Nguyễn Thị Huyền và tiếng gọi thầy ở Bukit Jalil: Thầy ơi, thầy đâu rồi? - Tin Tức Thể Thao

Header Ads

Nguyễn Thị Huyền và tiếng gọi thầy ở Bukit Jalil: Thầy ơi, thầy đâu rồi?

Ngay sau khi một mình về đích ở cự ly 400m rào và nháo nhào chia vui, nhận lời chúc mừng từ các đối thủ, ánh mắt Nguyễn Thị Huyền nhanh chóng lướt lên khán đài. Không thấy, cô gạt đám phóng viên đang bu quanh để lao lên sát hàng rào ngăn cách khán đài với sân thi đấu, cất tiếng vừa gọi vừa như hỏi: “Thầy ơi, thầy đâu rồi, thầy em đâu rồi”.

Nguyễn Thị Huyền và tiếng gọi thầy ở Bukit Jalil: Thầy ơi, thầy đâu rồi? - 1

Sau hơn một năm đầy sóng gió, Nguyễn Thị Huyền lại lao vào vòng tay thầy như hình ảnh cảm động của hai thầy trò trên SVĐ Singapore 2 năm trước. Ảnh: VSI.

Vẫn không thấy, cô gái quên Ý Yên, Nam Định lại gạt đám đông phóng viên đang bám theo. Không thoát, cô đành nán lại, khoác lên vai lá quốc kỳ, nở nụ cười rạng rỡ, làm vài động tác pose hình trước rừng ống kính máy ảnh, máy quay, smartphone, trả lời loạt câu hỏi bất tận của các phóng viên khát tin rồi lại lao đi với chia sẻ sẽ ôm thầy thật chặt và cảm ơn, cảm ơn thầy rất nhiều.

2016 có thể xem là năm dưới đáy sự nghiệp của cô gái vàng điền kinh Việt Nam Nguyễn Thị Huyền. Trở về trong ánh hào quang của nhà vô địch SEA Games 2015, Nguyễn Thị Huyền không còn giữ được đôi chân trên mặt đất trước sự săn đón của giới truyền thông, của những thương hiệu muốn cô làm đại diện, của những chương trình truyền hình thực tế đang khát người nổi tiếng lên sóng.

Khi mà độ “phủ sóng” của Huyền tăng lên thì thành tích của cô đi theo chiều ngược lại. Cô không còn là chính mình ở các giải đấu tham dự, gây thất vọng lớn ở Olympic Rio, đến mức thầy Vũ Ngọc Lợi phải viết “đơn tố cáo” lên lãnh đạo ngành TDTT chuyện cô “vượt rào trốn trại”, bỏ bê tập luyện. Sự sa sút kéo dài của Huyền khiến lãnh đạo điền kinh Việt Nam gạch tên cô khỏi danh sách đầu tư trọng điểm của ngành năm 2017.

Cuối năm 2016, đầu 2017, khi cái tên Nguyễn Thị Huyền được đặt lên bàn cân liệu có nên giữ lại ở ĐTQG không thì cô lên xe hoa ngay tuần đầu tiên năm 2017. Trong lúc nhiều người nghĩ rằng vậy là Huyền đã đi đến cái kết của đời VĐV khi lấy chồng, rồi sẽ sinh con thì cô lại hồi sinh mạnh mẽ trên đường chạy.

Nhiều người xem cuộc hôn nhân với chàng giảng viên ĐH TDTT Bắc Ninh chính là liều thần dược giúp cô ổn định tâm lý, tháo bỏ gánh nặng hậu phương khi có người chồng tận tâm chăm sóc cho người mẹ đã 70 tuổi cùng người chị bị tâm thần để chuyên tâm cho đường chạy. Thế nhưng với Huyền, bên cạnh gia đình, người thân, động lực lớn nhất giúp cô vượt qua năm 2016 đầy khó khăn chính là người thầy Vũ Ngọc Lợi.

Sau khi đăng quang nội dung 400m rào nữ tối 22/8 tại Bukit Jalil, Huyền chia sẻ: “Như mọi người cũng biết, sau SEA Games 2015 thầy trò mình gặp trục trặc với nhau. Có thể là khi đó Huyền còn trẻ để hiểu mọi điều, trong khi thầy thì lo cho mình thôi nên đã có một vài lá đơn hay câu nói với Huyền là khó nghe. Nhưng đó có thể là những lời thức tỉnh đối với Huyền.

Sau những chuyện đó thì Huyền đã hiểu ra và thầy trò Huyền cũng hiểu nhau hơn. Huyền rất thương thầy bởi vì sau chuyện đó thầy vẫn cặm cụi bên Huyền. Huyền không có ai tập cùng như các bạn nên lắm lúc cũng tủi thân. May mắn sao là dù thầy trò Huyền gặp nhiều khó khăn như vậy nhưng đi đến đâu cũng có người giúp đỡ, như là đội Quân đội. Thầy đã xin một em của đội Quân đội lên tập cùng. Thầy đã phải bỏ tiền túi ra để trang trải chi phí cho em đó tập luyện ở đội tuyển cùng Huyền.

Gặp thầy Huyền sẽ ôm thầy và cảm ơn thầy rất nhiều. Huyền muốn khẳng định với thầy rằng mình đã cố gắng rất nhiều”.

No comments

Powered by Blogger.