Nguyễn Trần Duy Nhất: Hành trình kỳ lạ và "ác mộng" SEA Games
Nguyễn Trần Duy Nhất và "ác mộng" SEA Games
Trong làng võ, Nguyễn Trần Duy Nhất xứng đáng với biệt hiệu cao thủ Muay. Không phải hoài nghi, chỉ với tên gọi "độc cô cầu bại" đủ nói lên điều đó. Để thuyết phục hơn, hãy nhìn vào bộ sưu tập với bảy chức vô địch thế giới. Những vinh quang đó thuộc về Duy Nhất.
Vậy mà số phận lại trêu chọc Nguyễn Trần Duy Nhất khi chưa một lần cho anh cầm vàng tại SEA Games. Bao nhiêu lần lên đài chứng kiến bấy nhiêu cảm xúc buồn nhiều hơn vui. Thất bại không phải vì dở, mà bởi trọng tài. Sự uất ức do bị xử ép vào năm 2013 chưa bao giờ bị lãng quên trong tâm trí Nguyễn Trần Duy Nhất.
Đến với SEA Games 29, Nguyễn Trần Duy Nhất lại thượng đài với khát khao rực cháy. Anh được kỳ vọng rất cao giành HCV. Song, định mệnh dường như không gọi tên Duy Nhất ở đấu trường này. Thất bại trước đối thủ chuyên nghiệp đến từ Thái Lan tại bán kết khiến võ sĩ Muay người Việt tiếp tục lỗi hẹn với tấm HCV.
Tới SEA Games 30 (2019), Nguyễn Trần Duy Nhất lại trải qua thêm một ký ức đáng quên nữa. Cụ thể, nước chủ nhà Philippines đã không tổ chức các nội dung đối kháng, điều đó buộc Nguyễn Trần Duy Nhất và em họ của mình là Nguyễn Tăng Quyền phải dự nội dung quyền muay boran đôi nam. Đây là nội dung mới lần đầu xuất hiện tại một kỳ SEA Games với hi vọng giới thiệu tới người hâm mộ nét đẹp mà môn muay mang lại.
Thua cũng đã thua. Buồn đã rất buồn. Nhưng đây chưa phải thất bại tồi tệ nhất. Duy Nhất từng nói SEA Games 30 không phải giải đấu cuối cùng. "Miễn là còn sức, tôi sẽ đấu tới khi nào không thể mới dừng lại", cao thủ làng Muay biểu hiện rõ sự quyết tâm.
Với nhiều người, tuổi 31 của duy Nhất không còn phù hợp cho SEA Games. Cũng như ai đó dè bỉu anh như "kẻ hết thời". Thật ra, Duy Nhất từng nếm trải sự cay nghiệt của những lời bình luận.
Nguyễn Trần Duy Nhất và ký ức đánh đối thủ đến gãy tay
Để vô địch bộ môn rất mới với Việt Nam rất khó, huống gì liên tiếp đứng trên đỉnh vinh quang. Đó là chuyện của Duy Nhất. Nhưng không có thành công nào được trải đầy hoa hồng. Con đường tới đỉnh cao của anh khắc ghi quá trình khổ luyện, đau đớn với cái tay bị gãy, tinh thần mỏi mệt vì người đời.
Là VĐV thể thao, không ai muốn chấn thương xảy đến với mình. Mà chấn thương có nhiều cấp độ, từ nhẹ đến nặng. Với Duy Nhất, anh dính phải điều tồi tệ nhất vào tháng 8/2012. Năm đó, sự nóng vội trong thi đấu khiến võ sĩ Muay này bị gãy tay và phải nghỉ suốt hơn nửa năm.
Duy Nhất kể lại: "Mong muốn kết thúc sớm trận đấu khiến tay tôi va chạm mạnh vào trán đối thủ. Mà phần trán lại là bộ phận cứng nhất của cơ thể. Sự nóng vội khiến tôi mất đi tính chính xác, bởi pha ra đòn đó nếu trúng sẽ hạ knock-out đối thủ. Nhưng rồi chuyện không may xảy ra".
Đời VĐV "ngán" nhất những chấn thương liên quan đến xương. Đằng này, Duy Nhất lĩnh nguyên phần tệ nhất. Sáu tháng xa sàn đấu với võ sĩ Muay Thái vô cùng tồi tệ. Anh không được tung hoành như đã từng. Những gì có thể làm chỉ là quan sát mọi chuyển động, đó như một sự tra tấn tinh thần.
