Header Ads

Đua xe F1, Japanese GP 2017: Nỗi ám ảnh của vụ tử nạn thương tâm

Nhật bản cũng như nhiều quốc gia khác, sau Thế chiến 2 là thời gian tái thiết đất nước bằng cuộc công nghiệp hóa và đã thu được những thành tựu vượt bậc. Trong thập niên 50, người Nhật đã có tham vọng đưa môn thể thao tốc độ đến với đất nước mình.

Đến năm 1962, Honda hiện thực hóa mong muốn đó qua việc hoàn thành đường đua Suzuka ở thành phố Suzuka, tỉnh Mie (vùng Nagoya), cách thủ đô Tokyo khoảng 1 giờ bay. Đường đua được xây dựng với mục tiêu ban đầu là đường chạy thử nghiệm của hãng Honda, do kiến trúc sư người Hà Lan - John "Hans" Hugenholtz thiết kế. Năm 1963-64 nó đã được chọn là địa điểm tổ chức Japanese GP đầu tiên trong lịch sử.

Đua xe F1, Japanese GP 2017: Nỗi ám ảnh của vụ tử nạn thương tâm - 1

Toàn cảnh Suzuka Circuit

Giải đấu đã không được tổ chức năm 1965 trước khi trở lại. Lần này Japanese GP được tổ chức ở đường đua Fuji. Fuji Speedway là đường đua do hãng Mitsubishi đầu tư xây dựng và quản lý. Vị trí đường đua nằm ở phía tây-nam thủ đô Tokyo, ở ngay chân núi Phú Sĩ – một địa danh nổi tiếng tại Nhật Bản.

Từ năm 1966 đến 1975, có 8 lần giải được tổ chức ở Fuji Speedway (các năm 70 và 74 không tổ chức). Tổng cộng có tất cả 10 lần Japanese GP được tổ chức trong quãng thời gian này ở cả hai địa điểm. Nhưng đó chỉ là các giải đấu ở thể thức thấp như Formula Junior, Formula 2000, Formula 2 hay Formula Libre.

Ngày 24/10/1976 trở thành một dấu mốc quan trọng với Nhật Bản khi lần đầu tiên giải đấu cao nhất ở thể thức đua xe thể thao: Thể thức 1 (FIA Formula One World Championship) có mặt tại đất nước Mặt trời mọc. Đó là chặng đua cuối cùng của mùa giải năm đó tại Fuji Speedway. Đây cũng là một chặng đua đầy tranh cãi.

Trong điều kiện trời mưa, không đảm bảo an toàn, dù đang dẫn đầu bảng xếp hạng cá nhân, nhưng tay đua Niki Lauda (khi đó đang là đương kim VĐTG, hiện là chủ tịch đội đua Mercedes) đã bỏ cuộc vì cho rằng tiếp tục đua là rất nguy hiểm – chức vô địch mùa giải cuối cùng thuộc về đối thủ của ông (James Hunt).

Nhưng rồi F1 cũng chỉ ở lại Fuji thêm 1 mùa nữa. Trong năm 1977, giải đấu vẫn diễn ra, nhưng trong một tình huống va chạm trên đường đua, chiếc xe của Gilles Villeneuve đã lao vào khu vực khán đài và làm thiệt mạng 2 khán giả. Dù cho giải đấu 1978 vẫn được lên lịch vào tháng 4, cuối cùng vì lý do an toàn, nó đã bị hủy bỏ.

F1 vắng mặt ở Nhật Bản trong 9 năm trước khi trở lại năm 1987, lần này điểm đến là Suzuka Circuit. Japanese GP diễn ra liên tục tại Suzuka trong 2 thập kỷ, nhưng rồi phải dừng lại ở con số chẵn 20 lần. Năm 2006, FIA thông báo rằng đường đua Fuji Speedway sẽ là điểm đến tiếp theo của Japanese GP trong năm 2007-08, sau khi đường đua này được cải tạo lại dưới sự chỉ đạo của kiến trúc sư Hermann Tilke. Tại thời điểm này Fuji thuộc sở hữu của hãng Toyota.

