Đội tuyển Việt Nam đang thiếu những cuộc “thử lửa” có ích
Ở loạt trận giao hữu và vòng loạt World Cup dành cho các đội tuyển theo lịch của FIFA giữa tuần qua, đội tuyển Việt Nam đứng ngoài cuộc.
Nguyên nhân có cả khách quan lẫn chủ quan. Khách quan là đấy lẽ ra là đợt trận mà chúng ta đá với đội tuyển Indonesia ở vòng loại World Cup 2018 – khu vực châu Á. Sau khi Indonesia bị FIFA cấm tham gia các hoạt động bóng đá, đội tuyển dự định thay thế trận đấy bằng trận giao hữu với Kuwait, nhưng rồi Kuwait cũng bị FIFA “cấm vận” nốt, nên kế hoạch cũng đảo lộn.
Dù vậy, nguyên nhân chủ quan vẫn là chúng ta khá bị động trong việc tìm đối tượng cọ xát quốc tế, thiếu kế hoạch xuyên suốt từ trước, nên mới sinh ra tình trạng bị động, mà con số chỉ 2 trận giao hữu quốc tế trong suốt năm nói lên điều đó (so với 16 trận của Thái Lan, hoặc so với 12 trận của Myanmar, Singapore và cả… Lào).
Ngoài kế hoạch đá giao hữu với Kuwait bị “bể”, trước đó, một kế hoạch khác liên quan đến việc đá giao hữu với Philippines cũng không thành. Và có cảm giác rằng đội tuyển Việt Nam hầu như đứng ngoài rìa lịch hoạt động thường niên của FIFA, trong khi với giới bóng đá quốc tế những ngày này rất quan trọng.
Đội tuyển Việt Nam cần những trận giao hữu đúng nghĩa như trận đấu với CHDCND Triều Tiên trong năm nay (ảnh: Gia Hưng)
Những ngày đấy quan trọng bởi lẽ trong bối cảnh mà các cầu thủ phải tập trung liên miên cho CLB, thì có được một số ít ngày dành cho các đội tuyển là cực kỳ đáng quý. Đấy cũng là dịp hiếm hoi để các đội tuyển trên khắp thế giới có thể liên hệ với nhau, đá giao hữu vì mục đích của từng nền bóng đá. Đấy còn là dịp mà mỗi đội tuyển tranh thủ ráp nối đội hình, thử nghiệm con người, chiến thuật để chờ các giải chính thức.
Với đội tuyển Việt Nam, việc đá giao hữu quá ít, khiến cho chất lượng đội tuyển bị ảnh hưởng. Chúng ta ít có dịp tiếp cận với các đội bóng mang phong cách khác nhau, thuộc những trường phái khác nhau, nên càng dễ lạc lỏng trong xu thế phát triển chung của bóng đá quốc tế. Thậm chí, chúng ta cũng không có dịp hiểu rõ hơn về chúng ta, vì đội tuyển thiếu những trận đấu cọ xát đúng nghĩa.
Thành ra mới có chuyện trước mỗi giải lớn đội tuyển lại như một sự đánh đố với người hâm mộ, bởi người hâm mộ đâu thể biết đội tuyển mạnh – yếu ra sao? Rồi cũng mới có chuyện đội tuyển Việt Nam là đội tuyển hiếm hoi trên thế giới vào đến các giải chính thức mới… thử nghiệm, thậm chí mỗi trận lại thử nghiệm một đội hình khác nhau.
Việc không đá giao hữu theo định kỳ cũng khiến cho đội tuyển Việt Nam rơi vào tình trạng “no dồn, đói góp”. Ví dụ như các tuyển thủ hầu như không được chơi cùng nhau từ suốt giữa tháng 10 (thời điểm đá trận vòng loại World Cup 2018 với Thái Lan) cho đến tận tháng 3 năm sau (thời điểm tập trung để chuẩn bị đá trận tiếp theo cũng tại vòng loại World Cup).
Đấy là chưa kể cũng trong gần nửa năm ròng rã ấy (chính xác là 5 tháng), hầu hết giới cầu thủ Việt Nam chỉ tập… “chay”, vì V-League đã kết thúc mùa giải (đến tận tháng 2/2016 mới khởi động lại), thế thì lấy gì để họ duy trì phong độ? Lấy gì để đội tuyển giữ được sử ổn định?
Thành ra, bóng đá Việt Nam, đội tuyển Việt Nam dứt khoát cần những trận giao hữu quốc tế vì sự ổn định của chính mình, thay cho cảnh hầu như đứng ngoài guồng quay của lịch thi đấu mà FIFA ban hành thường niên, như suốt thời gian dài vừa qua.
Kim Điền
Bóng đá trong nước – Dân trí điện tử – Dantri.com.vn
from WordPress http://ift.tt/1lrGhIF
via TIN TUC THE THAO
Post a Comment