Ngôi sao TDDC Phạm Phước Hưng mở phòng tập free, "chiến" Covid-19 - Tin Tức Thể Thao

Header Ads

Ngôi sao TDDC Phạm Phước Hưng mở phòng tập free, "chiến" Covid-19

Phạm Phước Hưng "chạy tốt" ở tuổi 33

Những ngày đầu năm mới Tân Sửu 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, Dân Việt tìm tới phòng tập 3F Fitclub (3F là viết tắt của Free - miễn phí, Friend - bạn bè, Fun - vui vẻ) của ngôi sao thể dục dụng cụ (TDDC) Việt Nam một thời Phạm Phước Hưng nằm trên tầng 6, số 64 Hào Nam (Đống Đa, Hà Nội).

"Nam thần" TDDC Phạm Phước Hưng truyền cảm hứng "chiến" Covid-19 - Ảnh 1.

Phạm Phước Hưng với nụ cười đầy lạc quan khi chia sẻ về hành trình truyền cảm hứng, niềm đam mê thể thao cùng Dân Việt. Ảnh: Nguyễn Chương

Trong lúc chờ các hội viên tới tập, Phước Hưng tranh thủ chia sẻ: "Cách đây 4 năm, tôi dành một phần số tiền mà mình tích lũy được trong 25 năm tập luyện, thi đấu TDDC, mở CLB "Phước Hưng Gymnastics" ở Nghi Tàm (Tây Hồ, Hà Nội).

Tôi cảm thấy hạnh phúc vì từ CLB của mình, nhiều bạn trẻ tài năng cũng đã tìm được những hợp đồng tài trợ, có thu nhập riêng của họ và quan trọng nhất là TDDC được lan tỏa, phổ biến rộng rãi hơn.

Thời gian trôi đi, dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm ngoái khiến CLB cũng ảnh hưởng chút ít. Nhưng trong suy nghĩ của tôi, đây càng là lúc mình phải giúp mọi người có môi trường tập luyện thể thao, chia sẻ với nhau mọi vấn đề trong cuộc sống. 

Vậy là tôi cùng một số anh chị em đã và đang là VĐV thể thao góp vốn mở thêm CLB 3F Fitclub ở Hào Nam vào cuối tháng 11/2020".

"Nam thần" TDDC Phạm Phước Hưng cùng các hội viên CLB 3F Fitclub, trong đó có tuyển thủ điền kinh Việt Nam Quách Thị Lan.

"Nam thần" TDDC Phạm Phước Hưng cùng các hội viên CLB 3F Fitclub, trong đó có tuyển thủ điền kinh Việt Nam Quách Thị Lan.

Theo Phước Hưng, khi chứng kiến các hội viên của mình có một thân hình khỏe khoắn, tràn đầy năng lượng tích cực sau một thời gian ngắn tập luyện thường xuyên ở CLB là động lực để anh cùng các cộng sự cố gắng hơn trên hành trình mở rộng mô hình "3F" truyền cảm hứng, niềm yêu thích thể thao trong cộng đồng:

"Thời gian gần đây, bản thân tôi cũng ít tập luyện được riêng cho mình vì lo hướng dẫn cho các hội viên.

Nhưng về cơ bản vẫn giữ được thể hình như ý nhờ sinh hoạt điều độ và có bữa ăn dinh dưỡng, đủ chất. Thực tế, kiến thức dinh dưỡng rất quan trọng nhưng chưa được nhiều người, trong đó có cả các VĐV dành sự quan tâm đặc biệt.

Tập luyện đều đặn nhưng cũng phải đi cùng với chế độ dinh dưỡng hợp lý mới có được một thể trạng tốt, đáp ứng nhu cầu công việc trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay", Phước Hưng bày tỏ.

Lớp tập miễn phí!

Gặp gỡ Dân Việt, cùng với Phạm Phước Hưng còn có cựu tuyển thủ đấu kiếm  Nguyễn Thị Hoài Thu – chị em sinh đôi với "độc cô cầu bại" SEA Games Nguyễn Thị Lệ Dung.

"Nam thần" TDDC Phạm Phước Hưng truyền cảm hứng "chiến" Covid-19 - Ảnh 3.

