Lối chơi của đội tuyển Việt Nam: Mỗi thời mỗi khác
Đội tuyển U23 Thái Lan vô địch SEA Games 2015 mà thậm chí không cần đến HLV Kiatisuk. Người trực tiếp chỉ đạo đội tuyển U23 Thái Lan trên đất Singapore hồi tháng 6 vừa rồi chỉ là một trong những trợ lý của “Zico Thái”, nhưng lối chơi của U23 Thái Lan thì lại không có khác biệt đáng kể với chính đội này ở SEA Games 2013 và với đội tuyển Thái Lan của Kiatisuk.
Đấy là lối chơi ban bật ngắn, cầu thủ xử lý nhanh và gọn, dựa vào nền tảng kỹ thuật, thể lực, cũng như tốc độ ở trình độ cao so với mặt bằng bóng đá Đông Nam Á.
Sở dĩ cầu thủ Thái Lan không cần đến HLV trưởng nhưng vẫn giữ được lối đá quen thuộc mang tính bản sắc bởi từ cái nền ở CLB, các lứa trẻ cho đến khi khoác lên mình màu áo của các đội tuyển cấp quốc gia, bóng đá Thái Lan rất có ý thức xây dựng lối chơi xuyên suốt, phù hợp với cầu thủ Thái.
Khác với Thái Lan, đội tuyển Việt Nam không có lối chơi chủ đạo (ảnh: Gia Hưng)
Các CLB Thái Lan, nhất là nhóm các CLB hàng đầu hầu như cũng có lối chơi không mấy khác biệt so với đội tuyển, vẫn lấy tấn công làm chủ đạo, dựa trên chất kỹ thuật và tính kỷ luật chiến thuật trong lối chơi.
Ở trình độ thấp hơn một chút, các đội bóng Singapore và Malaysia cũng có lối chơi riêng. Dù lúc mạnh lúc yếu khác nhau, nhưng hễ nói đến bóng đá Singapore và bóng đá Malaysia là người ta nói ngay đến lối chơi thiên về thể lực, sử dụng nhiều bóng dài mang phong cách châu Âu, đồng thời giỏi đá phản công hơn là việc đẩy cao tốc độ, ban bật để tấn công trực diện.
Đấy lại là điều mà chúng ta ít thấy nơi các đội tuyển Việt Nam. Các đội tuyển của chúng ta rốt cuộc lấy lối chơi nào làm lối chơi chủ đạo là điều mà ngay cả nhiều người thường xuyên theo dõi bóng đá nội cũng khó trả lời?
Mỗi thời HLV khác nhau, đội tuyển Việt Nam lại đá theo lối đá khác nhau, mà chưa tạo được bản sắc riêng như Thái Lan, Singapore và Malaysia đã làm được.
Cái nền tảng ở cấp CLB cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đội tuyển. Hầu hết các đội bóng trong nước đều chuộng lối chơi dùng sức. Đấy là lối đá dùng nhiều bóng dài và bóng bổng, chủ yếu rót bóng tìm điểm đến là các ngoại binh vốn to, khỏe, dùng sức càn lướt rồi giải quyết các đường bóng kiểu này.
Đến lúc đá ở cấp đội tuyển chúng ta lại thiếu những tiền đạo có thể hình hay thể lực tương tự như các trung phong ngoại ở cấp CLB, nên đội tuyển gần như phải xây dựng lại lối chơi từ đầu, để phù hợp với thể trạng nhỏ của cầu thủ nội.
Lối chơi dựa quá nhiều ngoại binh, dùng quá nhiều bóng dài ở cấp CLB lâu dần (qua đến 15 mùa chuyên nghiệp của V-League) cũng làm hại đến chất lượng kỹ thuật của cầu thủ nội. Các đội bóng nội sử dụng bóng dài, đá vượt tuyến quá nhiều nên dễ thấy là càng về sau bóng đá Việt Nam càng khan hiếm dạng tiền vệ giàu kỹ thuật, lại giỏi tổ chức cỡ Hồng Sơn, Minh Hiếu hay Minh Phương ngày nào.
Chất lượng kỹ thuật của cầu thủ Việt Nam hiện nay cũng bị đánh giá là kém hơn so với thế hệ trước, một phần cũng xuất phát từ lối đá dựa quá nhiều vào bóng dài ở cấp CLB.
Các đội bóng trong nước chơi theo cách không phù hợp với đội tuyển, ở cấp CLB chơi kiểu khác và lên đội tuyển buộc phải chơi kiểu khác, thành ra dẫn đến chuyện đội tuyển Việt Nam không thể hình thành lối chơi mang tính bản sắc, khác hẳn với những gì mà bóng đá Thái Lan đang có.
Kim Điền
Bóng đá trong nước – Dân trí điện tử – Dantri.com.vn
from WordPress http://ift.tt/1ZZUIDC
via TIN TUC THE THAO
Post a Comment