumbel nói trong cuốn sách "Muhammad Ali: His Life and Times" của Thomas Hauser.
Cuối cùng, với tất cả những biểu tượng đã được gán cho, "trận đấu thế kỷ" chỉ là một cuộc đấu bốc. Chiến tranh Việt Nam còn tiếp diễn 4 năm tiếp theo; 50 năm sau nước Mỹ vẫn chứng kiến sự tàn phá của những bất công về chủng tộc, và các nhân vật thể thao tiếp tục kêu gọi thay đổi xã hội và chính trị.
Mối thù dai dẳng
Ali đã thua trong cuộc chiến với Frazier. Nhưng ba tháng sau, ông lại giành chiến thắng trong trận chiến chống lại chính phủ Mỹ khi Tòa án Tối cao ra phán quyết rằng họ không đưa ra lý do chính đáng để từ chối tư cách "phản đối nhập ngũ theo lương tâm" của Ali.
Ông được tự do tiếp tục sự nghiệp quyền Anh của mình, và đã làm rất hiệu quả, giành lại chiếc vương miện hạng nặng từ George Foreman - người đã đoạt nó từ Frazier trong "cuộc chiến rừng xanh" ở Zaire năm 1974.
Năm tiếp theo, Ali và Frazier gặp lại nhau, trong một đấu trường ngột ngạt ở Manila, Philippines. Hai võ sĩ lao vào nhau trong 14 hiệp đấu tàn bạo, cho đến khi trợ lý của Frazier phải lao vào can thiệp để cứu võ sĩ của họ, lúc đó hai mắt đã nhắm hẳn, khỏi bị trừng phạt thêm.
Cả hai đều tiếp tục đấu bốc, nhưng không gặp nhau lần nào nữa.
Theo nhiều cách nào đó, Ali và Frazier đã tạo ra nhau, và cuối cùng, họ tiêu diệt lẫn nhau. Frazier đã không bao giờ tha thứ cho Ali vì những lời chế nhạo và lăng mạ của ông.
Sau khi kết thúc sự nghiệp quyền Anh vẻ vang, Ali trở thành một nhà hoạt động xã hội và thiện nguyện uy tín. Muhammad Ali qua đời ngày 4/6/2016.
Post a Comment