VĐV bóng chuyền Việt Nam xuất ngoại thành công hơn bóng đá
Mới đây, chủ công Trần Thị Thanh Thúy đã chuyển sang thi đấu cho đội PFU BlueCats tại Nhật Bản, sau khi nhận được sự đồng ý từ câu lạc bộ chủ quản Bình Điền Long An. Cô là 1 trong 2 ngoại binh, bên cạnh Melissa Valdes (Cuba) được thuê để thi đấu ở mùa giải 2021-2022, bắt đầu từ ngày 15/10.
Sau 3 trận đấu, chủ công cao 1,92m của Việt Nam đã chứng tỏ được khả năng khi ghi 30 điểm cho đội, đứng thứ 2 trong danh sách những tay đập ghi điểm nhiều nhất.
Đây là lần thứ 4 Trần Thị Thanh Thúy xuất ngoại. Cách đây 2 năm, cô khoác áo 1 câu lạc bộ Nhật Bản khác - Denso Airybees. Phong độ xuất sắc của vận động viên Việt Nam góp phần không nhỏ giúp đội bóng đứng trong Top 4 cuối mùa.
Tháng 10/2017, Thanh Thúy khoác áo đội Attack Line của Đài Loan (Trung Quốc). Sau 8 trận, cô ghi đến 147 điểm, nhiều nhất đội. Còn trước đó nữa, Thanh Thúy đã cùng đội Bangkok Glass vô địch Thái Lan ở mùa 2015/2016.
Thanh Thúy là 1 trong 2 vận động viên bóng chuyền nữ Việt Nam xuất ngoại rất thành công những năm qua. Mức thu nhập mà cô nhận được từ các đội của Nhật Bản, Đài Loan… tính bằng tiền tỉ, tương xứng với tài năng của chủ sông sinh năm 1997 này.
Trước Thanh Thúy, phụ công Nguyễn Thị Ngọc Hoa là người làm rạng danh cho bóng chuyền Việt Nam khi xuất ngoại. Năm 2013, vận động viên sinh năm 1987 này khoác áo đội Ayutthaya A.T.CC cùng đội đứng hạng 3 giải vô địch quốc Thái Lan, đoạt Siêu Cúp Thái Lan. Cá nhân cô nhận danh hiệu phụ công hay nhất giải.
Bước đệm này giúp Ngọc Hoa đầu quân cho Bangkok Glass. Trong màu áo đội bóng hùng mạnh này, phụ công nổi tiếng của bóng chuyền Việt Nam đã có 2 lần vô địch Thái Lan cùng 1 lần vô địch Châu Á. Cá nhân cô nhận danh hiệu phụ công hay nhất giải vô địch các câu lạc bộ Châu Á 2015, giải đấu mà Bangkok Glass đã đăng quang.
Năm 2016, cô vinh dự là vận động viên bóng chuyền đầu tiên của Việt Nam tranh tài tại Giải vô địch các câu lạc bộ thế giới, trong màu áo đội bóng Thái Lan. Đối mặt với những đồng nghiệp hay nhất thế giới, Ngọc Hoa vẫn để lại dấu ấn với việc ghi 43 điểm/5 trận, nằm trong nhóm những phụ công chơi tốt nhất giải.
So với bóng đá, các vận động viên bóng chuyền Việt Nam xuất ngoại thành công hơn nhiều. Các cầu thủ Việt Nam liên tục ra nước ngoài thi đấu khá nhiều thời gian qua. Tuy nhiên, từ Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Đoàn Văn Hậu… đều có ít cơ hội ra sân. Họ đóng vai trò mờ nhạt tại các câu lạc bộ của Hàn Quốc, Nhật Bản, Bỉ hay Hà Lan. Các cầu thủ này sau đó đều về lại Việt Nam và chưa hẹn ngày trở lại.
Đặng Văn Lâm là trụ cột của Muangthong United tại Thái Lan, sau đó chuyển sang khoác áo Cerezo Osaka tại Nhật Bản. Lâm "Tây" có bước tiến trong sự nghiệp nhưng anh vẫn chưa thể có suất bắt chính tại câu lạc bộ của Nhật Bản. Số lần ra sân của anh ở mùa giải này mới đếm trên đầu ngón tay. Lúc này, Văn Lâm đang chấn thương và chỉ trở lại vào cuối tháng 1/2022.
Trường hợp xuất ngoại thành công nhất vài năm qua là trường hợp của tiền đạo Nguyễn Hữu Khôi. Năm 2018, anh sang khoác áo đội Siheung City, ghi 5 bàn/19 trận giúp đội vô địch hạng 5 tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, việc thi đấu ở các giải hạng thấp như vậy không phải là mục tiêu của nhiều ngôi sao bóng đá Việt Nam.
Post a Comment