V-League trước giờ khởi tranh: Lộ diện ứng cử viên vô địch
B.Bình Dương vừa đoạt Siêu cúp quốc gia. Dù vậy, danh hiệu đó không quan trọng bằng cách mà đội bóng đất Thủ Dầu lên ngôi. Họ đoạt Siêu cúp trong bối cảnh không sử dụng hàng loạt cầu thủ rất nổi tiếng là Tấn Tài (chấn thương), Công Vinh (bận cưới vợ), Oseni (không được đăng ký vì không đủ suất).
Có nghĩa là về mặt lý thuyết, đội bóng đất Thủ Dầu sẽ còn mạnh hơn nữa nếu có thêm những ngôi sao vừa nêu.
Mùa trước, B.Bình Dương vô địch mà không cần có Công Vinh cũng như Oseni. Tức là, cũng về lý thuyết, đội bóng này vốn đã mạnh nhất nước sẽ còn mạnh hơn.
B.Bình Dương cũng là đội bóng hiếm hoi ở Việt Nam hầu như không chịu chút ảnh hưởng nào tự cuộc khủng hoảng kinh tế trong bóng đá nội. Họ vẫn rầm rộ mua sắm, vẫn đưa về đất Thủ Dầu những ngôi sao nổi tiếng nhất, đắt giá nhất.
B.Bình Dương vẫn là ứng cử viên sáng giá nhất cho ngôi vô địch V-League 2015 (ảnh: Trọng Vũ)
Rồi trong khi hàng loạt đội khác bị sút giảm sức mạnh vì việc hạn chế ngoại binh cùng cầu thủ nhập tịch, nhưng B.Bình Dương vẫn hầu như chẳng hề hấn gì. Họ vẫn mạnh đều ở 3 tuyến: Không có thủ thành Quốc Thiện Esele thì B.Bình Dương vẫn còn cựu tuyển thủ quốc gia Tấn Trường trong vai trò người gác đền.
Hàng hậu vệ của họ cũng toàn tuyển thủ hoặc cựu tuyển thủ quốc gia như Phước Tứ, Đình Luật, Âu Văn Hoàn, hay Đặng Văn Robert. Ở hàng tiền vệ, B.Bình Dương có Tấn Tài, Moses, Trọng Hoàng, Tăng Tuấn, Mai Tiến Thành.
Trên hàng tiền đạo, Abass, Oseni, Công Vinh và Anh Đức đều là những chân sút có giá, có khả năng gây đột biến cao. Thậm chí, giữa Oseni và Abass, người ta còn chưa biết cầu thủ nào được đăng ký ở từng trận đấu tại V-League, do quy định hạn chế cầu thủ gốc ngoại ở sân chơi số 1 Việt Nam tầm CLB.
Ai đủ sức thách thức B.Bình Dương?
Như đã nói ở trên, B.Bình Dương gần như đứng ngoài cuộc khủng hoảng kinh tế trong bóng đá nội. Nhờ tiềm lực tài chính hùng hậu, đội bóng đất Thủ Dầu nghiễm nhiên được đánh giá cao.
Trong bối cảnh ấy, vấn đề còn lại của làng cầu nội trước V-League 2015 chính là đi tìm đội đủ khả năng soán ngôi của đoàn quân trong tay HLV Lê Thụy Hải.
Thực tế sân cỏ Việt Nam cho thấy số đội mạnh ở nước ta hiện nay không còn nhiều. Thế lực cũ ĐT Long An đã ở xa lắc so với thời đỉnh cao, HA Gia Lai nổi tiếng thì có nổi tiếng, nhờ lứa U19, nhưng hay thì chưa ai dám nói hay.
Thanh Hóa, SL Nghệ An chỉ ổn định hơn các đội khác, chứ bảo đấy là những ứng cử viên vô địch thì không hẳn. Than Quảng Ninh đầu tư mạnh, nhưng nếu chỉ đầu tư trong một mùa giải mà đã được xếp ngay vào nhóm có khả năng tranh chấp ngôi cao thì hóa ra làm bóng đá dễ vậy à?
2 đội bóng của bầu Hiển gồm Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng có thể là những đội có khả năng ngăn cản B.Bình Dương xưng vương. Dù vậy, so với mọi năm, chuyển động của Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng cũng không còn rầm rộ như trước, chủ yếu do họ cũng không còn mua sắm nhiều.
Vả lại, nếu Hà Nội T&T thực sự muốn ngăn B.Bình Dương vô địch V-League, họ đã làm điều này từ mùa giải trước rồi, chứ không phải tự đánh mất lợi thế, rồi nhìn đối phương đăng quang.
Bên cạnh đó, có thể thấy là chiến lược đầu tư của bầu Hiển đã thay đổi. Ông Hiển sau quá nhiều thành công cũng không nhất thiết phải có thành công bằng mọi giá nữa. Ông bầu này có vẻ như đang chuyển hướng sang sự ổn định và đầu tư cho thế hệ trẻ, giống cách bầu Đức của HA Gia Lai đang làm.
Trước giờ V-League khởi tranh, B.Bình Dương vẫn là ứng cử viên số 1 cho ngôi vô địch. Ở phần còn lại của giải đấu, người ta chờ đợi những bất ngờ đến từ những cái tên không ai để ý, nhằm giúp cho V-League có thêm yếu tố để lôi kéo người hâm mộ đến sân.
Kim Điền
Bóng đá trong nước – Dân trí điện tử – Dantri.com.vn
from WordPress http://tintucthethao.trungtamdaynghetoc.com/v-league-truoc-gio-khoi-tranh-lo-dien-ung-cu-vien-vo-dich-5558.html
via TIN TUC THE THAO
Post a Comment