Những nét tươi mới về chiến thuật của bóng đá thế giới năm 2014
Guardiola biến hậu vệ biên thành tiền vệ
Cách Pep Guardiola sử dụng bộ đôi hậu vệ cánh Philipp Lahm và David Alaba thi đấu dâng cao như những tiền vệ trong sơ đồ 3-6-1 gần như chưa từng thấy trong lịch sử bóng đá thế giới. Mới lạ, độc đáo và hữu dụng, sơ đồ 3-6-1 thực sự mang tính cách mạng.
Pep Guardiola đã có những phát kiến độc đáo để tận dụng khả năng của Lahm
Cách bố trí đội hình này phát huy tối đa khả năng cầm trịch giữa sân của Xabi Alonso đồng thời tạo điều kiện cho Lahm-Alaba, hai cầu thủ cực giỏi trong chuyền bóng và hỗ trợ tấn công, thỏa sức phô diễn tài năng. Bộ đôi hậu vệ cánh này có thể leo biên hoặc cũng có thể xuất hiện ở trung lộ để tạo ra áp lực cho hàng thủ đối phương.
Sự hiện diện của Lahm-Alaba ở giữa sân cũng tạo điều kiện cho Arjen Robben và Franck Ribery di chuyển tự do và áp sát với khung thành đối phương hơn, tránh tình trạng quá đông cầu thủ tập trung ở trung tuyến thường thấy ở lối chơi tiki-taka.
World Cup 2014 và những đội bóng một người
World Cup 2014 chứng kiến đội tuyển Đức đăng quang bằng lối chơi tập thể, linh hoạt, dựa trên dàn cầu thủ có chất lượng đồng đều. Nhưng Die Mannschaft lại là trường hợp ngoại lệ về xu hướng chiến thuật tại Brazil. Phần lớn các đội tuyển xây dựng lối chơi xung quanh một cầu thủ.
Ví dụ điển hình nhất chính là chủ nhà Brazil. Trước đây, HLV Luiz Felipe Scolari thường sử dụng Oscar thi đấu ở trung tâm trong khi Neymar được bố trí đá lệch trái trên hàng công. Nhưng đến World Cup 2014, ngôi sao đang khoác áo Barcelona đã di chuyển bên trung tâm, trong vai trò “số 10”. Tất nhiên, “tiểu Pele” thi đấu cực kỳ chói sáng. Thảm bại Selecao phải đón nhận tại bán kết trước đội tuyển Đức có nhiều nguyên nhân để lý giải, nhưng rõ ràng sự thiếu vắng Neymar được nói đến nhiều nhất.
Argentina cũng xây dựng hệ thống tương tự. Trong thời gian dẫn dắt Alcebileste, HLV Alejandro Sabella luôn cố gắng làm sao tận dụng được tất cả những siêu sao trên hàng công (Gonzalo Higuain, Lionel Messi, Sergio Aguero và Angel Di Maria), với Messi thường thi đấu lệch phải.
Vắng Neymar, Brazil thua tan nát trước Đức
Vào thời điểm Aguero và Di Maria không thể ra sân, Sabella quyết định chuyển sang sơ đồ 4-4-1-1 với Messi là cầu nối giữa hàng tiền vệ và tiền đạo. Đến World Cup 2014, Sabella chuyển sang sơ đồ kim cương và dĩ nhiên siêu sao của Barca vẫn tiếp tục sắm vai “số 10”. Thi đấu khá thành công cho đến vòng tứ kết, tuy nhiên đến hai trận đấu quan trọng nhất, trước những đội bóng có hệ thống phòng ngự vững chãi (Hà Lan và Đức), Messi lại không đáp ứng được kỳ vọng.
Một số đội bóng một người khác có thể kể đến như Colombia với James Rodriguez), Thụy Sĩ với Shaqiri hay Hà Lan với Arjen Robben. Trường hợp của siêu sao vừa chuyển đến Real Madrid sau World Cup khá tương tự Messi và Neymar. Trong khi đó, bộ đôi đang khoác áo Bayern Munich tuy có xu hướng dạt biên nhưng tạo ra tầm ảnh hưởng rất lớn, gần như mọi đợt lên bóng đều phải qua chân hai cầu thủ này.
