Ngoại binh Pedro Paulo: Cựu U17 Brazil gia nhập Viettel vì… gia đình
Cuộc cạnh tranh 1.000 người
Pedro Paulo từng là tuyển thủ U17 Brazil. Tại giải U17 Nam Mỹ năm 2011, anh lập cú đúp vào lưới Venezuela.Những đồng đội của Pedro Paulo khi ấy là Lucas Piazon (Chelsea), Marquinhos (PSG)… đều ngưỡng mộ trước tài năng và triển vọng của anh. Tương lai của Pedro Paulo là rất sáng sủa.
Nhưng Pedro cũng sớm phải trải qua những nỗi thất vọng và áp lực tại Brazil. Anh chia sẻ:
"Khi bước chân vào thế giới bóng đá ở Brazil, bài học đầu tiên của mỗi cầu thủ là ghi nhớ câu nói: Không thể biết phía trước là gì. Đặc thù của bóng đá Brazil là số đông đều muốn thi đấu ở các vị trí tấn công và luôn hướng tới hình tượng của Ronaldo hay Ronaldinho.
Vì thế, sự cạnh tranh ở các vị trí như tiền đạo hay tiền vệ công là quá lớn. Hãy tưởng tượng có 1.000 người tranh suất đá chính tiền đạo cắm ở Sao Paulo, nhưng chỉ một người được chọn".
Bên cạnh đó, chấn thương trở thành nỗi ám ảnh với Pedro. Năm 2013, trong giai đoạn chiến đấu gắt gao cho vị trí đá chính ở đội một Cruzeiro, anh liên tiếp bị dập dây chằng tới hai lần, buộc phải nghỉ thi đấu bốn tháng. Ban lãnh đạo của đội thống nhất gửi anh sang Atletico PR theo dạng cho mượn. Chấn thương đầu gối chưa buông tha Pedro. Hai lần "học việc" sau đó, bao gồm một lần tới Bồ Đào Nha ăn tập với Rio Ave, đều thất bại.
Thái Lan: Không phải đội nào cũng chuyên nghiệp
Pedro sang Thái Lan, chơi cho Lampang – một đội bóng tại giải hạng Nhì. Và khi đó, anh bắt đầu phải trải qua những cú sốc đến từ sự nghiệp dư của CLB này. Anh kể lại: "Ngoài việc tôi bị nợ gần nửa năm tiền lương, cách hành xử của CLB Lampang - nơi tôi từng thi đấu - rất kỳ lạ. Ở đó, họ tập ít, gần như là không tập. Phải 5h chiều hàng ngày, đội mới ra sân vì cầu thủ... sợ nắng. Ra sân chỉ khởi động nhẹ nhàng, trêu đùa vài câu rồi giải tán. Mỗi buổi tập thường chỉ diễn ra trong 30 phút, dài lắm chỉ 45 phút. Khái niệm vào phòng gym tăng cường thể chất không tồn tại ở đó. Nó làm tôi thấy khó hiểu vì cơ sở vật chất ở Thái Lan rất tốt, sân bóng ở các hạng đấu đều sở hữu chất lượng mặt cỏ cao.
Một phần cũng vì năm ấy, tôi lần đầu tới châu Á, không có kinh nghiệm, chưa biết thích nghi với đời sống, văn hóa cầu thủ bản địa. Khi tới Việt Nam cũng có những va vấp ban đầu nhưng tuyệt nhiên, những điều căn bản nhất của công việc luôn được đảm bảo. Ngày tôi xuống sân bay và di chuyển về bản doanh CLB ở Thái Lan, HLV bảo tôi ra sân tập chạy. Xong tập thêm được 3-4 buổi, mà mỗi buổi có chừng ấy thời gian, rồi bảo tôi vào sân đá chính, đặt chỉ tiêu sáu trận đầu tiên phải ghi 8 đến 10 bàn".
Thành danh tại Sài Gòn FC
Pedro Paulo thông qua hai nhà môi giới, trong đó có một nhà môi giới ở Việt Nam để sang chơi tại V.League. Khi đó, nhà môi giới ở Việt Nam dẫn đường để anh tới Sài Gòn FC.
Có một điều mà nhà môi giới mới hé lộ. Đó là anh ta phải nói dối Pedro rằng Sài Gòn sẽ ký hợp đồng với anh. Nhưng thực chất, đội bóng Sài thành chỉ muốn thử việc Pedro trong 2 tuần trước khi có quyết định sau cùng. Thật may, HLV Nguyễn Thành Công quyết định ký với Pedro.