Cựu tuyển thủ đấu kiếm Việt Nam Nguyễn Thị Hoài Thu chụp ảnh sel-fỉe cùng các hội viên 3F Fitclub trong bữa ăn dinh dưỡng.

Hoài Thu tiếp dòng tâm sự của Phước Hưng khi anh bắt đầu bước vào công việc hướng dẫn cho hội viên đang đến càng lúc càng đông hơn kể từ đầu giờ chiều tới tối:

"Mặt bằng chúng tôi thuê khá đắt nhưng với sự chung tay của các thành viên, mỗi người một chút thì cũng san sẻ được.

Ngay ở thời điểm Covid-19 bùng phát trở lại thì CLB vẫn đón hội viên đến tập khá đều đặn từ 7 giờ sáng đến 19 giờ tối, thậm chí muộn hơn là 20 giờ tối hàng ngày.

Các hội viên được tập miễn phí và chỉ phải đóng tiền cho bữa ăn dinh dưỡng (50 nghìn đồng/bữa) của chính mình khi đến tập tại CLB.

Chúng tôi muốn tạo ra một bầu không khí đoàn kết, giao lưu không chỉ trong lĩnh vực thể thao. CLB còn là nơi mọi người được trang bị hiểu biết về bữa ăn dinh dưỡng sao cho hợp lý, khoa học nhất gắn với nhu cầu cải thiện cơ bắp, thể chất, giảm cân hoặc tăng cân của mỗi người".

"Nam thần" TDDC Phạm Phước Hưng truyền cảm hứng "chiến" Covid-19 - Ảnh 4.

Mới khai trương cuối tháng 11/2020 nhưng CLB 3F Fitclub đã thu hút khá nhiều hội viên.

Sau tất cả, Phạm Phước Hưng và Nguyễn Thị Hoài Thu đều mong muốn làm được một điều gì đó cho cộng đồng, giúp mọi người suy nghĩ tích cực hơn về TDDC nói riêng và thể thao nói chung; qua đó chăm chỉ luyện tập, tăng cường sức khỏe, cùng toàn xã hội chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Niềm tin vượt qua bạo bệnh

Trở lại quá khứ, Phạm Phước Hưng được biết đến như một VĐV đầy ý chí, nghị lực vượt qua bạo bệnh để theo đuổi đến cùng niềm đam mê TDDC. Chàng trai Hà thành kể đã 2 lần "cãi lời" bác sĩ để vượt qua những giới hạn của chính mình.

"Đó là thời điểm cuối năm 2006 khi tôi đang sung sức, tràn đầy nhiệt huyết. Tôi đi tập huấn Trung Quốc và cảm thấy rất đau ở lưng.

Về Việt Nam, tôi vẫn thi đấu Đại hội TDTT toàn quốc 2006 và giành HCV cho Hà Nội. Hoàn thành nhiệm vụ xong, tôi về nhà nằm 1 tuần, không đi đứng nổi.

Khi đỡ, tôi đến Bệnh viện lao phổi Trung Ương khám và các bác sĩ còn ngạc nhiên bảo lao cột sống mà còn đi đứng được thế này cơ à?

Khoảng thời gian sau đó, bác sĩ và thầy cô đều khuyên tôi nghỉ để điều trị. Tôi nằm nhà 3 tháng, cảm thấy rất mông lung.

Mình lúc đó còn trẻ, tập luyện hơn 10 năm mới bắt đầu có thành tích, dừng lại sao đành. Nhưng nếu tập tiếp, có bị nặng hơn không vì bệnh này nếu vận động nặng có nguy cơ bị liệt.

Thôi thì chỉ biết kiên trì, kiên nhẫn, từ từ, tuân thủ đúng phác đồ điều trị, theo lịch là ra trạm y tế phường tiêm kháng sinh chống lao", Phước Hưng kể.

Phạm Phước Hưng khoe cơ bắp ở tuổi 33 bên cạnh các hội viên 3F Fitclub.

Phạm Phước Hưng khoe cơ bắp ở tuổi 33 bên cạnh các hội viên 3F Fitclub.

