Header Ads

Phạm Xuân Mạnh: Căn nhà mái dột, 200 nghìn của mẹ và đá bóng vì... tiền

Tuổi thơ đẫm nước mắt của Phạm Xuân Mạnh. Video: Ted Trần. 

Dột rồi!

Tiếng nói của mẹ, cùng giọt nước mưa lạnh buốt rơi xuống má khiến tôi tỉnh giấc vào nửa đêm. Nhưng chúng vẫn không chiến thắng được cơn buồn ngủ. Tôi lăn qua chỗ khác, hy vọng không còn bị làm phiền.

Song những hạt mưa ngang ngạnh, từ bên ngoài, vẫn xuyên qua lỗ thủng khác trên mái ngói và nhỏ long tong xuống dưới, rơi vào đầu tôi ướt đẫm.

Tôi buộc phải dậy, cùng với bố khiêng giường sang một nơi được bảo vệ tốt hơn bởi lớp ngói. Còn mẹ chạy ngược chạy xuôi dọn đồ đạc, đồng thời tìm chậu, ca nhôm hay bất cứ thứ gì có thể hứng những dòng nước để đảm bảo sáng mai chúng tôi không bị nhấn chìm.

Trong giấc mơ chập chờn, tôi đã ước

Rồi cuộc chạy loạn cũng qua. Nhưng phải rất lâu sau tôi mới có thể ngủ lại. Và trong giấc mơ chập chờn, tôi ước nhà mình không còn bị dột, để tôi có thể ngủ một mạch tới sáng. Có điều tôi biết, giấc mơ chỉ là giấc mơ. Để sửa nhà, chưa nói là xây một căn nhà mới, cần rất nhiều tiền.

Mà tiền lại là thứ tôi hiếm khi nhìn thấy. Bố mẹ tôi cũng vậy. Thật ra là có một lần, song chính xác, nó không thuộc về chúng tôi, và chỉ thoáng qua. Đó là vào một ngày, sau rất nhiều đêm bàn bạc, bố mẹ tôi quyết định vay mượn khắp nơi để mua chiếc máy cày ba càng để cày hoặc chở hàng thuê.

 - Ảnh 2.

Tôi đã rất yêu nó. Có thể chơi đùa với nó cả ngày, thậm chí ngủ cùng chỉ để được vuốt ve lớp sơn màu xanh mát rượi của chiếc máy cày. Bởi nó giúp tôi, và hai chị, có thêm những bữa cơm đúng nghĩa, thay vì cứ phải độn khoai sắn. Tôi không mặc cảm vì nhà nghèo, nhưng nhờ có nó, tôi trở nên oai hơn nhiều trong mắt đám bạn.

Nghĩ xem, một thằng nhóc loắt choắt lái chiếc máy cồng kềnh trông thật ngầu, phải không? Việc này khác hẳn lúc ngồi trên lưng trâu, lại dễ điều khiển hơn.

Năm 10 tuổi khi bố mẹ mang nó về, tôi đã có thể lái ngon ơ, đi những đường cày thẳng tắp. Nhưng vì thấy tôi quá nhỏ, phải 1 năm sau bố mới chính thức phong tôi làm trợ lý. Và tôi sẽ cày nếu bố tôi bận việc khác, như đi xây dựng, một công việc mà đến bây giờ bố vẫn làm.

Mẹ tin bóng đá sẽ là lối thoát

Nếu không phải cày ngoài ruộng, tôi sẽ chăn trâu và đợi đến buổi chiều. Đó là khoảng thời gian tuyệt nhất, khi tôi được chạy theo "quả bóng", vốn được làm từ quả bưởi hay cuộn nylon, hoặc đôi khi là búi giẻ.

Tôi ghét những đêm mưa, nhưng không phải khi cùng trái bóng. Dưới cơn mưa, chúng tôi ướt nhẹp, trở thành những "người bùn" và trơn như một con lươn, sau khi lăn lê bò toài trên mảnh ruộng nay đã quá lầy lội. Đôi khi tôi vẫn ước được sống lại khoảnh khắc đó.

Nhưng cũng giống đi cày, tôi đã phải chờ một thời gian mới kiếm được suất trong đội của xóm. Trước đó, vì bé nhất, nên chỗ của tôi sẽ là phía sau cầu môn để nhặt bóng cho các anh, như bây giờ người ta gọi là "ball boy".

Nhưng tôi không cho phép mình rảnh rỗi. Thường thì tôi sẽ tập sút với các "ball boy" khác. Lại thêm việc nhà tôi gần sân, nên được các anh tin tưởng giao giữ bóng. Và tôi lại quần thảo với nó trước sân nhà cả đêm.

Chỉ một mình, tôi đá vào tường, chờ nó dội ra và tiếp tục đá. Tôi đá nhiều đến nỗi, cảm giác nếu gia nhập lò Sông Lam Nghệ An muộn hơn chút nữa, căn nhà khốn khổ của chúng tôi chẳng mấy chốc sẽ đổ sụp.

Mẹ thường la tôi vào những ngày đó. Nhưng cũng chính vì thế, mẹ biết tôi yêu bóng đá đến thế nào. Để rồi chọn cho tôi một con đường để đi.

Khi còn là một đứa trẻ, tôi chưa bao giờ mơ ước xa xôi hoặc nghĩ có thể làm được gì đó lớn lao với bóng đá. Thế giới của tôi là cái đồi xơ xác cạnh nhà, là đồng ruộng bát ngát ở Yên Thành, là viễn cảnh vào bộ đội, đi nghĩa vụ quân sự. 

Tôi chưa bao giờ lên thành phố để biết rằng, còn có một cuộc sống khác, sung túc và nhộn nhịp hơn. Đồng thời, bóng đá có thể mang lại cuộc sống đó. Nhưng mẹ tôi thì biết. Và mẹ tin bóng đá sẽ là lối thoát.