Chuyện không dừng lại ở đó, Duy Nhất trở thành nạn nhân của những lời bình phẩm mang tính sát thương cao. "Người ta nói tôi là kẻ hết thời", Duy Nhất, khi ấy đã có chức vô địch thế giới, bồi hồi chia sẻ. Mọi cay đắng, võ sĩ Muay Thái sinh năm 1989 nếm trải đủ hết. Anh có thể đã gục ngã...
... Nhưng không. Chấn thương chỉ làm nhà vô địch Muay thế giới mạnh mẽ hơn. Lời gièm pha thiên hạ chỉ khiến Duy Nhất thêm quyết tâm, không đầu hàng số phận. Bất chấp chưa lành chấn thương, Duy Nhất từng bước tập luyện trở lại, ngay cả khi chỉ với 1 cánh tay và đôi chân.
"Chỉ 6 tháng sau chấn thương, tôi trở lại thi đấu và lập tức giành Huy chương vàng Vô địch Quốc gia 2013", Duy Nhất nói. Phần còn lại đã là lịch sử. Theo Duy Nhất, giá trị tinh túy của Muay Thái là một phần yếu tố giúp anh thách thức số phận, theo đó đánh bại những ai gọi mình hết thời.
"Bộ môn này mang đến cho tôi niềm vui mãi mãi trong cuộc sống với nhiều cảm xúc. Tập luyện Muay Thái cũng giúp võ sinh rèn luyện tính kiên cường, chịu đựng cực khổ, nhẫn nại, sự quyết tâm và ý chí mạnh mẽ không bao giờ bỏ cuộc", Duy Nhất tâm sự.
Trước đó, Duy Nhất tiết lộ thời gian "nhập môn" Muay Thái cũng đầy khó khăn, với điều kiện vật chất là con số 0, trong đó bao gồm sân bãi, dụng cụ, HLV riêng. Đó chưa nói mức lương mỗi tháng không tới 1 triệu đồng và đặc biệt Muay Thái lại không được những cơ quan chức năng ngó ngàng.
Chưa HCV SEA Games thì chưa dừng lại
Tuổi 31 của Duy Nhất thật sự không còn trẻ nữa để tranh tài ở những bộ môn đối kháng. Trong võ thuật, nhiều quốc gia có xu hướng chọn các VĐV trẻ bởi họ sở hữu sự dẻo dai, nhanh nhẹn và nhiệt huyết. Không ít người từng cho rằng kỳ, SEA Games 29 với Duy Nhất nên là lần cuối cùng xuất hiện trên sàn đấu khu vực Đông Nam Á.
Mà đã như vậy, đất Malaysia bất đắc dĩ trở thành cơ hội cuối cùng để Duy Nhất thực hiện giấc mơ lấy vàng SEA Games. Bây giờ hoặc không bao giờ, cơ hội có thể không còn mở rộng với võ sĩ Muay Thái trên chặng đường đi tìm danh hiệu còn thiếu trong bộ sưu tập sau kỳ đại hội thể thao Đông Nam Á.
Những ngày chuẩn bị cho SEA Games 29, Duy Nhất đang miệt mài tập luyện. Biết rằng khao khát quá mức chỉ khiến áp lực thêm phần đè nặng, võ sĩ Muay Thái cố gắng cân bằng mọi thứ. Anh thư giãn tạo cho mình những sự thoải mái tốt nhất. Duy Nhất tránh nói về tương lai bởi điều đó có thể khiến sự tập trung bị xao nhãng.
"Mỗi khi bước lên sàn đài, tôi hay nhớ lại những ngày tháng tập luyện vất vả, bản thân sẽ hít thở một hơi thật sâu và đánh hết khả năng để khi bước xuống sàn đài mình không còn hối tiếc. Sau SEA Games, dù kết quả ra sao, tôi vẫn tiếp tục thi đấu đến khi nào không đánh được nữa", Duy Nhất chia sẻ.
Tại SEA Games 29, chủ nhà Malaysia tạo ra rất nhiều khó khăn với các đối thủ bằng những điều lệ bất công. Họ bỏ nội dung 60 kg của Duy Nhất, đồng thời chỉ đưa vào hạng 58 kg. Vậy là thêm một lần võ sĩ Muay Thái người Việt Nam đón nhận thử thách. Anh cần phải ép cân để đáp ứng tiêu chí thi đấu.
Ép cân trong thể thao giống như cực hình. Nghe bộc bạch của Duy Nhất, người ta sẽ thấy Malaysia cố tình chơi xấu. "Việc ép cân khiến lực đánh của tôi bị giảm. Cú ra đòn không mạnh như trước. Ở SEA Games lần này, hạng cân 58 kg cũng quy tụ nhiều võ sĩ giỏi, thi đấu chuyên nghiệp, đặc biệt là Thái Lan", Duy Nhất nói.
