Bầu Đức tan vỡ giấc mộng HCV SEA Games
Bầu Đức trong vai trò ông bầu của lứa cầu thủ Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Hồng Duy… từng kỳ vọng lứa đấy sẽ được trui rèn ở SEA Games 2015, trước khi làm bàn đạp tấn công vào tấm HCV SEA Games 2017.
Thậm chí, có lúc cao hứng, ông Đức còn có lúc nói rằng cứ gọi ông là Đức “nổ” nếu lứa cầu thủ vừa nêu không thể giúp U23 Việt Nam vô địch SEA Games 2017.
Tuy nhiên, với việc SEA Games lần tới nhiều khả năng sẽ dành cho lứa tuổi 21, thay vì lứa tuổi 23 như hiện nay, những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường e rằng sẽ không đủ điều kiện về tuổi tác tham dự môn bóng đá nam của đại hội thể thao Đông Nam Á. Giấc mơ của bầu Đức vì thế nhiều khả năng cũng không thành.
Thật ra thì giấc mộng SEA Games không chỉ của riêng bầu Đức mà còn của rất nhiều người hâm mộ bóng đá Việt Nam, vì hơn nửa thế kỷ rồi chúng ta chưa giành được bộ HCV môn bóng đá nam.
Nếu lứa Công Phượng không được dự SEA Games thì giấc mơ của bầu Đức cũng không thành (ảnh: Gia Hưng)
Dù vậy, những kỳ vọng cũng cần được đặt trên cơ sở thực tế, và những mục tiêu trong bóng đá, nhất là mục tiêu HCV cần dựa trên những luận cứ khoa học, cũng như dựa trên sự chuẩn bị và nền tảng thực tế.
Sở dĩ bóng đá Việt Nam bấy lâu này càng lúc có vẻ càng xa bộ HCV SEA Games, cũng như xa trình độ với bóng đá Thái Lan xuất phát từ chỗ chúng ta không làm tốt công tác nhân sự. Riêng khâu đào tạo cầu thủ không có sự đồng bộ.
Giấc mơ HCV SEA Games của bầu Đức với 1 lứa cầu thủ duy nhất đáng được thông cảm, xuất phát từ khát khao với tư cách một người hâm mộ, nhưng bảo thực tế thì đấy không phải là giấc mơ thực tế, vì trong lúc các nền bóng đá tiên tiến có sự đồng bộ về khâu đào tạo trẻ, rồi hình thành các đội tuyển dựa trên sự tổng hợp tinh hoa của rất nhiều lò đào tạo, thì chúng ta chỉ mong đua với họ chỉ bằng một học viện và một lứa cầu thủ duy nhất.
Bóng đá Việt Nam muốn mơ thành tích cao thì phải thay đổi mạnh từ khâu nền tảng, để khâu đào tạo đi vào hệ thống và nề nếp, nhằm tạo ra sự ổn định về chất lượng nhân sự, thay cho những giấc mơ thiếu cơ sở khoa học.
Mà có lẽ cũng đã đến lúc chúng ta thôi quá ám ảnh về giấc mơ HCV SEA Games. Đã đến lúc có quan điểm khác về bóng đá trẻ, rằng việc phát triển các lứa tuổi U nói cho cùng để phục vụ mục đích cao nhất là giúp họ tỏa sáng khi trưởng thành, chứ đá hay ở các lứa U nhưng mờ nhạt ở sân chơi đỉnh cao thì đấy không phải là đích đến của việc đào tạo trẻ.
Ví dụ như trường hợp của chính Công Phượng, cầu thủ này liên tục tỏa sáng ở các lứa tuổi trẻ, nhưng chưa thể hiện được mình ở sân chơi đỉnh thì chưa thể gọi là thành công.
Tính chất ở các kỳ SEA Games trong môn bóng đá nam cũng vậy, sân chơi này lúc trước dành cho các đội tuyển U23, sắp tới có thể dành cho lứa U21 nói cho cùng vẫn là sân chơi trẻ. Mà sân chơi trẻ là nơi người ta thông qua đấy đánh giá tốc độ phát triển của các cầu thủ tương lai, trước khi có những điều chỉnh cho phù hợp, để giúp họ hoàn thiện hơn trước khi trưởng thành và đá các giải đỉnh cao.
Chứ sân chơi trẻ không phải là nơi mà những người làm bóng đá tập trung hết sự mơ mộng vào đấy, rồi vội vã tung hô các tài năng chỉ thông qua một hai thành công ở lứa tuổi trẻ, mà chưa kịp thẩm định họ hướng tỏa sáng ở đỉnh cao hay không?! Làm thế có khi khiến cho chính các cầu thủ bị mất phương hướng theo.
Trọng Vũ
Bóng đá trong nước – Dân trí điện tử – Dantri.com.vn
from WordPress http://ift.tt/1WSyKht
via TIN TUC THE THAO
Post a Comment