 - Ảnh 3.

Không phải tiên hay bụt, thì là ai?

Vì vậy, mẹ là người chở tôi đi đá giải huyện, rồi giải đấu U10 Cúp báo Nghệ An mà nhờ đó, lò Sông Lam Nghệ An (SLNA) để ý đến tôi.

Khi nhận được thông báo ứng tuyển từ lò Sông Lam Nghệ An, tôi đang ở trên lưng trâu. Không lâu sau, tôi đã thấy mình ngồi trên xe khách cùng với mẹ, trải qua hành trình hơn 60 cây số lên thành phố Vinh. Trong túi mẹ là 200 ngàn vay được từ ai đó.

Khi không có tiền, bạn phải tìm cách để có. Nhưng khi đã có, rất nhanh thôi, nó sẽ lại biến mất.

Mẹ nhận thấy tôi cần một bộ đồ đá bóng thay cho bộ quần áo nhàu nát in màu bùn đất, cùng đôi giày mới che đi bàn chân đen đúa, vậy là hơn nửa số tiền đi tong. Cộng thêm tiền ăn của hai mẹ con trong 3 ngày, dù mẹ cố gắng ăn thật ít và nhường cả cho tôi, 200 ngàn hết nhẵn.

Cuộc thi tuyển kết thúc cũng là lúc đối mặt sự thật, chúng tôi không còn tiền trả nhà trọ. "Nỏ sao con ạ, mình sẽ nói khó với người ta. Nếu nỏ được, mệ xin ở lại mần việc trừ nợ", mẹ nói và tôi thấy nước mắt mình trào ra.

 - Ảnh 4.

Kỳ lạ thay, khi đứng trước chủ nhà, mẹ con tôi được nói lại rằng, khoản tiền trọ đã thanh toán xong. Không phải tiên hay bụt, bởi cuộc sống nghèo khó dạy tôi biết, không có chuyện cổ tích trên đời. Nhưng nếu không phải, thì là ai? Suốt một thời gian dài, tôi và mẹ cố lục tìm trong trí nhớ và dò hỏi nhiều nơi song vẫn không tìm ra câu trả lời.

Bây giờ, khi được hỏi nếu biết danh tính ân nhân đó tôi sẽ làm gì? Thành thực tôi không biết sẽ phải làm gì, ngoài việc ôm lấy để nói lời cảm ơn từ tận đáy lòng, rằng nghĩa cử ấy cho tôi niềm tin, và sự nghiệp tôi bắt đầu từ đó.

Tôi bị ám ảnh bởi các khoản nợ

Cuộc sống của tôi chính thức gắn với bóng đá. Nhưng cái nghèo vẫn quanh quẩn mãi. Ở lò Sông Lam, tôi biết rõ gánh nặng đè nặng lên vai gia đình. Để có được kinh phí theo học cũng như mua sắm trang phục, giày tất, cả hai bố mẹ đã phải đi vay nhiều nơi nhưng chỉ để đổi lấy cái lắc đầu.

Tôi biết bố đã rất đau khổ khi phải bán trâu, biết bố cày nhiều hơn, đi xây nhiều hơn. Tôi biết mẹ vất vả thế nào với công việc "ô sin" trên thành phố. Tôi cũng biết cả hai người, cùng các chị, ăn uống kham khổ hơn. Và căn nhà vẫn oằn lên trong mỗi cơn bão, với những lỗ dột ngày một dày thêm.

Bình thường, những đứa trẻ sẽ lớn lên và không phải suy nghĩ hay lo lắng cho đến khi 20 tuổi. Nhưng cuộc sống không cho phép tôi tận hưởng sự vô tư ấy quá lâu. Tôi biết bố mẹ đã hy sinh rất nhiều vì tôi, và sẽ tiếp tục hy sinh khi còn có thể. Nhưng giờ là lúc tôi phải có trách nhiệm phải san sẻ nỗi lo chung của cả gia đình.

 - Ảnh 5.

Đó là lý do tôi không có thời gian để nghĩ về những sở thích cá nhân hay ném mình vào các cuộc vui. Tôi bị ám ảnh bởi các khoản nợ. Từ mức lương 3,6 triệu khi còn ở đội trẻ, đến 6 triệu khi mới lên đội 1, rồi 8 triệu vào năm 2017, tôi cố gắng gửi về nhà nhiều nhất có thể.

Đá bóng vì tiền, nghe cỏ vẻ thực dụng. Nhưng bạn biết đấy, tất cả các cầu thủ đều có thừa đam mê khi đến với bóng đá. Và tiền là một trong những yếu tố làm nên động lực và thúc đẩy đam mê. Nói cách khác, nó là một phần thưởng nếu bạn chơi tốt.

Nhờ đó, bố mẹ tôi không còn tất tả ngược xuôi. Họ đã có thể thư thả hơn đôi chút vào mỗi tối, ngồi trước chiếc TV màn hình phẳng trong căn nhà mới. Và tôi thì không còn bị đánh thức lúc nửa đêm bởi những hạt mưa rơi xuống từ mái dột.

Vì vậy, tôi đã luôn cố gắng để chơi tốt. Và tự tin mình sẽ làm tốt mọi lúc, mọi vị trí, dù với vai trò tiền vệ trung tâm, chạy cánh hay hậu vệ biên. Mỗi khi trở về sau những buổi tập rã rời, hay ấm ức vì thua trận, hoặc như bây giờ buồn bực vì chấn thương, tôi thường nghĩ về gia đình.

Để rồi ngày mai tôi sẽ trở lại, mạnh mẽ hơn.

No comments

Powered by Blogger.