Pedro chia sẻ:
"Tôi luôn biết ơn Sài Gòn FC, các HLV và đồng đội đã hỗ trợ tôi suốt hai năm qua. HLV Nguyễn Thành Công đã trao niềm tin tuyệt đối cho một kẻ xa lạ như tôi, đội trưởng Nguyễn Quốc Long đã sát cánh cùng tôi cả trong sân lẫn ngoài cuộc sống, còn HLV Vũ Tiến Thành giúp nâng tầm trình độ, nhận thức bóng đá của tôi.
Chuyện thay đổi màu áo hoàn toàn là ý chí chủ quan của tôi. Khi mùa giải sắp khép lại, lãnh đạo Sài Gòn FC nhiều lần hỏi ý kiến xem tôi muốn gì, cần nhận lương bao nhiêu hay có yêu cầu gì. Nhưng tôi từ chối đàm phán. Tôi không bao giờ muốn bị hiểu lầm mình là người không biết điều, đòi hỏi quá cao sau tất cả những gì đã nhận được ở Sài Gòn FC".
Tham vọng cùng HLV Trương Việt Hoàng
Điều đầu tiên khiến Pedro quyết định rời Sài Gòn FC để đến với Viettel chính là muốn trải nghiệm bóng đá đỉnh cao. Anh nói:
"Viettel là nhà vô địch V.League, được chơi cho đội bóng mạnh nhất một giải vô địch quốc gia là điều tôi chưa làm được trước đó. Tới Viettel, tôi cũng được thi đấu tại AFC Champions League. Chỉ những lý do chuyên môn đó thôi đã đủ thuyết phục tôi".
Pedro tiếp tục phân tích:
"Một điểm quan trọng nữa là tôi muốn sống ở Hà Nội. Tôi không dám chắc là mình có thể ở đây thật lâu không, nhưng không khí của thành phố phù hợp với những người đã có gia đình và bắt đầu tất bật chuẩn bị cho hành trang của con cái.
Sài Gòn náo nhiệt và vui vẻ, nhưng tôi thấy an toàn và dễ chịu khi ở Hà Nội. Nghe thì buồn cười vì nó chẳng liên quan gì tới chuyên môn, nhưng ở góc nhìn của người chồng, người cha, việc này rất quan trọng".
Pedro cũng bị thuyết phục bởi tài cầm quân của HLV Trương Việt Hoàng. Cầu thủ người Brazil bị thu hút bởi những bài tập tình huống cố định và tấn công biên tạt cánh. Anh lý giải:
"Người ngoài thường suy nghĩ tình huống cố định hay tạt cánh – đánh đầu là cách tấn công khi đội bóng thiếu ý tưởng, bế tắc. Thực tế ngược lại hoàn toàn. Về cơ bản, số lượng cầu thủ tấn công luôn ít hơn cầu thủ phòng ngự trong những quả phạt vì đội hưởng đá phạt sợ dính phản công. Làm sao để bóng tìm tới vị trí thuận lợi nhất khi được treo vào trong nhưng vẫn đảm bảo nếu bị đối phương cắt được, pha phản công sau đó cũng không có tính sát thương cao.
Đó là cái khó nhất, và một đội bóng tổ chức vị trí, nhân sự ở tình huống cố định sẽ phản ánh triết lý và tư tưởng của HLV trưởng. Viettel tổ chức bóng chết rất thông minh, và tính hợp lý ấy được ông Hoàng nhân bản ở các miếng đánh khác, giúp Viettel đăng quang".
Những ngày tháng chơi bóng tại Việt Nam, ở Sài Gòn FC trước kia và bây giờ là Viettel mang đến cho Pedro niềm hạnh phúc. Anh bày tỏ:
"Tôi luôn nghĩ rằng, con người thường quan tâm tới cái ta "muốn" chứ ít để ý tới những điều bản thân thật sự "cần". Tôi cũng muốn như Marquinhos, được sang châu Âu, khoác áo Roma, PSG rồi chơi ở Champions League.
Tôi cũng muốn như Emerson Palmieri, được đá cho Chelsea, hưởng bầu không khí Ngoại hạng Anh. Nhưng, thứ tôi cần là được chơi bóng, có thể lo toan cuộc sống nhờ công việc mình yêu mến. Vì thế, được ra sân mỗi tuần ở Việt Nam là món quà tuyệt vời nhất cuộc sống mang lại cho tôi".
Post a Comment