Bóng đá Việt Nam có thay đổi tích cực ở hội nghị bóng đá tháng 12/1015?
Có nhất thiết cần đến một hội nghị?
Có lẽ chính lãnh đạo Tổng cục TDTT cũng quên rằng 2 – 3 năm trước, từng có một loạt hội thảo bàn về chiến lược của bóng đá Việt Nam, tầm nhìn 2030, với nhiều lần lấy ý kiến của các chuyên gia, cũng như những người đang hoạt động trong lĩnh vực bóng đá.
Thành ra, cái gọi là một “Hội nghị Diên Hồng” cho bóng đá Việt Nam vào cuối năm nay có khi tính chất cũng không khác những lần lấy ý kiến trước đây, và cũng sẽ khó thu về kết quả về mặt thực chất, nếu như người ta cũng chỉ nói chứ không làm, hoặc giả tiếp tục xảy ra tình trạng “đá lộn sân” như những lần thội thảo trước, tức là có người lan man quá nhiều đến những công việc nằm ngoài lĩnh vực sở trường của họ.
Thay vào đó, có những việc mà người làm bóng đá Việt Nam có thể thực hiện ngay, để thay đổi diện mạo của cả nền bóng đá, mà chẳng cần đến Hội nghị vừa nêu.
Đó là thay đổi thực chất đào tạo trẻ ở nhiều CLB, làm sao để các đội bóng trẻ, các giải đấu trẻ mỗi năm được đá nhiều hơn, thay vì chỉ đá khoảng 1 tháng, với trên dưới chục trận đấu từ vòng loại cho đến VCK. Đá càng ít thì tính cọ xát của các cầu thủ trẻ càng kém, rồi các CLB cũng chỉ nuôi đội trẻ cho có lệ.
Bóng đá Việt Nam có những việc có thể làm ngay mà không nhất thiết phải có thêm các hội nghị
Đó là việc thay đổi phương thức và chất lượng giải quốc nội, là việc tổ chức các giải đấu thuộc hệ thống thi đấu quốc gia theo hình tháp, càng lên càng nhỏ, thay vì cách chúng ta đang tổ chức các giải đấu này kiểu tháp ngược, hạng trên nhiều đội hơn hạng dưới, khiến tính cạnh tranh giảm, còn sự thiếu trung thực gia tăng, do yêu cầu phải chạy theo số lượng.
Đấy còn là việc đưa bóng đá vào học đường, phát triển từ chân đế. Nếu không có điều kiện và sân bãi để chơi bóng đá sân lớn, thì vẫn có thể tổ chức bóng đá học đường dạng futsal hoặc bóng đá mini như Thái Lan, Brazil hay Tây Ban Nha vẫn làm.
Những vấn đề đấy không phải những người làm bóng đá không biết, cũng chưa cần đến cái gọi là “Hội nghị Diên Hồng” để được nhắc lại, ngặt nỗi lâu nay họ không làm, hoặc làm rất qua loa.
Thay đổi bộ máy Ban chấp hành (BCH) VFF
Cơ quan đầu não của bóng đá Việt Nam chắc chắn vẫn là VFF, và những người đang nắm định hướng của VFF là BCH. Chỉ có điều lâu nay từ thành phần cho đến số lượng thành viên BCH của chúng ta đều không đúng theo tinh thần khuyến cáo của FIFA.
FIFA khuyến cáo mỗi liên đoàn thành viên chỉ cần có 15 ủy viên BCH, trong khi số ủy viên này của VFF hiện là 23, vừa cồng kềnh tốn kém, vừa dễ nẩy sinh tình trạng “lắm thầy nhiều ma”.
BCH VFF đông nhưng lại không mang đúng và mang đủ tính đại diện như tinh thần của FIFA. 23 ủy viên BCH VFF hiện nay chủ yếu đại diện cho các CLB ở V-League, đụng đến quyền lợi của đội bóng của chính họ thì họ làm căng, nhưng nếu bàn đến các vấn đề liên quan đến phương thức lên – xuống hạng, của bóng đá trẻ, bóng đá nữ, bóng đá học đường, đến quyền lợi của cầu thủ, đại diện dân chuyên môn (kiểu hiệp hội HLV, cầu thủ)… thì ai sẽ cho ý kiến, ai sẽ đấu tranh cho những vấn đề mang tính nền tảng của cả nền bóng đá ấy?
Sở dĩ FIFA đòi hỏi thành phần ủy viên BCH của các liên đoàn thành viên phải đa dạng về xuất thân, phải mang tính đại diện cho nhiều lĩnh vực độc lập cũng vì lẽ đó.
Đấy cũng là những vấn đề mà không phải những người làm bóng đá Việt Nam không thấy, nhưng có ủy viên BCH nào tự nguyện rút, hoặc đơn giản chịu nhường chỗ cho người khác mang tính đại diện cao hơn, cần tiếng nói trong VFF hơn mình?
Giải quyết rốt ráo những vấn đề đấy theo đúng tinh thần của FIFA, theo đúng nền tảng của phương thức phát triển bóng đá chuyên nghiệp thì có khi cũng chẳng cần thêm 1 hay nhiều hội nghị. Bằng ngược lại, có tổ chức hội nghị cũng chỉ là mang tính hình thức, nói xong, góp ý xong rồi lại để đấy, lại tiếp tục “xây nhà từ nóc”!
Trọng Vũ
Bóng đá trong nước – Dân trí điện tử – Dantri.com.vn
from WordPress http://ift.tt/1MRC77y
via TIN TUC THE THAO
Post a Comment