Đua xe F1, Japanese GP 2017: Nỗi ám ảnh của vụ tử nạn thương tâm - 2

Thông tin kỹ thuật đường đua (nguồn FIA)

Sau 2 năm diễn ra tại Fuji, FIA thông báo rằng kể từ 2009, Fuji và Suzuka sẽ luân phiên tổ chức Japanese GP hàng năm. Đó cũng là quãng thời gian khủng hoảng kinh tế toàn cầu, dẫn đến việc Toyota rút lui khỏi F1 và Fuji cũng không còn cơ hội tổ chức F1. Suzuka Circuit nghiễm nhiên trở thành địa điểm duy nhất tổ chức giải đấu kể từ năm 2009 đến nay. Dù thời điểm đó lần lượt cả Honda và Toyota rút lui khỏi F1, Nhưng Japanese GP vẫn liên tục hiện diện trên lịch thường niên. Hợp đồng hiện tại của giải đấu với FIA còn hạn đến hết năm 2018.

Japanese GP còn là giải đấu gợi nhớ đến với nhiều tai nạn dẫn đến thương vong. Một trong những sự kiện đó là vụ tai nạn của Jules Bianchi trong chặng đua ngày 05/10/2014 dẫn đến cái chết của tay đua này ngày 17/7/2015 tại bệnh viện. Sự ra đi của tay đua người Pháp là cú sốc với F1, khi anh là tay đua đầu tiên tử nạn kể từ sau cái chết của huyền thoại Ayrton Senna năm 1994 ở San Marino.

Suzuka là một đường đua đặc biệt, khi nó có hình dạng số 8, với đoạn thẳng nằm giữa cua 14-15 vượt qua đoạn thẳng giữa cua 9-10 bằng cầu vượt. Kèm theo đó là góc cua số 15 nổi tiếng bằng tên gọi: 130R - ở đây, vận tốc chiếc xe có thể đạt gần 300 km/giờ.

Là đường đua được rất nhiều tay đua yêu thích. Ngoài ra nó còn là một dạng đường đua đánh giá kỹ năng vận hành chiếc xe của mọi tay đua một cách khắt khe nhất. Trong toàn bộ lịch sử của mình, đường đua đã được cải tạo sửa chữa 4 lần, lần cuối cùng năm 2003 và giữ nguyên đến ngày nay.

Với 8 cua phải và 10trái trong tổng số 18cua, Suzuka có chiều dài mỗi vòng chạy là 5,807km, các tay đua sẽ thực hiện 53 vòng trên tổng hành trình 307,471km. Đây là một dạng đường đua tốc độ cao, vận tốc trung bình của chiếc xe đạt gần 220km/giờ.

Theo tính toán tốc độ tối đa có thể đạt trên 330km/giờ, dữ liệu mùa trước ghi nhận được là 326,9km/giờ. Khác với đa số các đường đua trên lịch, ở đây chỉ có 1 phân vùng cho phép kích hoạt DRS nằm trên đoạn thẳng start/finish với điểm xác định DRS (DRS detection) nằm gần cua số 16.

Kỷ lục một vòng chạy tại Suzuka hiện do Kimi Raikkonen thiết lập năm 2005 là 1 phút 31,540 giây. Mùa 2016, thành tích pole đạt 1 phút 30,647 giây, còn fastest-lap là 1 phút 35,118 giây. Như những gì chúng ta đã được chứng kiến ở hai chặng đua vừa qua tại Singapore và Malaysia – nhiều khả năng các mốc thời gian này sẽ bị phá trong cuộc đua chiều chủ nhật này nếu điều kiện thời tiết thuận lợi.

