Công Phượng, Xuân Trường "giàu lên" như thế nào khi rời HAGL?
Sau những thành công vượt bậc trong màu áo của CLB HAGL lẫn các ĐTQG Việt Nam trong quãng thời gian, giá trị của Nguyễn Công Phượng và Lương Xuân Trường đã tăng lên gấp nhiều lần. Chưa có một con số chính xác nhưng có thể thấy, mức lương mà họ nhận khi xuất ngoại phản ánh chân thực giá trị đó.
Theo đó, Xuân Trường khi đến thi đấu cho Buriram United đã nhận mức lương thuộc hàng cao nhất Đông Nam Á là 230 triệu đồng/tháng, tương đương 10.000 USD/tháng. Đây là số tiền mà nhiều cầu thủ mơ ước.
So sánh với các ngoại binh ở V.League, có thể thấy, Buriram United đánh giá rất cao giá trị của Trường “Híp”. Một ngoại binh tầm trung bình ở V.League nhận mức lương từ 3.000-4.000 USD/tháng. Đội bóng nào đó đánh giá ngoại binh ở mức khá nhận từ 5.000-6.000 USD/tháng hay ngoại binh tốt từ 7.000-8.000 USD/tháng. Riêng với những ngoại binh “xịn”, mức giá của họ mới hơn 8.000 USD/tháng.
Tuy nhiên, V.League đã qua rồi thời kỳ tiêu tiền như “nước” cho các cầu thủ ngoại. Các đội bóng thường trả mức lương không quá cao cho các ngoại binh của mình.
Cũng cần nói thêm rằng, mức lương của Xuân Trường trong thời gian khoác áo Buriram United cao hơn rất nhiều so với quãng ngày anh thi đấu theo dạng cho mượn tại Incheon United (3.000 USD/tháng) hay Gangwon FC (6.000 USD/tháng).
Dù chỉ chỉ thi đấu cho Buriram United 4 tháng trước khi trở lại HAGL và trước đó là quãng thời gian không thực sự thành công cùng Incheon United lẫn Gangwon FC, nhưng rõ ràng Xuân Trường đã tích lũy được một khoản tiền không nhỏ từ mức lương cao ngất mà các đội bóng nước ngoài này chi trả. Theo tiết lộ, trong tài khoản ngân hàng lúc này Xuân Trường có không dưới 10 tỷ đồng, đủ để anh có thể thoải mái đầu tư cho những lĩnh vực mà mình yêu thích.
Với Công Phượng, qua 3 lần xuất ngoại sang Mito HollyHock (Nhật Bản), Incheon United (Hàn Quốc) và Sint-Truidense (Bỉ), tiền đạo này cũng đã bỏ túi số tiền không hề nhỏ từ tiền lương. Đơn cử như khoảng thời gian 6 tháng khoác áo Sint-Truidense, mức lương của tiền đạo người Nghệ An là khoảng 17.000 USD/tháng (tứ 350 triệu đồng/tháng). Khi trở lại Việt Nam khoác áo CLB TP.HCM theo dạng cho mượn từ chính Sint-Truidense, anh tiếp tục hưởng mức lương cao ngất ngưởng này. Trước đó, khi khoác áo Incheon United theo dạng cho mượn 6 tháng, Công Phượng cũng nhận mức lương vào khoảng 10.000 USD/tháng...
Cần biết rằng, tại HAGL, bầu Đức trả lương cho các cầu thủ nội không quá 25 triệu đồng/tháng. Con số này chỉ bằng 1/9 so với mức lương mà Xuân Trường nhận ở Buriram United và bằng 1/13 mức lương của Công Phượng tại Sint-Truidense. Con số thực nhận với các cầu thủ thuộc Học viện HAGL JMG là 15 triệu đồng/tháng và 10 triệu đồng/tháng gửi về gia đình.
Số tiền thực nhận này chỉ bằng 1/3 so với thủ môn Bùi Tiến Dũng nhận ở CLB TP.HCM (60 triệu đồng/tháng). So với mức bình quân ở V.League thì số tiền 15 triệu đồng/tháng quá ít ỏi, chưa bằng một cầu thủ ít tên tuổi, thường xuyên dự bị; thậm chí, một cầu thủ ở hạng Nhất mới lần đầu lên chơi tại V.League cũng nhận mức lương 20-25 triệu đồng/tháng.
Chỉ xét trên khía cạnh mức lương, Công Phượng hay Xuân Trường đã “đổi đời”. Còn nếu xét trên tổng thu nhập hàng tháng, cả hai sẽ “bỏ túi” một khoản tiền không hề nhỏ khi bên cạnh tiền lương, họ còn có các nguồn thu nhập khác như thưởng, quảng cáo… Có thể khẳng định, Công Phượng và Xuân Trường nằm trong nhóm cầu thủ "giàu" nhất Việt Nam lúc này.
Post a Comment