Hết bị trọng tài xử ép đến chủ nhà thay đổi nội dung sở trường, Duy Nhất chạy đâu cũng không thoát khỏi khó khăn. Nhưng chưa một lần anh than vãn. Chặng đường vươn tới đỉnh cao của bản thân đã in dấu rất nhiều chông gai, nhưng sau tất cả "độc cô cầu bại" vẫn mạnh vượt qua để tới ga cuối.
Với Duy Nhất, chấn thương nặng còn không đánh gục được anh, huống gì chuyện phải ép cân. "Lên sàn, nhiệm vụ của tôi là tập trung thi đấu. Thành bại không còn quan trọng nữa bởi cần mang vinh quang về cho tổ quốc cũng đủ khiến tôi hài lòng", Duy Nhất trải lòng.
Hành trình kỳ lạ
Nỗ lực của Duy Nhất mang đến cho anh thành công. Điều đó càng xứng đáng ghi nhận hơn khi võ sĩ Muay Thái này đánh bại nghịch cảnh để trở thành số 1. Nhắc lại về con đường bước vào sự nghiệp Muay Thái, Duy Nhất cho rằng đó là một quyết định liều lĩnh và cũng rất bất ngờ.
Năm 2007, chàng sinh viên tỉnh lẻ ấy quyết định đăng ký thử vào bộ môn Muay Thái ở trường Đại học TDTT TP.HCM và lọt vào top 5 có số điểm cao nhất. Duy Nhất và Muay Thái bén duyên từ đó. Anh giỏi võ hẳn một phần do gen di truyền từ gia đình với nhiều đời theo đuổi võ học.
Ông nội của Duy Nhất là võ sư Tấn Hoành, còn bố là võ sư Nguyễn Trần Diệu, nhà vô địch đấu võ đài những năm 70, mẹ của anh là võ sư Nguyễn Thị Ngọc Ánh. Được huấn luyện võ cổ truyền từ nhỏ, Duy Nhất rất cứng chuyên môn, theo đó chỉ phải tập thêm bộ chỏ và gối khi chuyển sang Muay.
Năm 2009, Duy Nhất giành Huy chương bạc tại Đại hội võ thuật châu Á ngay trên đất Thái Lan. Cùng năm, anh lần đầu giành HCV châu lục tại Asian Indoor Games. Thành công tiếp nối thành công, Duy Nhất thống trị Muay thế giới ở hạng cân bán chuyên nghiệp 3 năm liên tiếp (2010, 2011, 2012), đến nay tại các giải đấu từ cấp châu Á đến thế giới, Duy Nhất đều toàn thắng, trong đó đa phần là thắng tuyệt đối.
Duy Nhất cũng từng thi đấu 6 trận ở hạng chuyên nghiệp tại Thái Lan. Trong 6 trận đấu ấy, Nhất đều đánh bại đối thủ. Ngay cả khi chuyển qua đánh taekwondo ở giải ITF thì Duy Nhất cũng là võ sĩ Việt Nam duy nhất giành được chiến thắng.
Theo Duy Nhất, một trong những chức vô địch khiến bản thân "sướng nhất" là vào năm 2011, sau khi vượt qua nhiều đối thủ đến từ Italy, Ba Lan và đặc biệt Thái Lan ở chung kết.
Dù rất thành công trên con đường sự nghiệp, Duy Nhất vẫn giữ cho mình sự khiêm tốn cần thiết như tôn chỉ con nhà võ. Anh cũng không cho phép bản thân ngủ quên trên chiến thắng. "Tôi chưa bao giờ cho mình là "Độc cô cầu bại" cả. Đó chỉ là biệt danh mà truyền thông đặt cho tôi", Duy Nhất nói.
Qua 4 lần dự SEA Games, Nguyễn Trần Duy Nhất chưa một lần chạm tay vào tấm HCV. Thành tích tốt nhất của anh chỉ là tấm HCB tại SEA Games 2009 ở Lào. Tất nhiên, ở tuổi 31, Nguyễn Trần Duy Nhất chưa muốn dừng lại. Anh khẳng định mình sẽ tham dự SEA Games 31 ở Việt Nam vào cuối năm nay để nuôi hy vọng giành vàng. Sau giải đấu này, anh mới nghĩ tới chuyện từ giã đội tuyển để tập trung thi đấu võ tự do.
Post a Comment