Đua xe F1, Japanese GP 2017: Nỗi ám ảnh của vụ tử nạn thương tâm - 3

Bảng lựa chọn lốp (nguồn Pirelli)

Mùa này, nhà cung cấp Pirelli luôn chỉ định lốp cho các chặng đua theo xu hướng các bộ lốp mềm hơn mùa giải trước và Japanese GP cũng không phải là ngoại lệ. Năm nay các đội đua được sự dụng các loại: Medium (viền bạc), Soft (viền vàng) và SuperSoft (viền đỏ).

Suzuka thuộc dạng đường đua có độ mài mòn lốp cao. Là đường đua có tốc độ, nên nó gồm các góc cua có tốc độ trung bình và cao liên tiếp xen giữa các đoạn thẳng, đó sẽ là một áp lực không nhỏ lên bộ lốp xe. Mùa trước dù sử dụng loại lốp cứng nhất nhưng đa số các tay đua vẫn phải có 2 lần pit-stop. Nên nếu áp dụng chiến thuật 1 pit-stop, có lẽ lốp Soft sẽ được các đội đua tập trung sử dụng lâu nhất. Đường pit-lane không dài, nên mỗi lần dừng kỹ thuật tại Suzuka sẽ mất khoảng 22-23 giây cho tất cả các thao tác kỹ thuật.

Đua xe F1, Japanese GP 2017: Nỗi ám ảnh của vụ tử nạn thương tâm - 4
Đua xe F1, Japanese GP 2017: Nỗi ám ảnh của vụ tử nạn thương tâm - 5

Rosberg vô địch tại Suzuka mùa trước

Suzuka Circuit thiên về tốc độ, nên Mercedes được đánh giá nhỉnh hơn ở đây. Mùa trước chiến thắng thuộc về Nico Rosberg. Chuẩn bị cho chặng đua năm nay Lewis Hamilton được đánh giá cao nhất cho ngôi thắng chặng. Ferrari để có thể thách thức Mercedes và ít nhất duy trì cơ hội mong manh trong cuộc đua đến ngôi vô địch cuối mùa sẽ cần phải tìm kiếm sự ổn định về mặt kỹ thuật – nguyên nhân làm họ mất đi rất nhiều điểm số ở Malaysian GP cuối tuần qua.

Cả 2 đội đua hàng đầu này còn có chung một nỗi lo nữa có tên Red Bull. Đội đua nước Áo dù chưa thể vượt lên đối thủ, nhất là lại ở đường đua tốc độ - thứ mà họ đang phải đối diện nhiều khó khăn, nhưng biết chắt chiu từng cơ hội nhỏ nhất để có thể thay đổi cục diện chặng đua và đoạt thắng chặng. Một ‘vũ khí’ của bộ đôi Red Bull, họ không phải chịu áp lực thành tích, không “có gì để mất”, sẽ làm đối thủ phải đôi chút e dè.

Chỉ còn 5 nấc thang cuối cùng bước đến ngai vàng, Mercedes nắm lợi thế nhất! Nhưng mỗi chặng đua luôn có những bất ngờ kịch tính và thay đổi hoàn toàn kết quả, mang đúng bản sắc F1 – như đã thấy ở Singapore và Malaysia trong 2 tuần vừa qua.

Thế nên, nấc thang đầu tiên ở Suzuka Circuit cuối tuần này sẽ không là ngoại lệ. Đón xem Japanese GP 2017 sẽ khởi tranh vào lúc 8giờ00 thứ 6 ngày 06/10 (đua thử) và cuộc đua chính lúc 12giờ00 chủ nhật 08/10/2017 (theo giờ VN). Toàn bộ sự kiện sẽ được phát trực tiếp trên kênh thể thao FOX Sports 2.

Lịch thi đấu F1: Japanese GP 2017

Chặng đua Japanese GP sẽ diễn ra từ ngày 06/10 đến 08/10, tại Nhật Bản.

No comments

Powered by Blogger.