Lối chơi phản công nhanh lên ngôi tại châu Âu
Lối chơi áp đảo về mặt thế trận đã thống trị bóng đá châu Âu một vài năm trước đây, nhưng hiện tại, gió đã đảo chiều và những đội bóng có thiên hướng tấn công nhanh, trực diện đang thành công rực rỡ. Bằng chứng nhãn tiền là màn hủy diệt Bayern Munich với tỉ số 4-0 của Real Madrid. Ở trận đấu đó, những ngôi sao tấn công có tốc độ cực tốt bên phía đội khách, như Cristiano Ronaldo, Gareth Bale hay Di Maria đều thi đấu chói sáng.
Nói đến lối đá “phòng ngự chặt, phản công nhanh” không thể không nhắc đến Atletico Madrid. Thầy trò Diego Simeone đã chấm dứt sự thống trị của hai gã khổng lồ Real và Barca tại La Liga bằng lối chơi cực kỳ hiệu quả. Đặc biệt, tỉ lệ kiểm soát bóng trung bình mỗi trận của Atletico còn dưới 50%.
Atletico là cái tên tiêu biểu nhất cho cách tấn công chớp nhoáng
Tại Premier League, Man City đăng quang nhưng không thể phủ nhận Liverpool là đội bóng để lại nhiều ấn tượng nhất. Brendan Rodgers là mẫu chiến lược gia ưa thích kiểm soát trận đấu, nhưng ông đã xây dựng được hàng công có sức công phá khủng khiếp bằng những đợt lên bóng chớp nhoáng. Những cái tên như Luis Suarez, Daniel Sturridge, Raheem Sterling hay Jordan Henderson đều tỏ ra rất xuất sắc với lối chơi này.
Thủ môn quét
Từ màn trình diễn xuất sắc và đặc biệt ấn tượng của một cá nhân đã khai sinh ra khái niệm chiến thuật mới trong bóng đá. Trong trận đấu giữa Đức và Algeria tại vòng 1/8 World Cup 2014, dấu ấn lớn nhất đến từ thủ thành Manuel Neuer, người thường dâng lên rất cao và truy cản cầu thủ đối phương như một hậu vệ thực thụ.
Đây có thể chưa hẳn là một cuộc cách mạng. Thủ thành Rene Higuita từng ghi dấu ấn bằng pha bắt bóng kiểu bò cạp và huyền thoại Johan Cruyff luôn nhấn mạnh rằng các thủ môn có thể bị chọc thủng lưới vài lần trong một mùa giải nếu dâng lên quá cao. Nhưng có những điểm khác biệt: màn trình diễn này đến từ thủ thành xuất sắc nhất thế giới, và góp công lớn đưa đội tuyển Đức đến chức vô địch World Cup. Cách Neuer dâng cao rất sáng tạo, hiệu quả hơn là điên rồ. Có thể sau thủ thành người Đức, các thủ môn sẽ di chuyển chủ động và cao hơn.
Thủ thành Neuer khai sinh ra khái niệm “thủ môn quét”
Sự đa dạng hóa về sơ đồ chiến thuật
Cách bối trí hàng hậu vệ 4 người đã trở thành đã trở thành chuẩn mực của bóng đá trong nhiều thập niên, nhưng gần đây một số ngày càng tăng các đội bóng có xu hướng sử dụng 3 hậu vệ. Hàng phòng thủ 3 người là cách bố trí đặc trưng tại Serie A trong nhiều năm qua, do nhịp độ trận đấu chậm và các đội chơi bóng trong không gian hẹp, đang được nhân rộng.
Ví dụ điển hình, chiến thắng 3-0 của Manchester United trước Liverpool, cả hai đội đều ra sân với đội hình có 3 hậu vệ, điều không tưởng cách đây 5 năm. Hai gã khổng lồ Barcelona và Bayern Munich cũng thử nghiệm với cách bố trí hậu vệ này. Hàng thủ 3 người còn xuất hiện tại World Cup 2014, với Hà Lan, Costa Rica, Chile và Mexico.
Duy Khánh
Thể thao quốc tế – Dân trí điện tử – Dantri.com.vn
from WordPress http://ift.tt/1D5LIA3
via TIN TUC THE THAO
Post a Comment