Theo Phước Hưng, sau 5 tháng điều trị anh đã cảm thấy đỡ hơn rất nhiều: "Ngồi xe máy bị xóc không còn đau như trước nữa. Lúc đó rảnh rỗi tôi lại đi xe tới Quần Ngựa xem các em tập.

Ngứa nghề quá cũng vào ép dẻo, tập chút thể lực, rồi xin các thầy cho tập lại", Phước Hưng hồi tưởng.

8 tháng sau ngày điều trị, Hưng đã tập lại được. Tháng 9/2007 anh giành HCV giải toàn quốc và 3 tháng sau giành HCV SEA Games 2007. Ở Thái Lan năm đó, Hưng còn giành 2 HCB nữa và là người có thành tích tốt nhất của đội TDDC Việt Nam.

"Tôi tập lại, thầy cô cũng lo lắm nhưng thấy tôi mê quá nên chịu! Chẳng có bác sĩ nào dám nói tôi có thể tập lại được đâu.

Mọi thứ cứ như một phép màu. Tôi chỉ biết cố gắng, kiên nhẫn hết sức như cách mình đã theo đuổi TDDC từ năm 7 tuổi và phải 10 năm sau mới có tấm HCV SEA Games đầu tiên năm 2005 (Philippines), Phước Hưng nhớ lại.

Nhưng như thế đã hết đâu, năm 2013, một lần nữa số phận lại thử thách "chàng trai vàng" TDDC khi anh bị bệnh lao phổi.

"Thời điểm đó tôi đi lại liên tục từ Từ Sơn về Nhổn vì bận học Đại học TDTT kết hợp với luyện tập, thi đấu.

Đi lại nhiều bị cảm, viêm họng. Tôi có uống kháng sinh đỡ chút lại thôi nên ho 3-4 tháng trời. Đến khi nặng quá, đi chụp các bác sĩ bảo mình bị lao phổi.

Thế là lại mất gần cả năm nữa để điều trị. Vì trước tôi đã bị lao cột sống, lần này bác sĩ chẩn đoán lao tái phát, phác đồ điều trị gấp đôi, tiêm suốt.

Nhưng may mà tôi vẫn duy trì tập luyện được. Tháng 4/2014, tôi còn phải mang thuốc kháng sinh đi thi đấu Cúp thế giới và giành HCB. Đến giữa năm 2014 thì khỏi", Phước Hưng cho hay.

Mạnh mẽ vượt qua bạo bệnh, Phạm Phước Hưng kết thúc sự nghiệp của mình với bộ sưu tập thành tích mà nhiều người phải trầm trồ.

Ngoài 2 HCV, 1 HCB Cúp thế giới, 6 HCV (HCV gần nhất là HCV đồng đội SEA Games 2017 ở Malaysia – PV), 9 HCB và vài tấm HCĐ SEA Games cùng hàng chục huy chương các giải mời quốc tế, giải trong nước… Phạm Phước Hưng đã vinh dự 2 lần dự Olympic 2012, 2016.

Anh còn là VĐV TDDC Việt Nam duy nhất tính tới lúc này sáng tạo được động tác vòng treo mới, đã được Liên đoàn thể dục dụng cụ thế giới công nhận, ghi tên động tác vòng treo "Pham".

"Tôi cảm thấy vui vì những năm qua, không ít người trên cả nước đã kết bạn trên mạng xã hội và chia sẻ họ tìm thấy niềm tin, ý chí vượt qua bạo bệnh như cách tôi đã kiên nhẫn đối mặt và thành công", Phước Hưng khép lại câu chuyện đầu năm Tân Sửu 2021 cùng Dân Việt.

Phạm Phước Hưng: "Với cá nhân, chính CLB "Phước Hưng Gymnastics" đã cho tôi đã gặp được "một nửa" của mình. Cô ấy là một diễn viên múa và ban đầu chỉ tới CLB để học thêm các động tác nhào lộn bổ trợ. Giờ chúng tôi sống hạnh phúc, có con đầu lòng gần 2 tuổi và chuẩn bị đón thêm bé thứ 2.

Tôi nghĩ, nếu như cách đây 4 năm, tôi không quyết định mở CLB thì biết đâu sẽ chẳng gặp được cô ấy".

No comments

Powered by Blogger.